Chìa vôi: Loài cây nhỏ bé chữa thoát vị đĩa đệm

chìa vôi

Chìa vôi là loại cây dân dã quen thuộc ở vùng thôn quê. Dược liệu thường được sử dụng để điều trị bệnh, đặc biệt, vị thuốc có khả năng giảm sưng, giảm đau… rất hiệu quả.

1. Giới thiệu về Chìa vôi

  • Tên gọi khác: Bạch liễm, Bạch phấn đằng
  • Tên khoa học: Cissus modeccoides Planch.
  • Họ khoa học: Nho (Vitaceae)

Cây Chìa vôi có khá nhiều loại, điển hình như Chìa vôi bốn cạnh, Chìa vôi bò, Chìa vôi Java… Loại không có tác dụng chữa bệnh thường sẽ có lá nguyên, hình tam giác và mọc so le nhau.

1.1. Đặc điểm sinh trưởng và thu hái

Chi Cissus L. phân bố ở vùng nhiệt đới. Ở châu Á thường gặp ở một số tỉnh Nam Trung Quốc, Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan và một số nước khác. Có 14 loài ở Việt Nam (Nguyễn Tiến Bân, 1997). Trong đó, 8 loài được dùng làm thuốc (Võ Văn Chi, 1996) phân bố rải rác ở hầu hết các tỉnh đồng bằng và trung du. Ở vùng núi ít gặp. Cây thường mọc lẫn trong các bụi, gò đống quanh làng (vùng đồng bằng), ở ven các đồi cây bụi, bờ mương гẫу.. (vùng trung du và núi thấp)

Cây thuộc loại dây leo ưa sáng và chịu được hạn, do toàn cây mọng nước, bao phủ bởi lớp phấn trắng, lại có nhiều rễ củ nằm sâu dưới mặt đất. Ra hoa quả hàng năm. Khả năng tái sinh cây con từ hạt tốt. Có thể gieo trồng bằng hạt hoặc bằng các củ con hoặc các đoạn dây từ phần non trên ngọn. Vào tháng 2-3, dùng một đoạn dây 30-50cm, có 3-5 mắt hoặc củ con vùi xuống đất ẩm, sau mọc thành cây.

Để làm thuốc, nhân dân thường khai thác từ nguồn hoang dại. Tuy vậy, cây vẫn được trồng để phục vụ cho công tác nghiên cứu và giảng dạy.

Ra hoa tháng 4 – 8, có quả tháng 5 – 10.

Dược liệu có thể được thu hái quanh năm, những thời điểm thích hợp nhất là vào mùa thu đông.

chìa vôi
Chìa vôi là loại cây quen thuộc ở vùng thôn quê, có tác dụng điều trị bệnh cao.

1.2. Mô tả toàn cây

Thuộc dạng dây leo, dài 2 – 4m hay hơn, không phân nhánh. Thân màu lục, hơi có khía, thường pha lơ nhạt hoặc màu tía, phủ phấn trắng, tiết diện tròn, láng. Tua cuốn đơn, mọc đối diện với lá.

Rễ củ nhỏ, hình dạng không cố định, lớp vỏ mỏng màu nâu đất. Củ Chìa vôi tròn, cây lâu năm có củ to tầm quả trứng gà, hai đầu củ trông hơi nhọn. Bên trong củ có màu trắng còn bên ngoài màu đen.

Lá đơn, mọc cách. Phiến lá có 3 dạng: thường phiến xẻ thùy chân vịt từ 3-5 thùy sâu hay cạn, gốc hình tim, đôi khi hình mũi giáo. Phiến nhẵn ở cả hai mặt, mặt trên màu xanh lục sậm, mặt dưới nhạt hơn. Mép lá có răng cưa rất mịn giống như sợi lông nhỏ màu nâu. Gân lá hình lông chim, có 3-5 gân gốc và 5-10 đôi gân bên nổi rõ ở mặt dưới, gân gốc và gân bên đều cong hướng về ngọn lá. Cuống lá dài 5-8 cm, hình trụ, màu xanh, gốc hơi to và thường bị vặn. Lá kèm rụng sớm, là 2 phiến hình bầu dục, rời, khi non màu xanh lục, về sau chuyển màu nâu.

