Bát cương – Bát pháp

[toc]

I. Bát cương

Bát cương là 8 cương mục lớn của Y học cổ truyền khái quát hóa 8 trạng thái sinh lý, bệnh lý của cơ thể.     

Tám cương mục đó là: âm, dương, hàn, nhiệt, , thực, biểu, .

Như vậy, âm dương là hai cương mục chính bao trùm lên tất cả 6 cương mục còn lại. Trong đó 3 cương: hàn, hư, lý thuộc âm và 3 cương: nhiệt, thực, biểu thuộc dương.

Vấn đề âm dương đã được trình bày ở phần thuyết âm dương. Do đó trong phần này chỉ trình bày 6 cương còn lại.

     

 

1. Hàn

Hàn là biểu hiện chứng hàn, chứng mà cơ thể biểu hiện rét nhiều, hoặc sốt có kèm theo rét run, chân tay thường giá lạnh, mặt tái nhợt, môi và niêm mạc miệng, mắt nhợt nhạt, rêu lưỡi trắng trơn, chất lưỡi nhợt, miệng không khát, tiểu tiện dài, trong, đại tiện lỏng, bụng đau thích chườm nóng, thích uống nước nóng, thích mặc ấm.

Trong trường hợp này phải dùng dương dược: thuốc ôn trung khứ hàn, tức thuốc có tính nhiệt. Mặc dù vậy cũng cần nhớ rằng “dùng thuốc nhiệt phải tránh nhiệt”.

     2. Nhiệt

Nhiệt là biểu hiện của chứng nhiệt. Có thể biểu hiện có sốt cao, khi sốt không rét, có khi sốt rất cao mê sảng vật vã, mặt đỏ nhừ, môi đỏ nứt nẻ, mắt đỏ do xung huyết, miệng khát, tiểu tiện ngắn đỏ, đại tiện táo kết, rêu lưỡi vàng dầy, chất lưỡi đỏ đôi khi phồng dộp. Tuy nhiên, có khi không sốt song cũng được gọi là nhiệt nếu như có những biểu hiện phát ban, dị ứng ngứa mà nóng, hoặc háo khát, hoặc tiểu vàng đỏ, đại tiện bí kết… Như vậy khái niệm nhiệt ở đây bao quát rộng hơn.

Khi cơ thể mắc chứng trạng nhiệt, thuốc dùng phải là âm dược. Thuốc thanh nhiệt, thuốc tân lương giải biểu, thuốc tính hàn lương. Tuy nhiên cũng cần nhớ rằng “dùng thuốc hàn phải tránh hàn”.

Trong 2 cương này có một số điểm cần thật chú ý đó là 2 trường hợp khá phức tạp sau đây:

– Chân nhiệt giả hàn: chính là bệnh nhiệt, song biểu hiện một số triệu chứng lại như hàn.

Ví dụ: chân tay cũng lạnh, rêu lưỡi đen (thuộc hàn). Tuy vậy chân tay lạnh song không thích  sưởi ấm, không thích uống nước nóng, rêu lưỡi đen song chất lưỡi lại đỏ (thuộc chứng nhiệt). Do vậy cần phải xác định thật rõ, nếu không sẽ dùng thuốc sai chiều. Trong trường hợp này phải dùng âm dược (thuốc hàn), đúng với nghĩa “Nhiệt giả hàn chi”. Nếu làm ngược lại thì bệnh không những không thuyên giảm mà còn trầm trọng hơn.

– Chân hàn giả nhiệt: chính là bệnh hàn, song biểu hiện một số triệu chứng lại như nhiệt.

Ví dụ: có sốt miệng khát, rêu lưỡi vàng, trong người phiền muộn (thuộc chứng nhiệt). Song tuy có sốt, miệng khát nhưng lại muốn uống nước ấm, thích mặc ấm, sợ lạnh, rêu lưỡi vàng song chất lưỡi lại nhợt nhạt (thuộc chứng hàn). Trong trường hợp này phải dùng dương dược (thuốc dương), đúng với nghĩa “Hàn giả nhiệt chi”. Nếu làm ngược lại thì bệnh sẽ nặng thêm.

     3. Hư

Hư là biểu hiện chứng hư, chứng của bệnh lâu ngày, mãn tính, bệnh của khí huyết không đầy đủ (khí huyết hư) hoặc âm hư, hoặc phủ tạng hư. Mỗi loại chứng hư đều thể hiện ra các chứng của nó. Ví dụ biểu hư thì ra nhiều mồ hôi có thể tự hãn (tự ra mồ hôi), đạo hãn (mồ hôi trộm). Tấu lý hở dễ mắc ngoại tà, da tái xanh, thô…Huyết hư da xanh tái nhợt, môi thâm, mắt trắng giã. Cần dùng thuốc bổ huyết. Khí hư người mệt mỏi, ngại lao động, ngại đi đứng, đoản hơi. Cần dùng thuốc bổ khí. Nếu cả khí huyết lưỡng hư thì phải dùng kiêm cả hai loại. Nếu âm hư thì làm bên trong nóng cồn cào “âm hư nội nhiệt”. Cần dùng thuốc bổ âm. Nếu dương hư thì bên ngoài da, chân tay lạnh “dương hư ngoại hàn”, cần dùng thuốc bổ dương. Nói chung với hư chứng thì luôn nghĩ tới phải dùng thuốc bổ.

