THUỐC TẢ HẠ
ĐẠI CƯƠNG.
Định nghĩa.
Thuốc tả hạ là những thuốc gây đi lỏng (phúc tả) hoặc nhuận tràng, làm tăng cường bài tiết phân.
Tác dụng.
Thông đại tiểu tiện để bài trừ tích trệ
Thanh nhiệt tả hoả, làm cho tà khí gây thực nhiệt tích trệ thông qua tả hạ mà bài trừ ra ngoài.
Trục thuỷ để giảm phù thũng, làm cho thủy thấp bị ứ trệ theo đường đại tiểu tiện mà bài xuất ra ngoài, đạt đến mục đích tiêu trừ đình ẩm, làm giảm phù thũng.
Chỉ định điều trị.
Đại tiện táo bón, vị trường tích trệ, thực nhiệt nội kết, thủy thũng ứ trệ (lý thực chứng).
Phân loại.
Căn cứ vào đặc điểm tác dụng của thuốc cùng với sự khác nhau trong phạm vị sử dụng mà có thể phân thành: thuốc công hạ – nhuận hạ – trục thủy. Trong đó nhóm thuốc công hạ – trục thủy có tác dụng mãnh liệt, nhóm thuốc nhuận hạ có tác dụng hoà hoãn.
Chú ý.
Trường hợp lý thực kiêm biểu tà: đầu tiên nên giải biểu sau là công lý, nếu cần có thể dùng với thuốc giải biểu, biểu lý song giải, để tránh cho biểu tà bị giữ lại ở bên trong (nội hãm).
Trường hợp lý thực chính hư: nên dùng cùng với thuốc bổ ích, công bổ kiêm thi, làm cho công tà mà không tổn thương đến chính khí.
Thuốc công hạ và trục thủy có tác dụng mạnh, có độc tính, dễ làm tổn thương chính khí và tỳ vị, nên trường hợp già yếu, tỳ vị hư nhược khi dùng phải hết sức thận trọng. Cấm dùng khi phụ nữ có thai, trong kỳ kinh nguyệt.
Khi dùng thuốc tả hạ có tác dụng tương đối mạnh, đạt được hiệu quả thì phải ngừng thuốc, để tránh không làm tổn thương vị khí.
Khi dùng thuốc tả hạ có tác dụng mãnh liệt, có độc, nhất định phải tuân thủ theo đúng nguyên tắc bào chế, để tránh phát sinh hiện tượng trúng độc, đảm bảo an toàn khi dùng thuốc.
THUỐC CÔNG HẠ.
Thuốc công hạ phần lớn tính vị đắng lạnh, trầm giáng, chủ yếu quy kinh vị – đại trường. Tác dụng thông tiện tả hạ tương đối mạnh, đồng thời có thể thanh nhiệt tả hỏa.
Ứng dụng: điều trị chứng đại tiện phân khô cứng, thực nhiệt tích trệ, thường phối hợp với thuốc hành khí để tăng cường tác dụng tả hạ và tiêu trừ đầy chướng. Nếu điều trị chứng tiện bí do lạnh, tất yếu phải phối hợp với thuốc ôn lý trừ hàn.
Thuốc công hạ có tác dụng thanh nhiệt tả hoả tương đối mạnh, còn ứng dụng điều trị trường hợp sốt cao, hôn mê, phát cuồng; đau đầu, mắt đỏ, sưng đau hầu họng do hoả nhiệt thượng viêm; nôn ra máu, chảy máu cam do hoả nhiệt tích thịnh. Các chứng trên bất luận có hoặc không có đại tiện bí kết đều có thể dùng thuốc công hạ để thanh trừ thấp nhiệt, dẫn nhiệt hạ hành. Ngoài ra, đối với lỵ tật giai đoạn đầu, bụng quặn đau mà đi ngoài nhiều lần (hạ lợi hậu trọng), hoặc ẩm thực tích trệ đều có thể phối hợp với thuốc công hạ để công trục tích trệ, tiêu trừ nguyên nhân bệnh. Đối với bệnh ký sinh trùng đường ruột, có thể phối hợp với thuốc khu trùng để tăng cường bài xuất ký sinh trùng ra ngoài.