Cụm hoa mọc thành ngù, đối diện với lá, ngắn hơn lá. Cuống hoa màu xanh, hình trụ nhẵn, dài 3 – 5 mm. Hoa màu vàng nhạt, đều, lưỡng tính. Cánh hoa 4, dễ rụng, đều, rời tạo thành chóp nhọn. Mỗi hoa có 1 là bắc và 2 lá bắc con dạng vảy nhỏ, màu xanh nhạt. Lá bắc thuôn, rụng sớm. Đài hình đấu hay hình chén, nhẵn, 4 răng nhỏ. Tràng 4 cánh, nhị 4, bao phấn bầu dục, màu vàng. Bầu hình trụ nhẵn, bầu trên 2 ô, mỗi ô 2 noãn, đính noãn trung trụ.

Quả ít gặp, có hình nang tròn, to khoảng 5 – 6 mm, khi chín sẽ có màu đen.

1.3. Bộ phận làm thuốc – Bào chế

Bộ phận làm thuốc: Tất cả các phần lá, thân, rễ củ (Radix Cissi) đều có thể dùng làm vị thuốc với nhiều hình thức sơ chế khác nhau.

Sơ chế:

  • Đối với dây lá sau khi thu hái sẽ đem cắt ngắn đoạn 2 – 3 cm, rửa sạch và sao nóng rồi phơi khô. Mỗi khi dùng thường đem ra tẩm với rượu và sao lại hoặc ngâm trực tiếp với nước vo gạo.
  • Đối với phần rễ củ thì đào về rồi tiến hành rửa sạch đất cát bên ngoài. Sau đó ngâm nước qua đêm cho mềm rồi thái mỏng và phơi khô. Trước khi dùng sẽ đem ngâm trực tiếp với nước vo gạo.

1.4. Bảo quản

Dươc liệu sau khi đã được sơ chế khô cần bảo quản ở trong túi kín và để những nơi khô ráo, thông thoáng. Tránh ẩm thấp, ánh nắng mặt trời chiếu trực tiếp và mối mọt.

2. Thành phần hóa học và tác dụng

2.1 Thành phần hóa học

Trong Chìa vôi có các thành phần hóa học chính:

  • Ngọn và lá có nước 91,3%, glucid 5,4%, protid 1,4%, xơ 1,1%, caroten 1,5 mg%, vitamin C 45mg%, tro 0,8%. (Võ Văn Chi: Từ điển cây thuốc Việt Nam 1999).
  • Thân dây chìa vôi chứa hợp chất phenolic, acid amin. saponin, acid hữu cơ (Trung dược từ hải quyển II. 1728)
  • Ngoài ra còn có acid hữu cơ, hợp chất phenolic, saponin và các acid amin.

2.2 Tác dụng Y học hiện đại

Lá và ngọn: Các chất này giúp cung cấp dinh dưỡng cho xương khớp. Đồng thời, chúng giúp hỗ trợ làm giảm đau nhức xương khớp như đau lưng, viêm khớp,…

Thân cây: Những chất có ở thân,  có tác dụng làm giãn nở mạch máu và hạ huyết áp. Chính vì vậy, chúng thường được dùng như chất chống viêm và giảm đau tự nhiên ở những người mắc các bệnh về xương khớp.

Lợi tiểu, chữa sỏi thận ( sỏi nhỏ đường kính không quá 0,5 cm).

Thực nghiệm ở chuột, cho thấy dược liệu có tác dụng nâng cao tỷ lệ chuột sống và kéo dài thời gian cầm cự của chuột đối với liều độc nọc rắn hổ mang.

2.3.  Tác dụng Y học cổ truyền

Tính vị: Vị đắng nhẹ, chua, hơi the, tính mát.

Tác dụng: Thanh nhiệt, giải độc, chữa sưng tấy, đau lưng, đau xương, tê mỏi, đau đầu, ung nhọt, bỏng.

