THUỐC BÌNH CAN TỨC PHONG
ĐẠI CƯƠNG.
Định nghĩa.
Thuốc bình can tức phong là những thuốc có tác dụng bình can tiềm dương, tức phong chỉ kinh, chủ yếu dùng để điều trị can dương thượng cang hoặc can phong nội động.
Phân loại.
Thuốc bình ức can dương.
Thuốc tức phong chỉ kinh.
Chú ý.
Khi dùng thuốc bình can tức phong phải căn cứ vào bệnh nhân, bệnh cơ, kiêm chứng để có sự phối hợp thuốc cho thích đáng. Điều trị chứng can dương thượng cang thường dùng với tư dưỡng thận âm, ích âm để chế dương.
Điều trị chứng can phong nội động:
Do can dương hoá phong: thường phối hợp thuốc tức phong chỉ kinh với thuốc bình can tiềm dương.
Do nhiệt cực sinh phong thường phối hợp thuốc thanh nhiệt tả hoả.
Do âm hư huyết hao (huyết hư sinh phong) thường dùng với thuốc bổ âm.
Nếu kiêm có khiếu bế thần hôn thường dùng với thuốc khai khiếu tỉnh thần. Nếu kiêm mất ngủ hay mê (thất miên đa mộng), tâm thần bất ninh thường dùng với các thuốc an thần; kiêm có ho nhiều đờm thường dùng với các thuốc hoá đàm…
Thuốc trong nhóm có tính hàn lương và có tính ôn táo nên khi dùng phải phân biệt tính vị để dùng cho thích hợp.
THUỐC BÌNH ỨC CAN DƯƠNG.
Thuốc trong nhóm phần lớn là khoáng thạch, có tác dụng bình can tiềm dương, bình ức can dương, thanh can nhiệt, an tâm thần. Chủ yếu dùng để điều trị can dương thượng cang gây đau đầu chóng mặt, tai ù hoặc can hoả vượng gây mặt đỏ mắt đỏ, đau dầu, phiền táo, dễ cáu. Thuốc trong nhóm này thường dùng với thuốc tức phong chỉ kinh và thuốc an thần để điều trị chứng can phong nội động, phiền táo mất ngủ.
1. Thạch quyết minh: ốc khổng, cửu khổng.
Thạch quyết minh (Concha Haliotidis) là vỏ phơi khô của ốc cửu khổng Haliotis diversicolor Reeve, thuộc họ Haliotidae, ngành nhuyễn thể Mollusca.
Tính vị: mặn, hàn. Quy kinh can.
Tác dụng: bình can tiềm dương, thanh can minh mục.
Chỉ định:
Điều trị chứng can dương thượng cang gây đau đầu chóng mặt thường dùng với sinh địa, mẫu lệ, bạch thược. Điều trị chứng can hoả cang thịnh, đau đầu, dễ cáu, phiền táo thường dùng với hạ khô thảo, câu đằng, cúc hoa.
Điều trị chứng can hoả thượng viêm gây mắt đỏ xưng đau thường dùng với hạ khô thảo, quyết minh tử. Điều trị chứng âm hư huyết thiếu gây mắt mờ, hoa mắt thường dùng với địa hoàng, câu kỷ tử, thỏ ty tử.
Liều dùng: 15 -30g.
Tác dụng dược lý: chấn tĩnh, trung hoà dịch vị dạ dầy.
2. Trân châu mẫu.
Trân châu mẫu (Concha Margaritifera) là hạt ngọc mài thành bột hoặc tán nhỏ trong con trai Pteria martensii Dunker, thuộc họ trân châu Aviculidaceae hay Pteridae.
Tính vị: mặn, hàn. Quy kinh tâm, can.
Tác dụng: bình can tiềm dương, thanh can minh mục, trấn tâm an thần.
Chỉ định:
Điều trị chứng can dương thượng cang gây hoa mắt chóng mặt thường dùng với mẫu lệ, bạch thược, từ thạch. Nếu can dương thượng cang, kiêm có can nhiệt phiền táo dễ cáu thường dùng với câu đằng, cúc hoa, hạ khô thảo.
