Các vị thuốc bổ huyết

Thuốc bổ huyết phần lớn có tính vị ngọt ấm hoặc ngọt bình, có tác dụng tư nhuận, bổ can dưỡng tâm, ích tỳ tăng sinh huyết dịch, tư dưỡng can thận, chủ yếu điều trị tâm can huyết hư gây ra da mặt sắc vàng ám hoặc trắng bệch, chóng mặt, ù tai, hồi hộp trống ngực, mất ngủ, hay quên, kinh nguyệt kéo dài,  lượng ít sắc nhạt, thậm chí bế kinh, mạch vi nhược.

Thuốc bổ huyết có tính tư nhuận, nê trệ, nên những người tỳ vị thấp trệ, bụng chướng đầy, ăn ít, đại tiện lỏng nát dùng nên thận trọng.

1. Đương qui.

Đương qui (Radis Angelicae Sinensis) là rễ phơi khô của cây đương quy Augelica sinensis (Oliv) Diels, thuộc họ hoa tán Umbellafera.

Tính vị: ngọt, cay, ấm. Qui kinh tâm – can – tỳ.

Tác dụng: bổ huyết – hoạt huyết – điều kinh – nhuận tràng.

Chỉ định:

Điều trị tâm can huyết hư, sắc mặt ám vàng, chóng mặt, hồi hộp, thường dùng cùng với thục địa, bạch thược như bài tứ vật thang. Nếu khí huyết đều hư, thường dùng cùng với hoàng kỳ, nhân sâm như bài đương qui bổ huyết thang – nhân sâm dưỡng cam thang.

Điều trị huyết hư  –  huyết ứ gây rối loạn kinh nguyệt, đau bụng kinh, bế kinh: nếu do khí trệ huyết ứ thường dùng cùng với hương phụ, đào nhân, hồng hoa; nếu do hàn ngưng thường phối hợp với nhục quế, ngải diệp; nếu do huyết nhiệt thường dùng cùng với xích thược, đan bì.

Điều trị huyết trệ kiêm hàn gây đau đầu thường dùng cùng với xuyên khung, bạch chỉ. Điều trị khí huyết ứ trệ gây đau ngực, sườn thường dùng cùng với uất kim, hương phụ. Điều trị đau bụng do hư hàn thường dùng cùng với quế chi, bạch thược. Nếu đau bụng đi ngoài ra máu thường dùng cùng với hoàng cầm, hoàng liên, mộc hương. Nếu trong bụng có hòn khối thường dùng cùng với tam lăng, nga truật. Điều trị vấp ngã gây đau, xưng nề thường dùng cùng với nhũ hương, một dược. Điều trị phong thấp tý chứng gây chân tay tê nhức thường dùng cùng với khương hoạt, quế chi, tần cửu. Hiện nay dùng điều trị đau thắt ngực, viêm tắc mạch máu.

Điều trị mụn nhọt sưng đau, thường dùng cùng với ngân hoa, liên kiều.

Điều trị chứng đại tiểu tiện bí kết do huyết hư, thường dùng cùng với hỏa ma nhân, nhục thung dung. Ngoài ra còn điều trị ho hen lâu ngày như bài quan âm cầu khổ tán.

Liều dùng: 5 – 15g. Qui thân bổ huyết, qui vĩ hoạt huyết, toàn qui hòa huyết (bổ huyết – hoạt huyết).

Tác dụng dược lý: ức chế co thắt cơ tử cung, giảm tụ tập tiểu cầu, chống lại sự đông máu, tăng cường sản sinh hồng cầu, giảm thiếu máu cơ tim, giãn mạch, cải thiện tuần hoàn ngoại vi. Thực nghiệm chứng minh, đương qui giảm mỡ máu, tăng cường khả năng miễn dịch. Thực nghiệm chuột thấy đương qui làm tăng tái sinh tế bào gan, phục hồi 1 vài công năng của gan. Ngoài ra đương qui còn có tác dụng chấn tĩnh, giảm đau, chống viêm, giảm tổn thương do phóng xạ, ức chế 1 vài loại ung thư tăng trưởng, kháng khuẩn.

2. Thục địa hoàng.

Thục địa hoàng (Radis Rehmannia Preparata) là rễ của cây  sinh địa Rehmannia glutinosa, khi qua bào chế thì gọi là thục địa, thuộc họ hoa mõm chó Scrophunlariaceae.

Tính vị: ngọt, hơi ấm. Qui kinh can – thận .

Tác dụng: bổ huyết tư âm,  ích tinh.

Cây thuốc Sinh địa

Chỉ định:

Điều trị huyết hư gây sắc mặt vàng, chóng mặt, hồi hộp, mất ngủ, rối loạn kinh nguyệt, băng kinh, thường dùng cùng với đương qui, bạch thược.

Điều trị thận âm bất túc cốt trưng triều nhiệt, đạo hãn, di tinh tiêu khát, thường  dùng cùng vớ sơn thù, sơn dược như bài Lục vị địa hoàng hoàn.

Điều trị can thận tinh huyết hao hư, đau lưng mỏi gối, ù tai, bạc lông tóc, thường dùng cùng với hà thủ ô, kỷ tử, thỏ ty tử.

Liều dùng: 10 – 30g.

Tác dụng dược lý: cường tim, lợi niệu, giảm đường máu tăng bạch cầu ngoại vi, tăng cường khả năng miễn dịch.

3. Bạch thược.

Bạch thược (Radis Paconiae Alba) là rễ phơi khô của cây bạch thược Palonia lactiflora Pall, thuộc họ mao lương Ranunculaceae.

Tính vị: đắng, chua, ngọ, hơi hàn. Qui kinh can – tỳ.