Căn cứ vào lý luận “lục phủ dĩ thông vi dụng”, “bất thông tắc thống”, trên lâm sàng thường ứng dụng thuốc công hạ phối hợp với thuốc thanh nhiệt giải độc – hoạt huyết khứ ứ để điều trị các chứng: sỏi mật, giun chui ống mật, viêm túi mật, viêm tuyến tuỵ cấp tính, tắc ruột cấp tính…
1. Đại hoàng: còn gọi là tướng quân.
Đại hoàng (Rhizoma Rhei) là thân rễ phơi hay sấy khô của cây đại hoàng Rheum palmatum L, thuộc họ rau răm Polygonaceae.
Tính vị: đắng, lạnh. Quy kinh tỳ – vị – đại trường – can – tâm.
Tác dụng: tả hạ công tích, thanh nhiệt tả hoả, chỉ huyết, giải độc, hoạt huyết khứ ứ.
Chỉ định:
Chứng bệnh ôn nhiệt, nhiệt kết tiện bí, sốt cao không giảm, nặng thì gây hôn mê loạn ngữ, thường phối hợp dùng với mang tiêu, chỉ thực, hậu phác để tăng cường tác dụng thông phủ tả hạ tiết nhiệt, như bài đại thừa khí thang (đại hoàng, hậu phác, chỉ thực, mang tiêu). Điều trị lý thực nhiệt kết kiêm khí huyết hao hư hoặc kiêm âm hư tân hao thường phối hợp dùng với thuốc bổ khí huyết hoặc dưỡng âm sinh tân. Điều trị tỳ dương bất túc, lãnh tích tiện bí thường phối hợp dùng với thuốc ôn lý như phụ tử, can khương trong bài ôn tỳ thang (phụ tử, nhân sâm, đại hoàng, cam thảo, can khương). Điều trị thấp nhiệt lỵ tật giai đoạn đầu, lý cấp hậu trọng, thường phối hợp dùng với hoàng liên, mộc hương. Điều trị thực tích đau bụng thường phối hợp dùng với thanh bì, mộc hương để công tích đạo trệ.
Chứng huyết nhiệt vong hành, gây nôn ra máu, chảy máu cam; chứng hoả tà thượng viêm gây mắt đỏ, sưng đau hầu họng, viêm quanh răng, thường phối hợp dùng với hoàng liên, hoàng cầm như bài tả tâm thang (đại hoàng, hoàng liên, hoàng cầm). Gần đây trên lâm sàng còn dùng đại hoàng để điều trị chứng xuất huyết đường tiêu hoá trên, thấy có hiệu quả tốt.
Điều trị mụn nhọt mưng mủ thường phối hợp dùng với kim ngân hoa, bồ công anh, liên kiều. Điều trị viêm đại tràng thường phối hợp dùng với đan bì, đào nhân như bài đại hoàng mẫu đan bì thang (đại hoàng, mẫu đan bì, đào nhân, đông qua tử, mang tiêu). Đại hoàng dùng ngoài có tác dụng thanh nhiệt giải độc tiêu tan ung nhọt, nghiền bột đại hoàng trộn với mật ong bôi lên chỗ tổn thương. Điều trị lở loét, thường phối hợp dùng với bột khô phàn bôi lên nơi tổn thương. Điều trị vết bỏng dùng bột đại hoàng hoặc trộn lẫn với bột địa du, hoà lần với dầu vừng bôi lên bề mặt vết bỏng.
Điều trị phụ nữ sản hậu, ứ trệ bụng đau, thường phối hợp dùng với đào nhân.
Điều trị phụ nữ bế kinh thường phối hợp dùng với hồng hoa, đương quy. Điều trị chấn thương sưng nề thường phối hợp dùng với đào nhân, hồng hoa, xuyên sơn giáp như bài phúc nguyên hoạt huyết thang.
