Bèo Nhật Bản: Cây thuốc có tác dụng thanh nhiệt, lợi niệu, giải độc tiêu sưng

Bèo nhật bản

Bèo Nhật Bản có tên khoa học là Eichhornia crassipes Solms. Còn có tên khác là Bèo tây, Lục bình. Thuộc họ Bèo tây (Pontederiaceae). Bèo Nhật Bản có vị nhạt, tính mát, có tác dụng thanh nhiệt, chống nóng, lợi niệu, giải độc tiêu sưng, giảm đau.

1. Giới thiệu chung về Bèo Nhật Bản

1.1. Mô tả dược liệu

Bèo Nhật Bản là loài cây sống ở nước, thân thảo. Cây có rễ hình chùm. Lá mọc thẳng từ rễ thành hoa thị, hình tròn hoàn toàn nhẵn, đầu hơi nhọn, mép uốn lượn, gân hình cung rất sít nhau. Mặt trên của cây có màu xanh sẫm bóng; mặt dưới nhạt, cuống dài gấp hai ba lần phiến lá, phồng lên thành phao xốp nổi, màu xanh lục rất nhạt hoặc trắng.

Cụm hoa mọc ở giữa túm lá trên một cán dài thành bông; hoa không đều màu tím hoặc trắng nhạt; bấc hoa gồm đài và tràng cùng màu, hàn liền ở gốc, cánh hoa trên to hơn có một đốm vàng; nhị 6, 3 dài, 3 ngắn; bầu thượng 3 ô chứa nhiều noãn. Quả nang.

Bèo nhật bản
Bèo Nhật Bản có tên khoa học là Eichhornia crassipes Solms. Cây còn có tên gọi khác là Bèo tây, Lục bình

1.2. Phân bố, sinh thái

Chi Eichhornia Kunth có 1 đại diện là loài bèo Nhật Bản. Cây có nguồn gốc từ Nam Mỹ, sau lan ra khắp các vùng nhiệt đới khác. Ở Việt Nam có tài liệu cho biết, bèo Nhật Bản mới chỉ được nhâp nội vào khoảng năm 1905. Sự du nhập này có lẽ là do người phương Tây nên nó còn có tên gọi là ‘bèo Tây’. Hiện thấy cây phân bố nhiều ở hầu hết các nước vùng Nam Á và Đông Nam Á. Ở Bengal (Ấn Độ) người ta ước tính diện tích mặt nước có bèo Nhật Bản chiếm giữ tới 30000 hecta.

Là cây sống nổi trên mặt nước. Do khả năng đẻ nhánh khỏe từ các chồi gốc, bèo nhanh chóng phát triển thành những đám hay bè mảng lớn. Ở những nơi nước động bèo thường xuyên bị trôi dạt, nên chiều cao của cây thường thấp (dưới 50cm). Trong khi đó, những cây sống ở nước lặng (ao, hồ), ít bị tác động lại mọc chen lấn nhau, nên cây thường cao gần 1m.

bèo Nhật bản
Bèo Nhật bản có vị nhạt, tính mát, có tác dụng thanh nhiệt, chống nóng, lợi niệu, giải độc tiêu sưng, giảm đau

Bèo Nhật Bản ra hoa nhiều và gần như quanh năm. Chưa thấy cây con mọc từ hạt, nhưng những cây bèo nhỏ có thể tồn tại một thời gian khá lâu, trên nền bùn ướt khi ao hồ bị cạn nước. Là một trong những cây thủy sinh quan trọng trong hệ sinh thái ao hồ, góp phần trong chu trình làm sạch nước. Cây còn được nuôi trồng hạn chế tren các ao hồ thả cá, làm thức ăn cho lợn, trâu bò và nguồn phân xanh tốt.

1.3. Bộ phận dùng

Toàn cây dùng tươi, nhưng thường chỉ dùng lá, chủ yếu là phần phình của cuống lá. Cây có thể thu hái quanh năm.

1.4. Thành phần hóa học

Toàn cây chứa nước 92,6%, protid 2,9%, gluxid 0,9%, xơ 22%, tro 1,4mg%, calci 40,8mg%, phosphor 0,8mg%, caroten 0,86mg%, vitamin C 20mg%.

Thành phần vô cơ trong cây là SiO2, Ca, Mg, K, Na, Cl, Cu, Mn, Fe. Trong lá có Ca, Fe, P, Mg, Zn, Cu, Na, K, S. Ngoài ra còn có caroten, các vitamin B1, B2, B6, B12, E, A, protein, acid béo tự do, dường, acid amin.

Trong hoa có delphinidin diglucosid.

2. Tác dụng dược lý của bèo Nhật Bản

Một thử nghiệm ở Ấn Độ, người ta dùng toàn cây bèo Nhật Bản bỏ rễ, chiết bằng cồn 50, cô lại rồi sấy dưới áp lực giảm đến cao khô.

Đã thử cho thấy tác dụng dược lý của thảo dược:

  • Tác dụng kháng khuẩn, kháng nấm, lỵ amip, giun sán.
  • Tác dụng hạ đường huyết, ảnh hưởng trên huyết áp, hô hấp.
  • Tác dụng chống oxy hóa nhờ vào chiết xuất Ethanol. Hoạt tính chống oxy hóa có thể bảo vệ cơ thể khỏi sự tấn công của các gốc tự do.
  • Ngoài ra thử nghiệm trên hồi tràng chuột lang cô lập, cây cho thấy tác dụng lợi niệu.

3. Công dụng của bèo Nhật Bản

Bèo Nhật Bản theo y học cổ truyền có vị nhạt, tính mát, có tác dụng thanh nhiệt, chống nóng, lợi niệu, giải độc tiêu sưng, giảm đau.

Cây có công dụng chữa cảm nắng, nóng quá phát rôm sẩy, tiểu tiện bất lợi và các dạng sưng tấy.

Liều dùng: Ngày dùng 15 – 30g, sắc uống, dùng ngoài không kể liều lượng. Ngoài ra đọt non và cuống lá bèo Nhật Bản rửa sạch, luộc hoặc nấu canh cho chín tái, ăn mát và không ngứa. Hoa cũng được ăn sống hoặc nấu canh như đọt non với tác dụng tương tự.

4. Bài thuốc có bèo Nhật Bản

4.1. Chữa sưng bắp chuối, sưng bẹn, sưng nách, viêm hạch bạch huyết, mụn nhọt sưng đỏ chưa vỡ, tiêm bị áp xe, chín mẻ, viêm khớp ngón tay, viêm tinh hoàn, vết thương trên cơ thể bị nhiêm chất độc hóa học.

Lá bèo tươi cả cuống, rửa sạch, thêm muối (8 – 10g muối cho 100g lá bèo), giã nát, đắp lên chỗ sưng rồi băng lại, sau 10-12 giờ tháo ra, thay thuốc khác, làm 2 – 3 lần.

4.2. Chữa các vết thương sưng tấy, đau nhức

Dùng lá và thân Bèo tây giã nát, cho thêm một ít muối, dùng đắp bên ngoài. Khi bèo khô thì đắp thuốc mới. Mỗi ngày thực hiện 2 – 3 lần.

4.3. Chữa cảm nắng, rôm sẩy do nóng, tiểu tiện bất thường

Dùng dược liệu từ 15 – 30 g, sắc thành thuốc, dùng uống hàng ngày.

Ngoài ra, có thể dùng chồi non, cuống lá, hoa rửa sạch, dùng ăn hoặc chế biến thành món ăn để thanh nhiệt trong cơ thể.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*