Tác dụng: dưỡng huyết, điều kinh, bình can chỉ thống, liễm âm chỉ hàn.

Chỉ định:

Điều trị chứng huyết hư âm hư nội nhiệt gây rối loạn kinh nguyệt, băng lậu thường dùng cùng với thục địa, a giao, địa cốt bì.

Điều trị chứng can âm bất túc, can khí uất kết hoặc can dương thượng cang gây đau đầu, chóng mặt, đau tức ngực sườn, đau bụng, tứ chi co quắp, thường dùng cùng với ngưu tất, sinh địa, thạch quyết minh để điều trị đau đầu – chóng mặt, trị can uất gây đau tức ngực sườn thường dùng cùng với đương qui, bạch truật, sài hồ. Trị đau bụng, tứ chi co quắp thường dùng cùng với cam thảo. Trị can vị bất hòa, đau bụng tiết tả thường dùng cùng với phòng phong, bạch truật.

Liều dùng: 10 – 15g. Liều cao 15 – 30g.

Tác dụng dược lý: giảm co quắp, ức chế co thắt cơ trơn tử cung đại trường, trấn tĩnh, giảm đau, giãn mạch hạ huyết áp. Bạch thược, cam thảo cùng dùng điều trị  co thắt cơ gây đau bụng, đau đại tràng. Điều tiết khả năng đáp ứng miễn dịch, tăng lưu lượng tuần hoàn, ức chế 1 số loại vi khuẩn.

4. Hà thủ ô: giao đằng, dạ hợp.

Hà thủ ô (Radis Polygoni Multiflori) là rễ của cây hà thủ ô Polygonum multiflorum Thunb, thuộc họ rau răm Polygonaceae.

Tính vị: ngọt, sáp, hơi ấm. Qui kinh can – thận.

Tác dụng: hà thủ ô chế bổ ích tinh huyết, cố thận, đen lông tóc. Sinh hà thủ ô giải độc, nhuận tràng thông tiện. – Chỉ định:

Điều trị huyết hư gây đau đầu, hoa mắt, chóng mặt, hồi hộp, mất ngủ, mệt mỏi thường dùng cùng với thục địa, đương qui, kỷ tử, thỏ ty tử.

Điều trị sốt rét lâu ngày, khí huyết tổn thương, thường dùng cùng với nhân sâm, đương qui như bài hà nhân ẩm, điều trị đại trường bí kết, thường hư tân dao thường dùng cùng với đương qui, hỏa ma nhân. Trị mụn nhọt sưng tấy, dùng cùng với ngân hoa, liên kiều như bài Hà thủ ô thang. Ngoài ra huyết táo sinh phong gây ngứa ngoài da, ban chẩn thường dùng cùng với kinh giới, phòng phong, khổ sâm.

Liều dùng:  10 – 30g.

Tác dụng dược lý: thực nghiệm trên thỏ thấy có átc dụng ức chế tăng cholesterol, giảm sự hình thành cục máu đông, giảm sự lắng đọng mỡ ở nội mạc động mạch, giảm nhịp tim, tăng lưu lượng tuần hoàn vành, tăng cường khả năng miễn dịch của cơ thể, làm đường máu lúc đầu tăng sau đó hạ thấp, tăng cường tạo hồng cầu.

5. A giao.

A giao (Gelatinum Asini) là một loại keo được chế từ da của con lừa Equus asinus L, thuộc họ ngựa Equidae.

Tính vị: ngọt, bình. Qui kinh phế – can – thận.

Tác dụng: bổ huyết, chỉ huyết, tư âm, nhuận táo.

Chỉ định:

Điều trị chứng huyết hư gây vàng da, hồi hộp, chóng mặt, thường dùng cùng với thục địa, đương qui, hoàng kỳ.

Trị huyết nhiệt gây chảy máu cam thường dùng cùng với bồ hoàng, sinh địa, trị hoa ra máu, thường dùng cùng với mạch môn, ngũ vị, bạch cập, nhân sâm như bài a giao tán, trị đi tiểu ra máu, dùng cùng với đương qui, xích thược như bài a giao thược dược thang. Trị đi tiện ra máu cuối bãi, thường dùng cùng với bạch thược, hoàng liên như bài A giao hoàn. Trị suy nhâm bất cố, băng lậu, có thai ra huyết thường dùng cùng với sinh địa, ngải diệp như bài giao ngải thang.

Điều trị chứng ôn táo thương phế, ho khan không đàm, thường dùng cùng với mạch môn, hạnh nhân, như bài thanh táo cầu phế thang. Trị hư nhiệt thương âm, hư phiền mất ngủ thường dùng cùng với bạch thược như bài hoàng liên a giao thang.

Liều dùng: 5 – 15g.

Tác dụng dược lý: tăng cường sản sinh hồng cầu – Hemoglobin cân bằng hàm lượng sắt trong cơ thể, tăng cường hấp thu sắt và dự trữ sắt, tăng huyết áp.

 

6. Long nhãn nhục.

Long nhãn nhục (Arillus Longan) là áo hạt quả phơi khô nửa chừng của quả cây nhãn Dimocarpus longan. Lour, thuộc họ bồ hòn Sapindaceae.

Tính vị: ngọt, ấm. Qui kinh tâm – tỳ.

Tác dụng: bổ ích tâm tỳ, dưỡng huyết an thần.

Chỉ định:

Điều trị tâm tỳ hư tổn, khí huyết bất túc, gây hồi hộp, mất ngủ, hay quên, thường dùng cùng với hoàng kỳ, nhân sâm, đương quy, toan táo nhân như bài Qui tỳ thang.

Liều dùng: 10 – 15g. Liều cao 30 – 60g.

Long Nhãn

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*