Ngoài ra đại hoàng tính đắng lạnh giáng tiết, có thể phối hợp thuốc thanh tiết thấp nhiệt để điều trị chứng hoàng đản, lâm chứng. Điều trị chứng hoàng đản thường phối hợp dùng với nhân trần, chi tử như bài nhân trần cao thang (nhân trần, chi tử, đại hoàng). Điều trị lâm chứng thấp nhiệt thường phối hợp dùng với mộc thông, sa tiền tử như bài Bát chính tán (mộc thông, sa tiền tử, biển xúc, cù mạch, hoạt thạch, cam thảo, đại hoàng, chi tử, đăng tâm).
Liều dùng: 5 – 10g. Sắc nên cho vào sau. Chế với rượu làm tăng tác dụng hoạt huyết, sao cháy tăng tác dụng cầm máu.
Chú ý: không dùng khi phụ nữ có thai, đang kỳ hành kinh.
Tác dụng dược lý: tăng cường nhu động ruột, ức chế hấp thu nước ở đại tràng, tăng cường bài tiết phân, ức chế vi khuẩn Gram (-), (+), mạnh nhất là tụ cầu và liên cầu, sau đó là trực khuẩn bạch hầu – thương hàn – phó thương hàn – song cầu khuẩn – trực khuẩn lỵ. Ngoài ra còn có tác dụng kiện vị, lợi mật, hạ huyết áp, cầm máu, giảm cholesterol.
2. Mang tiêu: huyền minh phấn, phác tiêu.
Mang tiêu (Mirabilita), Na2SO410H2O là muối natri sunfat thiên nhiên.
Tính vị: mặn, đắng, lạnh. Quy kinh vị – đại trường.
Tác dụng: tả hạ, nhuyễn kiên, thanh nhiệt.
Chỉ định:
Chứng vị trường thực nhiệt tích trệ, đại tiện táo kết, ngôn ngữ phát cuồng… thường phối hợp dùng với đại hoàng để tăng tả hạ thông tiện, tiết nhiệt như bài đại thừa khí thang (đại hoàng, hậu phác, chỉ thực, mang tiêu) hoặc bài điều vị thừa khí thang (đại hoàng, mang tiêu, chích cam thảo). Gần đây trên lâm sàng thường dùng để điều trị sỏi mật, bụng đau tiện bí.
Điều trị sưng đau hầu họng, miệng lưỡi lở loét thường phối hợp dùng với bằng sa, băng phiến, chu sa bôi lên nơi tổn thương. Điều trị trĩ sưng đau, sắc nước mang tiêu để rửa ngoài.
Liều dùng: 10 – 15g.
Chú ý: không dùng khi phụ nữ có thai, cho con bú.
3. Phan tả diệp:
Phan tả diệp (Folium Sennae) là lá phơi hay sấy khô của cây hiệp diệp phan tả Cassia angustifolia Vahl, thuộc họ vang Caesalpiniaceae.
Tính vị: ngọt, đắng, lạnh. Quy kinh đại trường.
Tác dụng: tả hạ đạo trệ.
Chỉ định:
Chứng bí đại tiện, thường dùng dạng bột hãm với nước uống, liều nhỏ có tác dụng nhuận tràng, liều cao có tác dụng công hạ. Nếu nhiệt kết tiện bí, bụng căng chướng đau thường phối hợp dùng với chỉ thực, hậu phác để tăng cường tác dụng tả hạ.
Ngoài ra phan tả diệp còn có tác dụng tả hạ hành thủy tiêu chướng, dùng trong chứng phúc thủy. Có thể dùng bột phan tả diệp hãm nước sôi uống, hoặc dùng cùng với khiên ngưu tử, đại phúc bì để tăng cường tác dụng tả hạ hành thủy.
Liều dùng: hãm nước sôi uống 1,5 – 3g. Sắc uống 5 – 9g, cho vào sau.
Chú ý: cấm dùng khi phụ nữ đang kỳ kinh, có thai, cho con bú. Khi dùng liều cao có thể gây buồn nôn, đau bụng.
Tác dụng dược lý: kích thích đại trường gây đau bụng. Ức chế 1 số vi khuẩn như tụ cầu, trực khuẩn đại tràng và trực khuẩn ngoài da.