Điều trị chứng can nhiệt gây mắt đỏ xưng đau thường dùng với thạch quyết minh, cúc hoa, sa tiền tử . Nếu do can hư mắt mờ, hoa mắt thường dùng với kỷ tử, hắc chi ma.
Điều trị chứng kinh quý thất miên, tâm thần không yên thường dùng với thiên ma, câu đằng, thiên nam tinh. Ngoài ra trân châu mẫu còn tán bột dùng ngoài, điều trị thấp chẩn ngứa ngáy, chảy nước vàng. Gần đây dùng bột trân châu uống để điều trị loét dạ dầy tá tràng.
Liều dùng: 15 -30g.
3. Mẫu lệ.
Mẫu lệ (Concha Ostreae) là vỏ phơi khô của con hàu Ostrea gigas Thumb, thuộc họ mẫu lệ Ostreidae.
Tính vị: mặn, sáp, hơi hàn. Quy kinh can, thận.
Tác dụng: bình can tiềm dương.
Chỉ định:
Điều trị chứng can dương thượng cang, đau đầu chóng mặt thường dùng với long cốt, quy bản, ngưu tất như bài trấn can tức phong thang. Nếu nhiệt bệnh lâu ngày, hun đúc chân âm, hư phong nội động thường dùng với miết giáp, quy bản, sinh địa như bài đại định phong châu.
Điều trị chứng đàm hạch, loa lịch do đàm hoả uất kết thường dùng với bối mẫu, huyền sâm như bài tiêu loa hoàn. Gần đây dùng trong điều trị gan to, lách to thấy đạt hiệu quả tốt.
Điều trị di tinh, hoạt tinh, di niệu, tiểu tiện nhiều lần, băng lậu, đới hạ, tự hãn, đạo hãn… thường dùng với thuốc bổ hư, thuốc thu liễm cố sáp. Gần đây có báo cáo dùng mẫu lệ sắc uống điều trị lao phổi mà bị đạo hãn đạt hiệu quả tốt. Ngoài ra mẫu lệ còn có tác dụng thu liễm ức toan dùng để điều trị viêm loét dạ dầy tá tràng thường dùng với ô tặc cốt, bối mẫu tán bột uống.
Liều dùng: 10 – 30g.
4. Đại giả thạch.
Đại giả thạch (Haematitum) là khoáng thạch tán bột, thành phần chủ yếu là Fe2O3 .
Tính vị: đắng, lạnh. Quy kinh can, tâm.
Tác dụng: bình can tiềm dương, trọng trấn giáng nghịch, lương huyết chỉ huyết.
Chỉ định:
Điều trị chứng can dương thượng cang, can hoả thịnh thường dùng với thạch quyết minh, hạ khô thảo, ngưu tất như bài đại giả thạch thang. Điều trị can thận âm hư, can dương thượng cang thường dùng với quy bản, mẫu lệ, bạch thược như bài trấn can tức phong thang.
Điều trị vị khí thượng nghịch gây nôn, ợ hơi, ợ chua thường dùng với bán hạ, sinh khương.
Điều trị chứng tức ngực, ho, khó thở dùng đại giả thạch tán bột pha với nước cơm uống. Điều trị phế thận bất túc, âm dương lưỡng hư gây khó thở (khí xuyễn) thường dùng với đảng sâm, sơn thù, hồ đào nhục như bài sâm giả trấn khí thang.
Điều trị chứng huyết nhiệt vong hành gây nôn ra máu, chảy máu cam thường dùng với bạch thược, trúc nhự, ngưu bàng tử như bài hàn giáng thang. Dùng trong huyết nhiệt gây hành kinh kéo dài không dứt thường dùng với xích thạch chi, ngũ linh chi.
Liều dùng: 19 -30g.