     4. Thực

Chứng thực là chứng bệnh mới mắc, cấp tính, các triệu chứng còn đang rầm rộ. Thường biểu hiện như sốt cao, mặt đỏ, bụng căng đầy chướng tức sợ ấn, đại tiện táo kết, hoặc khí quản co thắt gây khó thở… Về nguyên tắc, khi có chứng thực phải dùng thuốc tả, thuốc mang tính chất thanh nhiệt (nếu là cơ thể nhiệt), thuốc mang tính chất tả hạ (nếu là bệnh thực nhiệt ở tỳ vị), nhẹ thì dùng thuốc nhu nhuận như Thảo quyết minh, vừng đen, nặng thì dùng thuốc công hạ như Mang tiêu, Đại hoàng…

Riêng ở hai cương hư thực về mặt điều trị cần phải quán triệt phương  châm:

“Hư thì bổ. Thực thì tả”

     5. Biểu

Biểu là chỉ biểu chứng, chứng bệnh còn ở phía ngoài, chỉ bệnh còn ở phần da, phần cơ nhục, những bệnh thuộc chứng biểu thường là bệnh cảm mạo (cảm mạo phong hàn và cảm mạo phong nhiệt). Bệnh thường biểu hiện có sốt, có rét run (nếu cảm mạo phong hàn), có hoặc không có mồ hôi, đầu đau, chân tay tê mỏi, đau nhức. Tuỳ theo từng nguyên nhân mà sử dụng thuốc cho hợp lý. Thuốc thường được sử dụng trong trường hợp này là tân ôn giải biểu nếu là cảm mạo phong hàn, tân lương giải biểu nếu là cảm mạo phong nhiệt. Biểu hư, dùng thuốc cố biểu, liễm hãn…

Ngoài ra một số bệnh ngoài da cũng mang tính chất ở biểu như mụn nhọt, ghẻ lở, hắc lào,… Nên dùng thuốc thanh nhiệt.

     6. Lý

Lý là chỉ chứng lý, chứng bệnh ở phía trong phủ tạng hoặc bệnh ở phía ngoài đã đi sâu vào kinh lạc, tạng phủ, gọi là chứng lý như “hàn nhập lý”. Tức hàn đã vượt qua biểu vào sâu bên trong, hoặc nhiệt nhập lý. Nếu hàn tà nhập lý thì biểu hiện rét dữ dội, bụng đau nôn nhiều và tiết tả (ỉa chảy). Trong trường hợp này nên dùng thuốc hóa thấp, thuốc ôn trung khứ hàn để trừ khử hàn tà đã nhập sâu vào cơ thể mà gây ra chứng trạng nói trên. Nếu nhiệt tà nhập lý, tức nhiệt tà nhập vào phần dinh, phần huyết biểu hiện sốt cao vật vã mê sảng, bất tỉnh, thần trí không ổn định, đôi khi phát cuồng. Trong trường hợp nhiệt nhập lý phải dùng thuốc thanh nhiệt tả hỏa, thanh nhiệt lương huyết (thạch cao, tri mẫu, huyền sâm, chi tử, tê giác, sinh địa…) trong những chứng này nếu việc dùng thuốc không đúng sẽ dẫn đến nguy hiểm cho tính mạng. Ví dụ: Bệnh thuộc chứng lý nhiệt, lại dùng thuốc ôn nhiệt như quế nhục, can khương sẽ làm cho cơ thể sốt dữ dội, thêm “nhiệt nộ tắc cuồng”.

II. Bát pháp

Tám phương pháp chính để chữa bệnh theo Y học cổ truyền. Bao gồm: hãn, thổ, hạ, hòa, ôn, thanh, tiêu, bổ. Trong bát pháp ở đây chỉ giới thiệu các phương pháp dùng trong.

     1. Phương pháp hãn

Phương pháp làm cho ra mồ hôi, chỉ dùng khi các bệnh cảm mạo, tấu lý bị vít lại. Trên cơ sở đó biểu không được giải, làm cho thân nhiệt tăng cao (sốt). Lúc này phải dùng thuốc phát hãn để khai mở tấu lý, đó là các thuốc tân ôn giải biểu hoặc tân lương giải biểu. Cần chú ý chỉ dùng phương pháp này khi biểu tà chưa giải, lý nhiệt còn đang thịnh. Không nên dùng cho những cơ thể hư nhược, ốm lâu ngày vì sẽ hao tổn tân dịch, phụ nữ sau đẻ, trẻ con, sau khi mất máu, băng huyết, nục huyết, sốt cao mà mồ hôi ra nhiều.

