Bồ kết: vừa để gội đầu, vừa dùng làm thuốc

Cây bồ kết

Bồ kết (Fructus Gleditsiae australis) còn gọi là tạo giác, tạo giáp, trư nha tạo.. là quả của cây bồ kết đã chín phơi hay sấy khô. Trong đời sống, người ta hay dùng bồ kết để gội đầu, làm đen nhuận tóc. Nhưng ít ai biết rằng  bồ kết còn có công dụng để chữa ho, tiêu đờm. 

1. Đặc điểm của Bồ kết

Cây bồ kết là cây gỗ to, cao chừng 6 – 8 m, trên thân có gai phân nhánh. Lá kép lông chim hình trứng dài, hoa mọc thành chùm màu trắng.

Quả dạng quả đậu, dài 1 – 12 cm, rộng 15 – 20 mm, hơi cong hình lưỡi liềm hay thẳng. Quả mỏng nhưng những nơi có hạt thì nổi phình lên, trên mặt quả có phủ lớp phấn màu xanh nhạt. Trong quả có 10 – 12 hạt dài 10 mm, rộng 7 mm, dày 4 mm, màu vàng nâu nhạt, quanh hạt là một chất cơm màu vàng nhạt.

Cây bồ kết cung cấp 3 bộ phận để làm thuốc:

  • Tạo giác: Là quả bồ kết chín khô (thường dùng loại này).
  • Tạo giác tử: Là hạt lấy ở quả bồ kết chín đã phơi hay sấp khô.
  • Tạo thích, tạo giác thích: Là gai hái ở thân cây, đem về phơi hay sấp khô.
Cây bồ kết
Cây bồ kết

2. Phân bố, thu hái, chế biến

Cây mọc hoang và được trồng nhiều ở các tỉnh miền Bắc nước ta.

Quả chín thu hái vào tháng 10 – 11, loại bỏ tạp chất, rửa sạch, phơi hay sấy khô. Lúc dùng đập vụn, dùng sống hoặc sao cháy. Quả mới hái có màu xanh hay vàng, phơi và để lâu có màu đen bóng. Gai bồ kết có thể thu hái quanh năm.

Quả bồ kết khô
Quả bồ kết khô

3. Thành phần hóa học

Thành phần chính trong quả bồ kết là chất Sapoin. Chất này không mùi, vị nhạt, gây hắt hơi mạnh.

Ngoài ra, còn có chứa 8 hợp chất flavonoid khác.

4. Công dụng theo Y học cổ truyền

Quả bồ kết có vị cay, mặn, tính ôn.

Tác dụng: Thông mũi họng, tiêu đàm, trị ung nhọt sưng lở, có độc ít.

5. Công dụng Bồ kết theo Y học hiện đại

5.1. Khả năng hóa đàm

Ngoài ra, saponin chiết xuất từ bồ kết có khả năng kích thích phản xạ tăng tiết dịch ở đường hô hấp nên có tác dụng hóa đàm.

5.2. Vai trò kháng khuẩn

Dịch chiết chứa Sapoin từ bồ kết có tác dụng ức chế trực khuẩn đại tràng, trực khuẩn lỵ, trực khuẩn mủ xanh, phẩy khuẩn tả cùng các loại vi khuẩn gây bệnh đường ruột Gram âm và một số nấm ngoài da. Ngoài ra còn diệt được trùng roi âm đạo.

5.3. Độc tính

Saponin triterpen từ quả bồ kết thường khó hấp thu ở ruột và dạ dày nhưng có tác dụng kích thích cục bộ niêm mạc dạ dày gây chảy nước bọt, nước mũi, gây nôn mửa đi ngoài, dùng với liều lớn làm tổn thương niêm mạc đường tiêu hóa. Hấp thu qua ruột gây ngộ độc toàn thân với với triệu chứng đau đầu chóng mặt, nghiêm trọng hơn có thể gây hôn mê, co giật.

6. Đơn thuốc kinh nghiệm

6.1. Thuốc chữa ho

Bồ kết 1 g, quế chi 1 g, đại táo (táo đen) 4 g, cam thảo 2 g, sinh khương 1 g, nước 600 ml sắc còn 200 ml chia 3 lần uống trong ngày.

6.2. Nhức răng, sâu răng

Quả tán nhỏ, đắp vào chân răng, hễ chảy dãi ra thì nhổ đi.

6.3. Trẻ con chốc đầu, rụng tóc

Bồ kết đốt ra than, tán nhỏ rửa sạch vết chốc, rồi đắp than bồ kết lên.

6.4. Bệnh lỵ lâu ngày

Hạt sao vàng, tán nhỏ, dùng hồ nếp viên bằng hạt ngô. Ngày dùng 10 đến 20 viên, dùng nước chè đặc mà uống thuốc (nên uống buổi sáng sớm tránh mất ngủ).

6.5. Chữa mụn nhọt

Gai phối hợp với kim ngân hoa, cam thảo (mỗi thứ 2 – 8 g), sắc nước uống.

6.6. Phụ nữ bị sưng vú

Gai bồ kết thiêu tồn tính 40 g, bạng phấn (vỏ con trai tán bột) 4 g. Hai vị đều tán nhỏ, trộn đều, mỗi lần uống 4 g bột này.

Gội đầu bằng bồ kết giúp tóc đen mượt
Gội đầu bằng bồ kết giúp tóc đen mượt

Ngoài ra, ở nước ta, nhân dân dùng quả bồ kết ngâm hoặc nấu nước gội đầu, làm sạch gàu, mượt tóc. Còn dùng giặt quần áo len, dạ, lụa có màu để không bị hoen ố và không phai màu.

Quả bồ kết là nguyên liệu dùng để chiết saponin, dùng trong ngành công nghiệp chế tạo dược phẩm, sản xuất xà phòng, in, nhuộm…

7. Những điều cần lưu ý

  • Phụ nữ có thai và người bị viêm loét dạ dày ruột không được dùng.
  • Bột bồ kết gây hắt hơi mạnh.

Liều dùng rất nhỏ: 1 – 3 g. Sao cháy tồn tính tán bột mịn uống. Dùng quá liều dễ gây nôn và tiêu chảy.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*