Chùm ruột: Không chỉ là loài thực vật dân dã để ăn

chùm ruột

Chùm ruột là loài cây quen thuộc với người dân Việt Nam để tạo bóng mát, làm thức ăn. Nhưng ít biết rằng đây còn là vị thuốc thường được sử dụng để điều trị bệnh trong Đông y. Đặc biệt, vị thuốc có khả năng thanh nhiệt, chữa ho rất hiệu quả. 

1. Giới thiệu về Chùm ruột

Tên gọi khác: Tầm duột, Chùm giuột, Tầm ruộc…

Tên khoa học: Phyllanthus acidus (L).

Họ khoa học: Thuộc họ Thầu dầu (Euphorbiaceae).

Nguồn gốc xuất xứ: Madagascar (Đảo quốc ở Ấn Độ Dương)

1.1. Đặc điểm sinh trưởng và thu hái

Chùm ruột là cây mọc hoang và thường được trồng tại Lào và nhiều nơi thuộc vùng nhiệt đới châu Á như Malaysia, Indonesia, Philippines, Ấn Độ và đảo Mangat. Tại Việt Nam, loài thực vật này được một vài nhà trồng làm cảnh hay trồng để ăn quả, làm mứt.

Cây thích nghi với vùng nhiệt đới, ưa nắng, có tốc độ sinh trưởng và phát triển nhanh. Thường được nhân giống bằng cách gieo hạt trên những nơi có đất thoát nước tốt, có độ tơi xốp.

Có thể thu hái lá, vỏ thân, vỏ rễ của Chùm ruột quanh năm. Ra hoa vào tháng 3 – 5, ra quả vào tháng 6 – 8.

Bộ phận làm thuốc: Lá, quả, vỏ thân và rễ.

chùm ruột
Tại Việt Nam, Chùm ruột được trồng làm cảnh hay trồng để ăn quả, làm mứt.

1.2. Mô tả toàn cây

Chùm ruột thuộc thực vật cây nhỏ, thân nhẵn, chiều cao trung bình 4 – 6m, cao nhất có thể đạt đến 10 m. Cành non màu xanh nhạt, có nhiều vết sẹo của lá cũ. Rễ mọc khỏe, ăn sâu và lan rộng dưới mặt đất.

Lá mềm mỏng, dài 4 – 5cm, rộng 18 – 20mm. Mặt trên màu xanh nhạt, mặt dưới màu nhạt hơn. Phía cuống tù hay tua tròn, đầu phiến nhọt.

Hoa nhỏ màu đỏ, mọc thành xim dài 6 – 15 cm tụ thành cụm hoa gồm 4 – 7 hoa trên những mấu tròn ở kẽ lá những lá đã rụng. Hoa cái và hoa đực mọc cùng một cây. Hoa đực có đài 4 răng, 4 nhị, rời còn hoa cái có 4 lá đài, bầu 4 ô.

Quả mọc từng chùm theo các cành non và kể cả ở cành già hay ngay trên thân, có vỏ từ màu xanh non đến vàng nhạt và mờ đục như sáp. Quả nang 4 mảnh khi chín có màu vàng nhạt, đường kính 5 mm. Cuống quả dài chừng 7mm. Hạt cứng, to, nằm ở trung tâm của quả. Mỗi quả chỉ có một hạt.

1.4. Bảo quản

Dược liệu nếu quả trải qua sơ chế cần để nơi khô ráo, thông thoáng, tránh mối mọt.

Ngoài Chùm ruột, Ổi cũng là loại trát cây quen thuộc có tác dụng trị bệnh: Cây Ổi: Không chỉ là loại trái cây quen thuộc để ăn

2. Thành phần hóa học và tác dụng

2.1. Thành phần hóa học

Vỏ rễ: Chứa Saponin, Acide Galic, Tanin, một số hợp chất Triterpen như Phyllanthol, B-Amyrin và chứa nhiều acid Phenol.