Chú ý: cấm dùng khi phụ nữ có thai. Không nên dùng lâu.
Tác dụng dược lý: tăng sinh hồng cầu, tăng hưng phấn đường tiêu hoá làm tăng nhu động ruột; trấn tĩnh.
5. Tật lê: gai ma vương, gai trống, thích tật lê.
Tật lê (Fructus Tribuli) là quả chín phơi hay sấy khô của cây tật lê Tribulus terrestris L, thuộc họ tật lê Zygophyllaceae.
Tính vị: đắng, cay, bình. Quy kinh can.
Tác dụng: bình can sơ can, khứ phong minh mục.
Chỉ định:
Điều trị chứng can dương thượng cang, hoa mắt chóng mặt, thường dùng với câu đằng, trân châu mẫu, cúc hoa để tăng cường tác dụng bình can.
Điều trị chứng can uất khí trệ thường dùng với sài hồ, hương phụ, thanh bì. Điều trị đau tức ngực sườn có thể dùng tật lê tán bột uống. Dùng trong sản phụ sau đẻ, do can uất sữa không thông thường dùng với xuyên sơn giáp, vương bất lưu hành.
Điều trị chứng phong nhiệt gây mắt đỏ xưng đau thường dùng với cúc hoa, quyết minh tử, mạn kinh tử như bài bạch tật lê tán.
Điều trị chứng phong chẩn, ngứa ngoài da, thường dùng với phòng phong, kinh giới.
Liều dùng: 6 -15g.
Tác dụng dược lý: thực nghiệm trên động vật thấy có tác dụng hạ huyết áp.
Ngoài ra có tác dụng lợi niệu, ức chế TK tụ cầu vàng, TK lỵ.
THUỐC TỨC PHONG CHỈ KINH.
Thuốc tức phong chỉ kinh là thuốc có tác dụng bình tức can phong, điều trị can phong nội động, co giật (kinh quyết).
Phong bệnh có nội phong, ngoại phong. Nội phong nên bình tức, ngoại phong nên sơ tán. Thuốc trong nhóm dùng để điều trị bệnh ôn nhiệt, nhiệt cực phong động, can dương hoá phong, huyết hư sinh phong gây ra chứng chóng mặt muốn ngã, cứng gáy, chân tay run; hoặc dùng điều trị chứng phong dương kết hợp với đàm ẩm; hoặc dùng trong phá thương phong gây co cứng như hình cánh cung.
Thuốc trong nhóm còn có tác dụng bình can tiềm dương, thanh tả can hoả, dùng trong các chứng can dương thượng cang gây đau đầu, chóng mặt.
1. Linh dương giác.
Linh dương giác (Cornu Saigae Tataricae) là sừng thái thành phiến mỏng của con linh dương Saiga tatarica Linnaeus, thuộc họ trâu bò (sừng rỗng) Bovidae.
Tính vị: mặn, hàn. Quy kinh can, tâm.
Tác dụng: bình can tức phong, thanh can minh mục, thanh nhiệt giải độc.
Chỉ định:
Điều trị chứng can phong nội động trong bệnh ôn nhiệt, nhiệt tà tích thịnh, nhiệt cực phong động, thường dùng với câu đằng, cúc hoa, bạch thược như bài linh giác câu đằng ẩm.
Điều trị chứng can dương thượng cang gây hoa mắt chóng mặt thường dùng với thạch quyết minh, mẫu lệ, thiên ma.
Điều trị chứng can hoả thượng xung gây mắt đỏ đầu đau thường dùng với long đởm thảo, quyết minh tử, hoàng cầm như bài linh dương giác tán.
Điều trị chứng nhiệt bệnh thần hôn gây phát sốt, phát cuồng thường dùng với thạch cao, hàn thuỷ thạch. Ngoài ra linh dương giác còn dùng để điều trị phế nhiệt khái thấu như bài linh dương thanh phế tán .
Liều dùng: 1 – 3g.