  • Lá Chìa vôi có tác dụng trừ sưng, nhọt độc. Thường dùng để chữa ung nhọt, chai chân, lở ngứa.
  • Phần củ tác dụng tán huyết ứ, thông kinh, tiêu độc, lợi tiểu, trừ tê thấp. Thường được dùng tương tự như phần lá và phần thân.
Chìa vôi là vị thuốc hỗ trợ đau lưng, thoát vị đệm, bong gân hiệu quả
Chìa vôi là vị thuốc hỗ trợ đau lưng, thoát vị đệm, bong gân hiệu quả.

3. Cách dùng và liều dùng

Cách dùng

Tùy thuộc vào mục đích sử dụng và từng bài thuốc mà có thể dùng dược liệu với nhiều cách khác nhau. Thông thường sắc lấy nước thuốc uống và dùng dược liệu tươi giã nát rồi đắp tại chỗ là được dùng phổ biến nhất.

Liều dùng

  • Sắc uống thì giới hạn từ 6 – 20g.
  • Đắp ngoài thì liều lượng sẽ không hạn chế.

4. Một số bài thuốc kinh nghiệm

4.1. Chữa phong thấp, cơ xương đau nhức

Chìa vôi 20g, dây đau xương 15g, cây lá lốt (nhổ liền cả rễ) 15g. Sao vàng, hạ thổ, sắc nước uống trong ngày.

Hoặc Chìa vôi 40g, lá lốt 20g, cỏ Xước 20g, cây Tầm gửi 20g, cây Dền gai 20g sắc với 1,5 lit nước. Chia làm 3 lần uống trong ngày sau bữa ăn khoảng 30 phút. Nên uống khi thuốc còn ấm và duy trì liên tục trong ít nhất 1 tháng.

4.2. Chữa bong gân, chấn thương sưng nề, tụ máu

Lá Chìa vôi, lá Thầu dầu tía, 2 thứ bằng nhau. Sau đó giã nát, trộn với giấm hoặc rượu, sao nóng, đắp và bó vào chỗ chấn thương, ngày thay thuốc 1 – 2 lần.

4.3. Giảm ung nhọt sưng tấy, viêm lở da

Lá Chìa vôi tươi, giã đắp, kết hợp với uống thuốc tiêu độc: Thổ phục linh 20g, Kim ngân hoa 10g, Bồ công anh 10g. Sắc nước uống trong ngày.

Chìa vôi đắp ngoài là vị thuốc tiêu sưng, giảm đau, trị mụn nhọt rất tốt
Chìa vôi đắp ngoài là vị thuốc tiêu sưng, giảm đau, trị mụn nhọt rất tốt.

4.4. Hỗ trợ điều trị rắn rết cắn

Giã lá chìa vôi tươi với muối, nhai nuốt dần nước, bã đắp lên vết thương.

4.5. Hỗ trợ điều trị sỏi niệu quản

Chìa vôi 16g, cỏ Bợ 50g, Kim tiền thảo 30g, rễ dứa dại 30g, 30g cỏ hàn the, Ngải cứu 20g. Trường hợp đau nhiều cần thêm Chỉ xác 12g; sỏi ở cao thì cần thêm rễ cỏ Xước 12g, còn đái ra máu nhiều thì cần thêm cỏ nhọ nồi 16g. Sắc chung với 1 lít nước trên lửa nhỏ trong 15 phút. Chia làm nhiều lần uống trong ngày khi thuốc còn ấm, mỗi ngày chỉ 1 thang duy nhất.

5. Kiêng kỵ

  • Dị ứng với bất kỳ thành phần nào có trong vị thuốc.
  • Phụ nữ mang thai không nên dùng.
  • Tuỳ bệnh mà dùng độc vị hoặc phối hợp với các vị thuốc khác theo kinh nghiệm của thầy thuốc hoặc lương y. Vì vậy, không tự ý dùng chìa vôi làm thuốc nếu chưa qua thăm khám và được kê đơn bởi các thầy thuốc Đông y. Tuyệt đối không dùng theo sự mách bảo

Chìa vôi là một vị thuốc cổ truyền được sử dụng từ rất lâu trong dân gian. Nhờ có nhiều tác dụng quý mà dược liệu này được dùng nhiều trong các bài thuốc chữa bệnh cũng như cuộc sống hằng ngày.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*