4. Lô hội: lưỡi hổ.
Lô hội (Aloe) là dịch cô đặc của lá cây lô hội Aloe barbadensis Miller, thuộc họ hành tỏi Liliaceae.
Tính vị: đắng, lạnh. Quy kinh can – đại trường.
Tác dụng: tả hạ, thanh can, sát trùng (diệt ký sinh trùng đường ruột).
Chỉ định:
Chứng nhiệt kết tiện bí, gặp trong chứng tâm can hoả vượng, phiền táo mất ngủ thường phối hợp dùng với chu sa.
Chứng can kinh thực hoả gây ra đại tiện bí, tiểu tiện đỏ, đau đầu chóng mặt, phiền táo dễ cáu, co giật thường phối hợp dùng với long đởm thảo, chi tử, thanh đại như bài đương quy lô hội hoàn (đương quy, long đởm thảo, chi tử, hoàng liên, hoàng cầm, hoàng bá, đại hoàng, thanh đại, lô hội, mộc hương, xạ hương).
Chứng cam tích ở trẻ em, đau bụng giun, sắc mặt ám vàng, hình thể gầy yếu thường phối hợp dùng với thuốc kiện tỳ – khu trùng. Ngoài ra lô hội dùng ngoài còn có tác dụng điều trị hắc lào.
Liều dùng: 1 – 2g. Dùng ngoài lượng tùy theo.
Chú ý: cấm dùng khi tỳ vị hư nhược, ăn ít đại tiện lỏng, phụ nữ có thai.
Tác dụng dược lý: lô hội có tác dụng kích thích tả hạ đồng thời gây đau bụng và xung huyết vùng khung chậu, có thể gây nên việm thận; ức chế sinh trưởng của ung thư biểu mô; ức chế trực khuẩn ngoài da, trực khuẩn lao. Mỹ dùng lô hội chế thành thực phẩm để tăng cường sức khoẻ, nước uống lô hội để dự phòng cảm mạo.
THUỐC NHUẬN HẠ.
Thuốc trong nhóm phần lớn là thực vật ở dạng hạt và nhân, vị ngọt tính nhuận, thường quy kinh tỳ – đại trường.
Chỉ định: người già tân dịch hao khô, sản hậu huyết hư, nhiệt bệnh thương tân và các loại mất huyết.
Khi dùng thường phối hợp dùng với các nhóm thuốc khác. Nếu nhiệt thịnh thương tân gây tiện bí thường phối hợp dùng với thuốc thanh nhiệt dưỡng âm; nếu huyết hư thường phối hợp dùng với thuốc bổ huyết; nếu kiêm khí trệ thường phối hợp dùng với thuốc hành khí. Ngoài thuốc nêu trong nhóm ra, trên lâm sàng thường dùng 1 số vị khác như: qua lâu nhân, bá tử nhân, hạnh nhân, đào nhân, quyết minh tử, mật ong, đương quy, nhục thung dung, hà thủ ô cũng có tác dụng nhuận hạ.
1. Hoả ma nhân: gai dầu, gai mèo, đại ma nhân, sơn ty miêu, hỏa ma tử…
Hoả ma nhân (Semen Cannabis) là quả phơi hay sấy khô của cây gai dầu Cannabis sativa L, thuộc họ gai mèo Cannabinaceae.
Tính vị: ngọt, bình. Quy kinh tỳ – đại trường.
Tác dụng: nhuận tràng thông tiện.
Chỉ định:
Chứng trường táo tiện bí (người già, phụ nữ có thai, tân huyết bất túc), thường phối hợp dùng với các thuốc nhuận hạ khác và phối hợp với đại hoàng, hậu phác như bài ma tử nhân hoàn (ma tử nhân, thược dược, chỉ thực, đại hoàng, hậu phác, hạnh nhân).
Liều dùng: 10 – 15g.
Tác dụng dược lý: thành phần chủ yếu là dầu béo. Tác dụng chủ yếu là tăng cường nhu động ruột. Thực nghiệm trên chuột – mèo thấy có tác dụng giảm huyết áp.