Tác dụng dược lý: ức chế hệ thống trung khu thần kinh, trấn tĩnh, tăng cường khả năng chịu thiếu oxy trên thực nghiệm. Nước sắc có tác dụng chống co giật, giải nhiệt; liều nhỏ làm sức co bóp tâm thu; liều trung bình làm rối loạn dẫn truyền; liều cao làm giảm nhịp tim, ngừng tim.
2. Ngưu hoàng.
Ngưu hoàng (Calculus Bovis) là sạn sỏi mật của con bò Bos taurus domesticus Gmelin, hoặc của con trâu Babalus bubalis L, thuộc họ trâu bò (sừng rỗng) Bovidae.
Tính vị: đắng, mát. Quy kinh can, tâm.
Tác dụng: tức phong chỉ kinh, hóa đàm khai khiếu, thanh nhiệt giải độc.
Chỉ định:
Điều trị chứng bệnh ôn nhiệt, trẻ em kinh phong thường dùng với chu sa, toàn yết, câu đằng như bài ngưu hoàng tán.
Điều trị chứng bệnh ôn nhiệt, nhiệt nhập tâm bào, trúng phong, kinh phong thường dùng với xạ hương, chi tử, hoàng liên như bài an cung ngưu hoàng hoàn.
Điều trị xưng đau hầu họng, miệng lưỡi lở loét thường dùng với hoàng cầm, hùng hoàng, đại hoàng như bài ngưu hoàng giải độc hoàn. Điều trị mụn nhọt, loa lịch thường dùng với xạ hương, nhũ hương, một dược như bài tê hoàng hoàn.
Liều dùng: 0.2 – 0.5g.
Chú ý: thận trọng dùng khi phụ nữ có thai.
Tác dụng dược lý: trấn tĩnh, giảm co thắt, giãn huyết quản, giảm huyết áp, tăng tiết mật, bảo vệ tế bào gan.
3. Câu đằng.
Câu đằng (Ramulus Uncariae Cumuncis) là mẩu thân có gai của dây câu đằng Uncaria rhynchophylla ( Miq) Jacks, thuộc họ cà phê Rubiaceae.
Tính vị: ngọt, hơi hàn. Quy kinh can, tâm bào.
Tác dụng: tức phong chỉ kinh, thanh nhiệt bình can.
Chỉ định:
Điều trị trẻ em bị kinh phong gây sốt cao, răng nghiến chặt, chân tay co quắp thường dùng với ma hoàng, toàn yết như bài câu đằng ẩm. Điều trị bệnh ôn nhiệt, nhiệt cực sinh phong, chân tay co quắp thường dùng với linh dương giác, bạch thược, cúc hoa như bài linh giác câu đằng thang.
Điều trị chứng can dương thượng cang gây đau đầu, chóng mặt buồn nôn. Nếu do can hoả vượng thường dùng với hạ khô thảo, chi tử, hoàng cầm. Nếu do can dương vượng thường dùng với thiên ma, cúc hoa, thạch quyết minh. Gần đây, dùng câu dằng điều trị cao huyết áp thấy có tác dụng ôn hoà và hạ áp. Ngoại trừ bệnh nhân cao huyết áp giai đoạn III ra, còn lại phần lớn bệnh nhân đều thấy huyết áp giảm, cùng với dó là các triệu chứng lâm sàng cũng giảm theo.
Liều dùng: 10 -15g. Không nên sắc quá 20 phút.
4. Thiên ma.
Thiên ma (Rhizoma Gastrodiae) là thân rễ phơi khô của cây thiên ma Gastrodia elata Bl, thuộc họ lan Orchidaceae.
Tính vị: ngọt, bình. Quy kinh can.
Tác dụng: tức phong chỉ kinh, bình ức can dương, khứ phong thông lạc.
Chỉ định:
Điều trị chứng can phong nội động, không phân biệt hàn nhiệt hư thực, đều có thể dùng được. Điều trị trẻ em bị cấp kinh phong thường dùng với linh dương giác, câu đằng, toàn yết như bài câu đằng ẩm tử. Điều trị phá thương phong, co giật hình cánh cung thường dùng với thiên nam tinh, bạch phụ tử, phòng phong như bài ngọc chân tán.
