Bèo cái là loại cây không xa lạ gì với người dân ta, đặc biệt là những con người ở miền quê, vùng sông nước, có những đoạn sông, bèo cái mọc xanh cả một dải rộng dài. Có lẽ người ta không quý trọng cây này lắm vì đặc tính quá dễ sinh trưởng của nó, thường nhất là được lấy về làm thức ăn cho gia súc. Thế nhưng không nhiều người biết đây còn là một vị thuốc chữa bệnh, trong Đông y được biết đến với cái tên Phù bình.
1. Đặc điểm thực vật
Bèo cái (tên khoa học Pistia stratiotes L), thuộc họ Ráy (Araceae). Nó còn thường được gọi là Bèo tai tượng, Bèo ván, Phù bình.
Đây là loại cây thảo thủy sinh. Thân nó nổi trên mặt nước trong khi rễ của nó chìm dưới nước gần các đám lá trôi nổi. Thân nó đâm chồi, mang các nhánh ngắn, có lá mọc chụm lại.
Lá màu lục tươi, các lá dày, mềm tạo ra hình dáng giống như một cái nơ. Lá có thể dài tới 14 cm và không có cuống với các gân lá song song. Mép lá gợn sóng và được che phủ bằng các sợi lông tơ nhỏ và ngắn, không thấm nước.
Buồng hoa nhỏ độ 1cm, màu lục nhạt. Mo màu trắng. Mỗi buồng chỉ mang 2 hoa trần: hoa đực ở phần trên với 2 nhị dính nhau; ở phần giữa có hoa lép thành vẩy. Hoa cái ở dưới có bầu 1 ô, chứa nhiều noãn thẳng. Hoa nhỏ ẩn ở đoạn giữa của cây trong các đám lá.
Quả mọng màu lục có kích thước nhỏ được tạo ra sau khi hoa được thụ phấn, chứa nhiều hạt xù xì.
Loài cây này có thể sinh sản vô tính, các cây mẹ và cây con liên kết với nhau bằng một thân bò ngắn, tạo ra các cụm bèo cái dày đặc.
2. Phân bố
Bèo cái là loại thực vật liên nhiệt đới, mọc nhiều ở sông, ao, hồ, đặc biệt ở các ao tù. Cây thường được thấy ở những nước á nhiệt đới và nhiệt đới như Philippines, Việt Nam, Lào, Malaysia, Trung Quốc,…
3. Bộ phận dùng, thu hái, chế biến
Vị thuốc này có thể dùng toàn cây bỏ rễ để làm thuốc. Chọn loại có mặt trên màu lục, mặt dưới tía là loại tốt.
Cây có thể thu hái quanh năm nhưng tốt nhất là vào mùa hè. Có thể dùng tươi hoặc phơi khô dùng dần. Nếu phơi khô nên chọn ngày nắng to để phơi.
Bảo quản nơi khô thoáng.
4. Thành phần hóa học và tác dụng dược lý
4.1. Thành phần hóa học
Trong bèo cái chứa:
- Nước 93,13%
- Chất khô 6,78%
- Chất hữu cơ 5,09%
- Protid 0,63%
- Chất béo thô 0,29%
- Xenlulose 1,24%
- Chất không chứa Nitơ 2,93%
- Tro 1,78%, trong tro hầu hết là muối Kali (75% kali chlorua, 25% kali sulfat)
- Photpho 0,185%
- Canxi 1,80%
4.2. Tác dụng dược lý của Bèo cái
Theo nghiên cứu người ta thấy, bèo cái có một số tác dụng sau:
- Giải nhiệt: Thực nghiệm trên súc vật cho thấy nước sắc và nước ngâm có tác dụng hạ nhiệt yếu.
- Lợi tiểu: Chủ yếu do các thành phần potassium acetate và clorua kali.
5. Tác dụng của bèo cái theo Y học Cổ truyền.
Tính vị: cay, hàn. Qui kinh phế, bàng quang.
Tác dụng: Phát hãn giải biểu, mọc ban chẩn, giảm ngứa, lợi niệu, tiêu thũng.
Chỉ định:
Chứng ban sởi không mọc, dị ứng gây ngứa: thường dùng cùng với kinh giới, bạc hà, liên kiều.
Chứng thuỷ thũng, bí tiểu tiện: thường dùng cùng với ma hoàng, liên kiều, qua lâu bì..
Liều dùng: 3 – 10g.
6. Cách dùng
- Bèo cái có thể dùng loại khô, đem sao, sắc nước uống mỗi ngày 10 – 20gr.
- Có thể nấu nước rửa mụn nhọt, nơi mẩn ngứa.
- Dùng tươi giã nát vắt lấy nước, pha với siro uống chữa hen. Hoặc có thể nấu với cơm nếp làm thuốc trị hen.
7. Một số bài thuốc sử dụng Bèo cái
7.1. Bài thuốc giải độc thúc sởi mọc, dùng trong trường hợp sởi khó mọc, mọc không đều
Bèo cái 8g, Thán liễu 8g, sắc nước uống. Bên ngoài dùng bèo cái 40 – 160g, sắc nước tắm toàn thân.
7.2. Bài thuốc giúp lợi tiểu tiêu phù thũng
Phù bình 8g, Mộc tặc thảo 12g, Liên kiều 12g, Xích tiểu đậu 20g, Đông qua bì 16g, Tây qua bì 12g, Ma hoàng 4g, Cam thảo 4g, sắc nước uống. (Bài “Bình đậu qua bì thang”)
7.3. Bài thuốc trị ngứa chân từ Bèo cái
Bèo cái 30g, Vỏ cây râm bụt 30g, Khổ sâm 12g, Ngải diệp 8g, Phèn chua 6g.
Cho tất cả các vị thuốc này ngâm chung với 1,5 lít giấm nuôi để qua 1 ngày 1 đêm thì dùng gạc y tế thấm nước giấm thuốc đắp lên chân bị ngứa ngày 2 lần, mỗi lần đắp khoảng 15 – 20 phút.
8. Kiêng kỵ
Người hay bị ra mồ hôi hoặc thân thể hư nhược kiêng dùng.
Để lại một phản hồi