Cây Đước: Dũng sĩ bảo vệ bờ biển

Cây Đước

Cây Đước là loài cây quen thuộc ở vùng rừng ngập mặn. Bên cạnh đó loài thực vật này cũng có nhiều tác dụng điều trị bệnh rất hiệu quả. 

1. Giới thiệu về cây Đước

  • Tên thường gọi: Trang, Vẹt, Sú, Đước bợp, Đước xanh…
  • Tên khoa học: Rhizophora apiculata Blume.
  • Họ khoa học: Họ Đước (Rhizophoraceae)

1.1. Đặc điểm sinh trưởng và thu hái

Cây Đước thường phân bố ở vùng bờ biển của các nước nhiệt đới như Trung Quốc, Campuchia, Thái Lan, Ấn Độ… Riêng ở Việt Nam, loại cây này được phân bố ở hầu khắp các tỉnh dọc bờ biển từ Quảng Ninh cho tới Kiên Giang và cả đảo Phú Quốc… Do cây ưa khí hậu nóng ẩm nên rất phù hợp với thời tiết của nước ta. Đặc biệt tại các vùng ngập gần như quanh năm và có thủy triều lên xuống đều đặn. Các bãi bồi ven biển, vùng trũng nội địa có thời gian ngập mặn 300 ngày trong một năm đều là những nơi thích hợp để loài sinh trưởng và phát triển.

Cây sinh trưởng mạnh trong mùa mưa ẩm, sau khoảng 2 năm tuổi, bắt đầu có hoa quả lứa đầu. Quả Đước có dạng hình trụ dài, khi già tự rụng cắm thẳng xuống lớp bùn, nhanh chóng mọc rễ và nảy mầm. Đước cùng với một số loài thực vật khác ở ven biển đã tạo nên một hệ sinh thái đặc biệt gọi là hệ sinh thái rừng ngập mặn nhiệt đới. Đây cũng chính là nơi cư trú của nhiều loài tôm, cua, cá, bò sát… Việc bảo vệ và trồng thêm các khu rừng ngập mặn ở Việt Nam là một vấn đề cần được ưu tiên trước mắt cũng như lâu dài.

Mùa hoa quả rơi vào khoảng từ tháng 10 đến tháng 12.

Cây Đước
Đước cùng với một số loài thực vật tạo nên hệ sinh thái rừng ngập mặn nhiệt đới.

1.2. Mô tả toàn cây

Đước là loại cây gỗ lớn có chiều cao trung bình từ 10 – 20m, có cây cao đến 30m, đường kính thân từ 30 đến 45 cm. Thân tròn, mọc thẳng, vỏ dày màu nâu xám đến nâu đen. Trên thân có nhiều vết nứt dạng ô vuông. Cành cây thường sần sùi, vặn vẹo.

Bộ rễ của cây Đước phát triển rất đặc biệt. Rễ cọc ít phát triển, ngược lại hệ thống rễ chống vững chắc bao quanh cây lại đặc biệt phát triển. Mỗi cây có từ tám đến mười hai rễ chống. Các rễ chống bao quanh giúp cây vững trong vùng nước ngập mặn, đầm lầy. Rễ chống còn có nhiệm vụ hút nước và chất dinh dưỡng trong đất để nuôi cây. Ngoài ra, Đước còn có rễ thở mang chức năng hô hấp cho cây thường mọc trực tiếp ở trên thân cây, tại nơi ít ngập nước.

Lá cây có hình mác và mọc đối nhau với chiều dài khoảng 7 – 13cm, chiều rộng khoảng 4 – 6cm. Gốc lá hình nêm, đầu lá tròn hoặc tù. Cuống lá mập dài khoảng 1 – 3cm, các lá kèm thường rụng sớm. Gân chính lõm xuống ở mặt trên và hằn rõ ở mặt dưới, có những chấm đen nhỏ.

Cụm hoa sẽ mọc thành hình xim phân nhánh nhiều ở ngay kẽ lá. Hoa có màu vàng kèm theo 2 lá bắc con, lá bắc hình tam giác dài. Tràng có 4 phiến dày hình mác và có lông ở mép nhị 8. 4 cánh ở trên tràng và 4 cánh trên đài, bầu hạ có 2 ô.

Quả dài, có hình trứng còn, phần đầu quả kéo dài còn đài tồn tại. Quả có màu nâu lục nhạt, mỗi quả chứa 1 hạt.

1.3. Bộ phận làm thuốc và bào chế

Rễ, vỏ thân và lá của cây đước là những bộ phận được cho là có thể sử dụng để làm vị thuốc.

Hoa của cây Đước
Hoa của cây Đước

1.4. Bảo quản

Dược liệu cần để nơi khô ráo, thông thoáng, tránh mối mọt.

2. Thành phần hóa học và tác dụng

2.1. Thành phần hóa học

Có nhiều nghiên cứu ghi nhận, cây Đước có chứa nhiều thành phần hóa học đa dạng. Tùy thuốc vào từng bộ phận của cây mà các thành phần cũng có sự khác biết rõ rệt:

  • Vỏ thân: Cung cấp hàm lượng tanin lớn (60 – 65%). Ngoài ra còn có chứa nhiều nhiều pentosan và furfurol cùng các acid béo ở dạng ester. Tro từ vỏ thân chứa canxi carbonat 70% và vôi khoảng 18%.
  • Lá: các alcol, acid béo, parafin.
  • Lá và quả xanh có hàm lượng tanin 9,1% – 12%; 4,2%.
  • Rễ: Có chứa các hợp chất phenol và các acid béo ở dạng ester.
  • Quả ăn được, dùng để chế rượu vang.

2.2. Tác dụng

Theo Y học hiện đại: 

  • Vỏ cây được dùng để chữa tiêu chảy, vết thương chảy máu, tiểu tiện ra máu, viêm họng…
  • Ngoài ra, vỏ thân còn được dùng trong kỹ nghệ thuộc da và nhuộm lưới đánh cá.
  • Ở Ấn Độ, phần vỏ thân của loại cây này còn được dùng phổ biến trong hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường.
  • Dịch chiết từ rễ đước dùng thí nghiệm với các bào tử của nấm Penicillium cho thấy nó có tác dụng kháng nấm tương đối rõ rệt.
  • Quả đước có vị ngọt, ăn được, nước ép từ quả đước có thể dùng chế rượu vang nhẹ.
  • Chồi non được dùng làm rau ăn.
  • Gỗ là nguyên liệu trong xây dựng nhà cửa, làm trụ đỡ hầm mỏ.

Theo Y học cổ truyền:

Đước có vị chát, có tác dụng hoạt huyết, thu liễm (thu vào, giữ lại, không cho vươn lên tỏa ra).

3. Kiêng kỵ

  • Dị ứng với bất kỳ thành phần nào của vị thuốc.
  • Phụ nữ có thai, cho con bú cần cẩn trọng.

Cây Đước không chỉ là dũng sĩ của hệ thống sinh thái rừng ngập mặn ven biển mà còn là một vị thuốc cổ truyền được sử dụng từ rất lâu trong dân gian. Nhờ có nhiều tác dụng quý mà dược liệu này được dùng nhiều trong các bài thuốc chữa bệnh cũng như cuộc sống hằng ngày. 

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*