Điều trị chứng can dương thượng cang gây đau đầu chóng mặt thường dùng với câu đằng, thạch quyết minh như bài thiên ma câu đằng thang.
Điều trị chứng trúng phong kinh lạc, bại liệt nửa người, chân tay co quắp thường dùng với xuyên khung như bài thiên ma hoàn. Điều trị chứng phong thấp tý thống, cơ khớp co duỗi khó khăn thường dùng với tần cửu, khương hoạt, tang chi như bài tần cửu thiên ma thang. Gần đây dùng thiên ma điều trị đau thần kinh toạ, đau thần kinh sinh ba đạt hiệu quả tốt.
Liều dùng: 3 -10g.
Tác dụng dược lý: giảm huyết áp ngoại vi, giảm trở lực ở động mạch vành, giảm nhịp tim, giảm đau
5. Địa long: khâu dẫn, giun đất.
Địa long (Pheretima) là toàn bộ con giun. Phertima aspergillum (Perrier), mổ bỏ ruột sấy khô, thuộc họ cự dẫn Megascolecidae.
Tính vị: mặn, hàn. Quy kinh can, tỳ, bàng quang.
Tác dụng: thanh nhiệt tức phong, thông lạc, bình suyễn, lợi niệu.
Chỉ định:
Điều trị chứng ôn bệnh nhiệt cực sinh phong, hôn mê, loạn ngôn ngữ, chân tay co quắp thường dùng với câu đằng, ngưu hoàng, bạch cương tàm.
Điều trị chứng khí hư huyết trệ, bán thân bất toại thường dùng với hoàng kỳ, đương quy, xuyên khung như bài bổ dương hoàn ngũ thang.
Điều trị chứng tý thường dùng với phòng kỷ, tần cửu, nhẫn đông đằng. Nếu do phong hàn thấp tý, cơ khớp tê buốt, co duỗi khó khăn thường dùng với xuyên ô, thiên nam tinh, nhũ hương như bài tiểu hoạt lạc đan.
Điều trị chứng phế nhiệt khái xuyễn, khi thở nghe có tiếng rít ở cổ thường dùng với ma hoàng, thạch cao, hạnh nhân. Gần đây chế thành dịch tiêm, bột địa long điều trị co thắt khí quản, viêm khí quản thấy có tác dụng mhất định.
Điều trị chứng nhiệt kết bàng quang, tiểu tiện bất lợi thường dùng với sa tiền tử, mộc thông, trạch tả. Ngoài ra còn điều trị cao huyết áp nguyên phát, bệnh tâm thần cũng đạt hiệu quả nhất định.
Liều dùng: 5 -15g.
Tác dụng dược lý: duy trì hạ huyết áp tương đối lâu, hưng phấn tử cung, hạ sốt, trấn tĩnh, chống co giật.
6. Toàn yết: bọ cạp, toàn trùng.
Toàn yết (Scorpio) là toàn bộ con bọ cạp Buthus martensii Karsch, qua bào chế mới sử dụng, thuộc họ bò cạp Scorpionidae.
Tính vị: cay, bình. Có độc. Quy kinh can.
Tác dụng: tức phong chỉ kinh, công độc tán kết, thông lạc chỉ thống.
Chỉ định:
Điều trị chứng co quắp do các nguyên nhân khác nhau thường dùng với ngô công nghiền bột uống. Nếu trẻ em bị cấp kinh phong gây sốt cao co giật, hôn mê thường dùng với linh dương giác, câu đằng, thiên ma. Điều trị chứng uốn ván (phá thương phong) thường dùng với ngô công, thiên nam tinh, thuyền thoái như bài ngũ long bức phong tán. Điều trị chứng trúng phong kinh lạc, khẩu nhãn oa tà thường dùng với bạch cương tàm, bạch phụ tử.