Quả: Chứa 89 – 91% nước; 0,73 – 0,90% protit; 0,61 – 0,76% liptit; 5,89 – 7,20% gluxit. Độ chua do có chứa acid axetic chừng 1,7%, độ tro chừng 0,52  – 0,84%. Nước ép quả để giải nhiệt vì chứa đến 40% mg vitamin C, nhiều chất xơ…

Quả Chùm ruột vị chua, hơi ngọt, ăn được, thường dùng làm mứt
Quả Chùm ruột vị chua, hơi ngọt, ăn được, thường dùng làm mứt.

2.2. Tác dụng

Giảm đau, kháng viêm: do chứa nhiều các hợp chất chống oxy hóa. (Asian Pacific Journal of Tropical Biomedicine)

Hạ huyết áp: kết quả nghiên cứu trên chuột cho thấy chiết xuất từ lá Chùm ruột hỗ trợ điều trị tăng huyết áp. (European Journal of Pharmacology)

Bảo vệ gan: chiết xuất từ lá còn có khả năng bảo vệ gan trước độc tính của Paracetamol do sử dụng quá liều. (Asian Pacific Journal of Tropical Medicine),

Theo y học cổ truyền:

  • Quả có vị chua ngọt, tính mát. Tác dụng thanh nhiệt, bổ gan bổ máu. Giúp cải thiện chức năng gan, hỗ trợ điều trị bệnh xơ gan rất hiệu quả.
  • Lá: Vị chua nhẹ, có tính sát khuẩn cao, tiêu đờm, tiêu độc.
  • Rễ có tính nóng. Hạt và rễ có tác dụng tẩy.

3. Cách dùng và liều dùng

Tùy thuộc vào mục đích sử dụng và từng bài thuốc mà có thể dùng dược liệu với nhiều cách khác nhau. Chùm ruột thường được dùng ở nhiều dạng. Trong đó:

  • Lá cây có thể dùng tươi dưới dạng dã nát bôi ngoài da, nấu lấy nước để tắm, điều trị lở ngứa, mề đay…
  • Vỏ thân cây thường được phơi khô, tán bột và kết hợp với nhiều nguyên liệu khác.
  • Quả được ép lấy nước, dùng dưới dạng nguyên trái, ngâm mứt đường hoặc làm mứt.

4. Một số bài thuốc kinh nghiệm

4.1. Chữa đau nhức (đau lưng, chân, háng)

Lá Chùm ruột tươi giã nát cùng hồ tiêu, đắp vào chỗ đau.

 4.2. Chữa lở ngứa, mề đay, ghẻ loét, vết thương ngoài da

Vỏ thân cây phơi khô, tán bột, chưng với dầu dừa, dùng để bôi. Bôi ngoài da đều đặn mỗi ngày đến khi tình trạng mề đay, ghẻ loét lở ngứa cải thiện.

4.3. Ngâm rượu Chùm ruột

Lấy vỏ chùm ruột phơi khô, tán thành bột mịn, ngâm với rượu trắng nồng độ cao

Cứ 200g bột Chùm ruột ngâm với 1 lít rượu, để trong 10 ngày là sử dụng được.

Cách sử dụng:

  • Đau răng, đau họng thì ngậm trong 5 – 10 phút thì nhổ ra, súc lại bằng nước
  • Vết thương, lở loét ngoài da thì dùng rượu này để bôi.

5. Kiêng kỵ

  • Vỏ và rễ chùm ruột chứa nhiều độc tố nên tuyệt đối không được uống hay tiếp xúc bằng đường miệng.
  • Nếu uống nước sắc hoặc rượu ngâm từ vỏ rễ cây nhẹ thì nhức đầu, nặng thì đau bụng dữ dội thậm chí gây tử vong.
  • Người mắc bệnh gout và sỏi thận cũng không được ăn quả vì chúng rất giàu acid oxalic.

Chùm ruột không chỉ là loài cây quen thuộc mà còn là một vị thuốc cổ truyền được sử dụng từ rất lâu trong dân gian. Nhờ có nhiều tác dụng quý mà dược liệu này được dùng nhiều trong các bài thuốc chữa bệnh cũng như cuộc sống hằng ngày. 

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*