Cây Dướng: Dược liệu quý với công dụng bất ngờ

Cây Dướng

Cây Dướng có tên khoa học là Broussonetia papyrifera. Thuộc họ Dâu tằm (Moraceae). Cây có tên gọi khác là Chử đào thụ, Chử thực tử. Quả Dướng có vị ngọt, tính mát, vào các kinh can, tỳ, thận. Có tác dụng bổ hư lao, mạnh gân cốt, sáng mắt, bổ thận, lâu già. Lá vỏ cây có tác dụng lợi tiểu, tiêu phù.

1. Tìm hiểu chung về cây Dướng

1.1. Mô tả dược liệu

Cây to, cao 8 – 10m hay hơn. Thân có vỏ ráp. Cành mọc tỏa rộng, cành non có lông tơ mềm, màu lục nhạt, cành già nhẵn, màu xám. Lá mọc so le, hình trứng, gốc tù hoặc hoặc tròn, đầu thuôn nhọn, mép khía răng nhỏ, mặt trên có lông ngắn, ráp, mặt dưới có lông mềm, dính.

Hoa đơn tính, khác gốc, phủ đầy lông. Cụm hoa đực mọc thành bông dài ở đầu cành, cụm hoa cái hình cầu, mọc ở cuối cành. Quả phức, hình tròn, nạc, khi chín màu đỏ.

1.2. Phân bố, sinh thái

Dướng là loài cây khá quen thuộc, phân bố rộng rãi khắp nơi, từ vùng núi cao dưới 1000m đến vùng trung du, đồng bằng và hải đảo. Cây ưa sáng, mọc nhanh và có thể sống được trên nhiều loại đất. Quả chín có vị ngọt, là thức ăn của chim và nhiều loại gặm nhấm. Hạt giống qua phân của các loài động vật này phân tán khắp nơi. Từ thời cổ xưa, người Trung quốc và Nhật Bản đã sử dụng vỏ của các loại Dướng để làm giấy. Lá non được đồng bào vùng Tây Bắc nước ta dùng làm rau nuôi lợn, trâu bò…

1.3. Bộ phận dùng

Quả Dướng được gọi là chử thực tử, thu hái vào mùa hè lúc quả chín, rửa sạch phơi khô. Nhựa cây, vỏ rễ, vỏ cây thu hái quanh năm. Lá thu hái vào mùa hè và mùa thu, dùng tươi hoặc phơi, sấy khô.

1.4. Thành phần hóa học

  • Quả Dướng chứa saponin 0,51%, acid p.coumaric, vitamin B, dầu béo.
  • Hạt chứa 31,7% dầu, 2,67% phần không xà phòng hóa, chứa các acid béo bão hòa 9%, acid oleic 15% và linoleic 76%. Trong quả còn chứa 4,75g lignin, calci carbonat, acid cerotic, các men lipase, protease, zymaze.
  • Vỏ cây Dướng có các isoprenauron: Brousoauron A  isopren-flavan và các chất acetat butyrospermon, erythrinacinate, kazinol A,B, brousochaleon A,B.
  • Từ vỏ rễ cây Dướng, người ta đã tách và xác định cấu trúc các chất brousoflavonol C,D,E,F và các chất squalene, octacosan-1-ol, acid lignoceric, acid 4’ hydroxyl-cis-cinamic, octacosyl ester  marmesin và hỗn hợp của 4’hydroxy trans cinamat.
  • Ngoài ra còn có chất 5 propyl-3-4-bis 1,2 benzenediol.
Cây Dướng
Quả Dướng có vị ngọt, tính mát, quy vào các kinh can, tỳ, thận. Cây có tác dụng bổ hư lao, mạnh gân cốt, sáng mắt, bổ thận, lâu già

2. Tác dụng dược lý của cây Dướng

Cao chiết với cồn 50° của cả cây Dướng, trừ rễ có tác dụng làm giảm huyết áp trên huyết áp bình thường của động vật thí nghiệm.

3. Cây Dướng theo Y học cổ truyền

Quả Dướng có vị ngọt, tính mát, quy vào các kinh can, tỳ, thận. Có tác dụng bổ hư lao, mạnh gân cốt, sáng mắt, bổ thận, lâu già. Lá vỏ cây có tác dụng lợi tiểu, tiêu phù.

4. Công dụng của cây Dướng

Quả Dướng dùng làm thuốc bổ thận, bổ gân cốt, làm sáng mắt, chữa cảm ho, thủy thũng, mắt mờ, dùng riêng hay phối hợp với Phục linh hay Đại phúc bì. Ngày dùng 8 – 16g, dạng thuốc sắc.

Lá Dướng được dùng làm thuốc nhuận tràng cho trẻ em, nấu nước xông khi bị cảm, làm thuốc lợi tiểu, tiêu phù. Lá Dướng tươi 50 – 100g, giã nát vắt lấy nước uống, hay sắc uống chữa lỵ.

Vỏ thân cây Dướng chữa lỵ, chảy máu tử cung, với liều 8 – 16g, dạng thuốc sắc. Nhựa mủ của cây đắp lên các vết rắn cắn, chó cắn, ong đốt.

5. Bài thuốc có cây Dướng

5.1. Chữa suy nhược, chân phù, dùng cho người già yếu

Quả Dướng 12g, Phục linh 10g, Đỗ trọng 10g, Câu kỷ tử 10g, Bạch truật 10g, Ngưu tất 8g, Tiểu hồi hương 3g. Sắc uống, mỗi ngày một thang.

5.2. Chữa khí lực suy tổn, cơ thể gầy yếu, chân tay nhức mỏi, di tinh, đái đục

Quả Dướng, Ba kích, Hoài sơn, Ngưu tất, Viễn chí, Ngũ vị tử, Thục địa, Đỗ trọng, Xương bồ, mỗi vị 12g. Sắc uống hay làm viên uống.

Quả Dướng
Quả Dướng dùng làm thuốc bổ thận, bổ gân cốt, làm sáng mắt, chữa cảm ho, thủy thũng, mắt mờ

5.3. Chữa phù toàn thân

  • Lá Dướng nấu cao, cô đặc. Mỗi lần uống một chén hòa với nước nóng, ngày 3 lần.
  • Vỏ thân cây Dướng (cạo bỏ lớp thô ở ngoài), Mộc thông, Phục linh hay Ý dĩ, mỗi vị 12g; Vỏ rễ dâu, Vỏ quýt để lâu, mỗi vị 4g; Gừng 3 lát. Sắc uống.

5.4. Chữa lỵ

Lá Dướng tươi 20g, giã nhỏ, thêm nước, gạn lấy 10ml. Thân rễ cây seo gà 20g, thái nhỏ, sắc với 200ml còn 50ml. Trộn 2 nước lại, uống làm một lần trong ngày. Uống liền trong 5 ngày.

5.5. Chữa rong kinh

Vỏ thân cây Dướng (lấy lớp trắng), Kinh giới sao, mỗi vị 12g. Sắc uống.

5.6. Chữa chứng buồn ngủ

Lá Dướng một nắm sắc uống.

6. Kiêng kỵ

Người có tỳ thận hư nhược không nên dùng.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*