Điều trị mụn nhọt, loa lịch kết hạch, lấy toàn yết, chi tử 7 phần cho vào dầu vừng nấu thành cao bôi ngoài. Gần đây dùng toàn yết, ngô công, địa long… tán bột làm viên hoàn để điều trị viêm tắc động tĩnh mạch, lao hạch, lao khớp đạt hiệu quả tốt.
Điều trị phong thấp tý chứng, cân mạch co rút, khớp xương biến dạng thường dùng với xuyên ô, bạch hoa xà, một dược.
Điều trị chứng đau đầu dai dẳng, thường dùng với ngô công, bạch cương tàm, bạch phụ tử, xuyên ô.
Liều dùng: 2 – 5g.
Chú ý: thuốc có độc, không nên dùng liều cao, thận trọng dùng khi phụ nữ có thai.
Tác dụng dược lý: giảm áp, trấn tĩnh.
7. Ngô công.
Ngô công (Scolopendra) là xác phơi khô của con rết Scolopendra subspinipes mutilans L. Koch, thuộc họ rết Scolopenđriae.
Tính vị: cay, ôn. Có độc. Quy kinh can.
Tác dụng: tức phong chỉ kinh, công độc tán kết, thông lạc chỉ thống.
Chỉ định: giống như toàn yết, điều trị phần lớn các nguyên nhân gây ra co quắp như bài chính kinh tán.
Điều trị mụn nhọt, loa lịch kết hạch thường dùng với hùng hoàng, mật lợn nấu thành cao bôi chỗ tổn thương như bài bất nhị tán. Điều trị rắn cắn thường dùng với hoàng liên, đại hoàng, sinh cam thảo.
Điều trị phong thấp tý chứng thường dùng với phòng phong, độc hoạt, uy linh tiên.
Điều trị chứng đau đầu lâu ngày thường dùng với thiên ma, xuyên khung, bạch cương tàm.
Liều dùng: 1-3g.
Chú ý: cấm dùng khi phụ nữ có thai. Thuốc có độc, không nên dùng liều cao.
Tác dụng dược lý: ức chế TK lao, TK ngoài da, ức chế tế bào ung thư.
8. Cương tàm.
Cương tàm (Bombyx Batryticatus) là cả con tằm Bombyx mori Linnaeus, bị bệnh chết do trùng Batrytis bassiana Bals gây ra, thuộc họ tằm vôi Bombycidae.
Tính vị: mặn, cay, bình. Quy kinh can, phế.
Tác dụng: tức phong chỉ kinh, khứ phong chỉ thống, hoá đàm tán kết.
Chỉ định:
Điều trị chứng trẻ em đàm nhiệt gây co giất cấp, thường dùng với toàn yết, ngưu hoàng, đởm nam tinh như bài thiên kim tán. Điều trị trẻ em tỳ hư gây đại tiện lỏng nát, sống phân thường dùng với đảng sâm, bạch truật, thiên ma như bài tỉnh tỳ tán. Điều trị chứng phá thương phong thường dùng với toàn yết, ngô công, câu đằng như bài nhiếp phong tán.
Điều trị chứng trúng phong kinh lạc, khẩu nhãn oa tà thường dùng với toàn yết, bạch phụ tử như bài khiên chính tán.
Điều trị chứng phong nhiệt gây đau đầu, mắt đỏ xưng đau thường dùng với tang diệp, mộc tặc, kinh giới như bài bạch cương tàm tán. Điều trị chứng phong nhiệt thượng công gây hầu họng xưng đau thường dùng với cát cánh, kinh giới, cam thảo như bài lục vị thang. Điều trị phong chẩn, có thể dùng cương tàm tán bột uống, hoặc dùng với thuyền thoái, bạc hà.
Điều trị chứng đàm hạch, loa lịch thường dùng với bối mẫu, hạ khô thảo, liên kiều.
Liều dùng: 3 -10g.
Để lại một phản hồi