Cây Ba gạc: Cây thuốc quý giúp hạ áp

Toàn cây Ba gạc

Ba gạc là một vị thuốc nam quý, có tác dụng thanh nhiệt giáng hoả, hoạt huyết, giải độc. Nước sắc Ba gạc qua các nghiên cứu hiện nay có tác dụng làm giảm huyết áp có nguồn gốc trung ương, làm tim đập chậm, đồng thời có tác dụng an thần và gây ngủ.

1. Giới thiệu chung

Ba gạc tên khoa học là Rauvolfia verticillata (Lour) Baill., thuộc họ Trúc đào (Apocynaceae).

Cây Ba gạc còn có tên là La phu mộc, San to (Sapa), Ka day (Ba Na), lạc toọc (Cao Bằng), Tích tiên (Ba Vì – Hà Tây). Người ta dùng rễ phơi hay sấy khô (Radix Rauvolfia verticillata) của cây ba gạc để làm thuốc. La phu mộc là dịch âm Trung Quốc của chữ Râu – von – phia (Rauwolfia), tên khoa học của cây này. Tên san to nghĩa là ba chạc, vì cây có 3 lá, chia 3 cành. Tên lạc toọc nghĩa là 1 rễ, vì cây có 1 rễ.

2. Mô tả dược liệu

Cây ba gạc là một cây nhỏ, cao 1 – 1,5m, thân nhẵn, trên mặt thân có nốt sần nhỏ của bì khổng. Lá mọc vòng 3 lá một, có khi 4 – 5 lá, hình mác, dài 6 – 11cm, rộng 1,5 – 3cm. Hoa hình ống, màu trắng, phình ở họng, mọc thành xim, tán ở kẽ lá, nở vào các tháng 4 – 7, có khi quanh năm tại đồng bằng. Quả đôi, hình trứng, khi chín màu đỏ tươi. Toàn cây có nhựa mủ.

Toàn cây Ba gạc
Hình ảnh toàn cây Ba gạc

3. Khu vực phân bố và thu hái

Ba gạc chưa được gieo trồng rộng rãi, cây thường mọc hoang ở vùng rừng núi phía Bắc Việt Nam: Cao Bằng, Lạng Sơn, Lào Cai, Hà Nam,… Có thể trồng bằng hạt hay giâm cành. Thu hoạch rễ quanh năm, mùa thu, đông. Đào rễ về, rửa sạch đất, phơi hoặc sấy khô. Cần chú ý bảo vệ lớp vỏ vì lớp vỏ chứa nhiều hoạt chất nhất.

Ba gạc - vị thuốc quý giúp hạ áp
Đây là vị thuốc quý hỗ trợ điều trị bệnh tăng huyết áp

4. Thành phần hóa học trong cây

Thành phần mang hoạt tính sinh học mạnh mẽ nhất trong cây là alkaloid. Theo đó, tỷ lệ alkaloid trong rễ và lá lần lượt là 0,9 – 2,12% và 0,72 – 1,69. Trong đó, dược tính quan trọng nhất của cây là Reserpine (có công thức hoá học là C33H40N2O9) . Chúng được sử dụng trong điều trị là hạ huyết áp và an thần. Ngoài ra còn có Rauwolfia A, Ajmalin, Ajmalixin và secpentin.

Công thức hoá học của Reserpin
Công thức hoá học của Reserpine – hoạt chất sinh học chính của cây Ba gạc

Reserpine được coi là Alcaloid quan trọng nhất, đại biểu cho dược tính của Ba Gạc. Hai tác dụng dược lý quan trọng của Reserpine được sử dụng trong điều trị là hạ huyết áp và an thần. Tác dụng này xuất hiện chậm và kéo dài.

5. Tác dụng dược lý

Trên cơ sở các nghiên cứu chủ yếu trên động vật trước nay, nước sắc Ba gạc có tác dụng chủ yếu là:

  • Làm giảm huyết áp do nguồn gốc trung ương, chứ không phải do mạch ngoại biên.
  • Làm tim đập châm.
  • Có tác dụng an thần và gây ngủ.