2. Uất quý nhân: Úc lý nhân
Uất quý nhân (Semen Pruni) là hạt quả chín cây uất quý Prunus japonica Thumb, thuộc họ hoa hồng Rotaeceae.
Tính vị: cay đắng, ngọt, bình. Quy kinh đại trường – tiểu trường.
Tác dụng: nhuận tràng thông tiện, lợi thủy tiêu thũng.
Chỉ định:
Chứng trường táo tiện bí, đại trường khí trệ thường phối hợp dùng với bá tử nhân, hạnh nhân, đào nhân như bài ngũ nhân hoàn (đào nhân, hạnh nhân, bá tử nhân, uất quý nhân, tùng tử nhân, trần bì).
Chứng thủy thũng, cước khí phù thũng thường phối hợp dùng với tang bạch bì, xích tiểu đậu.
Liều dùng: 6 – 12g.
Chú ý: thận trọng dùng khi phụ nữ có thai.
Tác dụng dược lý: thực nghiệm trên chó thấy có tác dụng hạ huyết áp.
THUỐC TRỤC THỦY.
Thuốc trục thủy phần lớn tính vị đắng, lạnh, có độc, tác dụng tả hạ rất mạnh. Sau khi dùng thuốc có thể gây đi lỏng ồ ạt, làm cho thủy dịch tích tụ trong cơ thể theo phân mà bài tiết ra ngoài, ngoài ra nó còn có tác dụng lợi niệu.
Thường dùng trong thủy thũng, cổ chướng, tích nước ở ngực sườn…
Thuốc có độc, dễ làm tổn thương chính khí, không được dùng lâu. Cơ thể hư nhược dùng phải thận trọng. Cấm dùng khi phụ nữ có thai. Khi điều trị cổ chướng, thủy thũng nên chú ý bảo vệ chính khí, tiên bổ hậu công hoặc công bổ kiêm thi. Ngoài ra còn phải chú ý đến phương pháp bào chế, liều dùng, phương pháp dùng… để đảm bảo an toàn và hiệu quả.
1. Cam toại:
Cam toại (Radis Kansui) là rễ của cây cam toại Euphorbia Kansui T.N.Liou es T.P.Wang, thuộc họ thầu dầu Euphorblaceae.
Tính vị: đắng, lạnh. Có độc. Quy kinh tỳ- thận- đại trường.
Tác dụng: tả thủy trục ẩm, tiêu thũng tán kết.
Chỉ định:
Chứng thủy thũng, cổ chướng, tích nước ở ngực sườn, có thể dùng cam toại tán bột để uống, hoặc dùng cùng với khiên ngưu tử, hoặc dùng cùng với đại kích, nguyên hoa tán bột, dùng nước sắc đại táo uống như bài thập táo thang.
Chứng phong đàm động kinh, cam toại có tác dụng trục đàm, tán bột cam toại, cho vào tim lợn đun cách thủy cùng với bột chu sa làm thành hoàn để uống như bài toại tâm đan.
Điều trị mụn nhọt, bột cam toại hoà nước bôi lên nơi tổn thương.
Liều dùng: cho vào viên hoàn liều 0,5 – 1g. Dùng uống trong phải chế với dấm để giảm độc tính. Dùng ngoài ở dạng sống.
Chú ý: không dùng khi phụ nữ có thai, cơ thể hư nhược. Kị với cam thảo.
Tác dụng dược lý: thực nghiệm trên chuột thấy có tác dụng tả hạ, kích thích niêm mạc đại trường gây xung huyết và tăng nhu động ruột làm đi lỏng ồ ạt, tác dụng phụ nhiều có thể gây khó thở, hạ huyết áp.
2. Đại kích.
Đại kích (Radis Euphorbiae pekinensis) là rễ phơi hay sấy khô của cây đại kích Euphorbia pekinensis Rupr, thuộc họ thầu dầu Euphorblaceae.
Tính vị: đắng, cay, lạnh. Có độc. Quy kinh phế – thận – đại trường.
Tác dụng: tả thủy trục ẩm, tiêu thũng tán kết.