Cụ thể:

5.1. Đối với tim mạch

Dùng nước sắc Ba Gạc nghiên cứu trên thỏ và chó thấy có tác dụng giảm áp rõ với liều 0,5/kg trọng lượng súc vật. Trên tim ếch cô lập, nước sắc Ba Gạc làm chậm nhịp tim.

Reserpine của Ba gạc làm hạ huyết áp cả trên súc vật gây mê hoặc không gây mê. Tác dụng này xuất hiện chậm và không dài. Cơ chế tác dụng hạ áp là do làm cạn dần kế hoạch dự trữ chất dẫn truyền trung gian Noradrenalin trong các dây thần kinh giao cảm. Đó được coi như hiện tượng cắt hệ thần kinh giao cảm bằng hóa chất. Reserpine không có tác dụng làm liệt hạch, có tác dụng làm chậm nhịp tim. Một tác dụng khác của nó là làm dãn các mạch máu dưới da.

5.2. Đối với thần kinh trung ương

Ba gạc có tác dụng ức chế, gây trấn tĩnh rõ, giống là các dẫn chất Phenothiazin – tác dụng an thần.

Cây Ba gạc
Cây ba gạc ra quả khi chín

5.3. Đối với các hệ cơ quan khác 

Ngoài ra trên ruột thỏ cô lập thấy liều nhẹ nước sắc Ba gạc làm tăng nhu động ruột.

Miao và cộng sự năm 2015 đã công bố một nghiên cứu cho thấy tác dụng chống viêm của cây Ba gạc trên mô hình chuột viêm đại tràng do dextran sulphatesodium (DSS). Kết quả cho thấy chất polysaccharides pectic của Ba gạc làm giảm đáng kể mức độ nghiêm trọng của viêm đại tràng DSS trên thực nghiệm gây ra theo đánh giá cả trên mô học và đại thể. Đó là kết quả của tác dụng làm giảm hoạt động MPO và NF- κ B p65. Từ đó làm giảm rõ rệt sự sản xuất TNF–a và IL–17. Nghiên cứu trên mở ra một hướng nghiên cứu cũng như gợi ý một phương pháp điều trị hữu ích bệnh viêm đại tràng.

  • Ở Trung Quốc, loại cây này cũng được dùng để điều trị tăng huyết áp có hiệu quả. Lá tươi giã nát đắp tại chỗ chữa vết thương, rắn cắn
  • Ở Đài Loan, nước sắc rễ cây được dùng làm thuốc diệt côn trùng.

6. Công dụng và liều dùng

Theo Y học cổ truyền, Ba gạc thuộc nhóm thuốc thanh nhiệt giáng hoả, giải độc, ngoài ra còn có tác dụng hoạt huyết. Quy kinh Can, Tâm, Thận

Hiện nay, Ba gạc thường được chế dưới dạng cao lỏng 1g cao = 1 g vỏ rễ để chữa tăng huyết áp có đau đầu, an thần. Liều trung bình của cao lỏng Ba gạc là 30 giọt/ngày. Có thể tăng lên tới 45 – 60 giọt. Thời gian điều trị có thể kéo dài, nhưng thường nghỉ 1 tuần sau một đợt dùng 10 – 15 ngày trước khi bắt đầu đợt tiếp theo.

Ngoài ra, chiết xuất các alcaloid (reserpine, ajmalin, alcaloid toàn phần) được dùng dưới dạng viên nén chữa tăng huyết áp. Ajmalin chiết từ Ba gạc dùng chữa loạn nhịp tim dưới dạng thuốc viên và thuốc tiêm.

7. Trường hợp không nên dùng

Không nên dùng Reserpine, Ajmalin và các chế phẩm từ Ba gạc trong các trường hợp dạ dày tá tràng bị loét, nhồi máu cơ tim, hen suyễn đang đợt cấp…

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*