Chỉ định:
Chứng thủy thũng, cổ chướng, tràn dịch khoang ngực, thường phối hợp dùng với đại kích, đại táo sắc thật kỹ, sau đó ăn táo; hoặc dùng cùng với cam toại, nguyên hoa để tăng cường tác dụng trục thủy. Điều trị đàm thấp thủy ẩm đình trệ ở khoang ngực thường phối hợp dùng với cam toại, bạch giới tử để khứ đàm trục ẩm.
Điều trị hạch vùng cổ gáy thường phối hợp dùng với đương quy, bạch truật, sinh bán hạ làm thành viên hoàn uống. Điều trị chứng loa lịch do đàm ẩm tích tụ, dùng đại kích đun với trứng gà, sau đó ăn trứng.
Liều dùng: 1,5 – 3g sắc uống. Viên hoàn dùng liều 1g/1 lần. Uống trong phải chế với dấm.
Chú ý: cấm dùng khi phụ nữ có thai. Kị với cam thảo.
Tác dụng dược lý: tác dụng kích thích đại trường, hưng phấn tử cung, giãn vi mạch, đối kháng với tác dụng tăng huyết áp của tuyến thượng thận. Trên thực nghiệm khi dùng chung với cam thảo thấy tăng độc tính.
3. Nguyên hoa.
Nguyên hoa (Flos Genkwa) là hoa phơi hay sấy khô của cây nguyên hoa Daphne genkwa Sieb. et Zucc, thuộc họ trầm Thymeleaceae.
Tính vị: cay, đắng, ấm. Có độc. Quy kinh phế, thận, đại trường.
Tác dụng: tả thủy trục ẩm, khứ đàm chỉ khái, sát trùng.
Chỉ định:
Chứng ho suyễn, đau âm ỉ ngực sườn, tức nặng vùng tim do ngực sườn tích nước gây nên; hoặc thủy thũng, cổ chướng thường phối hợp dùng với cam toại, đại kích như bài thập táo thang, chu xa hoàn (cam toại, đại kích, nguyên hoa, hắc sửu, mộc hương, thanh bì, trần bì, khinh phấn, binh lang).
Điều trị mụn nhọt ở đầu, rụng tóc do nấm, viêm da thần kinh, có thể dùng bột nguyên hoa bôi tại chỗ hoặc dùng cùng với bột hùng hoàng, mỡ lợn nấu thành cao, bôi tại chỗ.
Liều dùng: sắc uống 1,5 – 3g. Cho vào viên hoàn liều 0,6g/1 lần. Nên chế với dấm.
Chú ý: cấm dùng ở phụ nữ có thai. Kị với cam thảo.
Tác dụng dược lý: thực nghiệm trên thỏ cho uống nước sắc nguyên hoa thấy có tác dụng hưng phấn hồi tràng, làm tăng nhu động, tăng trương lực, lợi niệu; liều cao có tác dụng ức chế. Nguyên hoa chế với dấm có tác dụng ức chế trực khuẩn gây viêm phổi, liên cầu tan huyết. Nghiên cứu cho thấy nguyên hoa có hoạt tính chống ung thư trong bệnh ung thư tế bào lympho, bạch cầu. Thực nghiệm trên chó thấy nguyên hoa có tác dụng co tử cung, giảm đau, trấn tĩnh…
4. Khiên ngưu tử: hắc sửu, bạch sửu, bìm bịp
Khiên ngưu tử (Semen Pharbitidis) là hạt phơi khô của cây khiên ngưu Pharbitis nil (L.) Choisy, thuộc họ bìm bịp Convolvulaceae.
Tính vị: đắng, lạnh. Có độc. Quy kinh phế- thận – đại trường.
Tác dụng: tả hạ trục thủy, khứ tích, sát trùng.
Chỉ định:
Chứng phù thũng, cổ chướng, đại tiểu tiện bất lợi, có thể dùng bột khiên ngưu tử uống; hoặc dùng cùng với bột hồi hương, uống với nước gừng. Bệnh tình nặng có thể dùng cùng với đại kích, nguyên hoa như bài chu xa hoàn.
Chứng ho nhiều đờm, khó thở, mặt mắt phù thũng thường phối hợp dùng với đình lịch tử, hạnh nhân, trần bì như bài khiên ngưu tử tán.
Chứng trường vị thực nhiệt tích trệ, đại tiện bí kết hoặc lỵ tật lý cấp hậu trọng (bụng quặn đau, đi ngoài nhiều lần) thường phối hợp dùng với mộc hương, binh lang, chỉ thực.
Chứng đau bụng do giun (trùng tích phúc thống) thường phối hợp dùng với binh lang, sử quân tử tán bột uống.
Liều dùng: 3 – 9g sắc uống. Cho vào viên hoàn uống 1,5 – 3g/lần.
Chú ý: cấm dùng khi phụ nữ có thai. Không dùng cùng với ba đậu.
Tác dụng dược lý: tăng cường kích thích đường tiêu hoá, làm tăng nhu động gây nên tác dụng tả hạ mạnh. Thuốc có độc, liều cao gây buồn nôn, đau bụng, ỉa lỏng, ỉa ra máu, kích thích thận gây đái ra máu, nếu nặng gây tổn thương thần kinh trung ương làm cho hôn mê, rối loạn ngôn ngữ.
5. Ba đậu:
Ba đậu (Fructus Crotonis) là hạt phơi hay sấy khô (hạt khi ép hết dầu thì gọi là ba đậu sương) của cây ba đậu Croton tiglium L, thuộc họ thầu dầu Euphorbiaceae.
Tính vị: cay, nóng, có độc. Quy kinh vị – đại trường – phế.
Tác dụng: tiêu tích, trục thủy, thoái thũng, khứ đàm, thực sang (tiêu mụn nhọt)
Chỉ định:
Chứng hàn tích tiện bí cấp tính, có thể phối hợp với đại hoàng, can khương làm thành viên hoàn uống như bài tam vật bị cấp hoàn.
Chứng phúc thủy cổ chướng (có dịch trong ổ bụng) thường phối hợp dùng với hạnh nhân, chích hoàng làm thành viên hoàn uống.
Điều trị chảy nhiều nước rãi, ngực tức căng, chân lạnh, ra mồ hôi (hàn thực uẩn kết ở ngực) thường phối hợp dùng với bối mẫu, cát cánh như bài tam vật tiểu mạch tán. Điều trị sưng đau hầu họng, tăng tiết nhiều đờm rãi khí đạo, hô hấp khó khăn nếu nặng có thể gây tử vong, có thể dùng ba đậu, bỏ vỏ, xuyên qua sợi dây cho vào trong họng, từ từ rút dây ra thì bệnh nhân tỉnh lại. Ngoài ra đối với trẻ nhỏ đờm rãi nhiều, tích trệ sữa gây ra hoảng hốt, có thể dùng cùng với đởm nam tinh, chu sa, lục thần khúc như bài vạn ứng bảo xích tán.
Điều trị mụn nhọt có mủ chưa có loét thường phối hợp dùng với nhũ hương, một dược bôi lên chỗ tổn thương. Điều trị ghẻ lở, hắc lào dùng cùng với bột hùng hoàng, khinh phấn bôi lên bề mặt tổn thương.
Liều dùng: cho vào viên hoàn liều 0,1 – 0,3g/ lần.
Chú ý: cấm dùng khi phụ nữ có thai, cơ thể hư nhược. Kỵ với khiên ngưu.
Tác dụng dược lý: dầu ba đậu dùng ngoài có tác dụng kích thích mạnh trên da. Khi dùng đường uống liều 1/2 – 1 giọt sẽ sinh ra cảm giác nóng ở khoang miệng và đường tiêu hoá, gây buồn nôn và nôn, một thời gian ngắn sau sẽ gây đi lỏng ồ ạt kèm theo đau bụng dữ dội và cảm giác lý cấp hậu trọng. Nước sắc ba đậu có tác dụng ức chế tụ cầu vàng, trực khuẩn bạch hầu, trực khuẩn mủ xanh.
Để lại một phản hồi