Phương pháp hãn cũng cần hiểu cả hướng ngược lại là chỉ hãn, liễm hãn đối với các trường hợp tự hãn, đạo hãn do tấu lý thường xuyên khai mở.

     2. Phương pháp thổ

Đó là phương pháp làm cho nôn ra dùng trong các trường hợp ăn vào không tiêu, bụng căng đầy, bội thực, ăn phải các chất độc, thuốc độc (hạt cà độc dược, trứng cóc…) làm cho đau bụng, có nguy cơ trúng độc nguy hiểm đến tính mạng. Có thể dùng các thuốc dễ gây nôn như Lục phàn (Sulfat sắt) hoặc dùng vật mềm kích thích họng cho nôn ra… khi cần thiết phải kết hợp với phương pháp rửa hút đường tiêu hóa của y học hiện đại.

     3. Phương pháp tả hạ

Là phương pháp cho đi tả, trong các trường hợp thực tích đại tràng thực nhiệt, táo kết dẫn đến đau bụng. Có thể dùng phương pháp công hạ khi đại tràng thực nhiệt với các phương Đại thừa khí thang (Đại hoàng, Mang tiêu, Hậu phác, Chỉ thực), hoặc Tiểu thừa khí thang (phương đại thừa khí bỏ Mang tiêu). Dùng khi đau bụng đầy chướng kèm theo táo kết… Hoặc dùng phương pháp Đại hoàng, Mang tiêu, Cam thảo để tăng nhu nhuận cho đại tràng… Trong trường hợp táo nhẹ cần dùng phương pháp nhuận hạ với các vị thuốc Vừng đen, Thảo quyết minh. Phương pháp nhuận hạ thích hợp cho các cơ thể yếu hoặc phụ nữ sau khi để táo bón.

     4. Phương pháp hòa (hòa giải, hòa hoãn)

Phương pháp này dựa trên sự điều hòa âm dương, điều hòa ngũ tạng, lục phủ trong cơ thể. Ví dụ: âm hư nội nhiệt thì dùng thuốc bổ âm để  bồi bổ chân âm nuôi dưỡng phần âm. Hoặc dương hư gây ngoại hàn phải dùng thuốc bổ dương để nuôi dưỡng chân dương làm cho chân dương đủ mạnh. Cũng có thể dùng trong các chứng bán biểu, bán lý, hoặc các bệnh gây ra do sự mất điểu hòa khí huyết.

     5. Phương pháp ôn

Phương pháp làm ấm cơ thể, dùng các vị thuốc vị cay, tính ôn nhiệt để trừ khử hàn tà, đó là các loại thuốc Tân ôn giải biểu, hoặc Ôn trung khử hàn, Hồi dương cứu nghịch như Nhục quế, Can khương, Phụ tử, Đại hồi…

     6. Phương pháp thanh

Phương pháp thanh thử nhiệt độc ra khỏi cơ thể. Khi cơ thể bị sốt cao hoặc huyết nhiệt sinh mụn nhọt, sang lở, dị ứng, ngứa… Tuỳ theo cơ thể bị nhiệt theo hình thức nào thì dùng một trong 6 loại thuốc thanh nhiệt cho hợp lý. Ví dụ bị trúng thử (say nắng nóng), dùng thuốc thanh nhiệt giải thử (Rau má, Cỏ nhọ nòi, Lá đậu ván, rễ sắn dây tươi…). Sốt cao mê sảng do tà nhiệt nhập lý, dùng thuốc thanh nhiệt tả hỏa như Thạch cao, huyền sâm, chi tử… Dị ứng, mụn nhọt dùng thuốc thanh nhiệt giải độc như Liên kiều, kim ngân, bồ công anh… Huyết nhiệt gây nục huyết, trường phong hạ huyết hoặc sốt kéo dài dùng thuốc thanh  nhiệt lương huyết như  Sinh địa, Địa cốt bì, Mẫu đơn bì… Các bệnh mang tính thấp nhiệt thì dùng thuốc thanh nhiệt táo thấp như Hoàng liên, hoàng bá, hoàng cầm.

     7. Phương pháp tiêu

Chủ yếu nói tới phương pháp tiêu đạo, khi cơ thể tiêu hóa không tốt: thường đầy bụng, sôi bụng, ăn uống không ngon miệng. Dùng các vị thuốc tiêu đạo, kích thích tiêu hóa như  Mạch nha, Sơn tra, Thần khúc, hoặc các thuốc kiện tỳ như Bạch truật, Bạch linh, Hoàng kỳ…

     8. Phương pháp bổ

Phương pháp này dùng trong các trường hợp cơ thể suy nhược, yếu mệt, ốm lâu ngày hoặc yếu từng phủ tạng. Dùng thuốc bổ huyết khi huyết hư, huyết thiếu người mệt mỏi, xanh xao, gầy còm. Dùng thuốc bổ khí khi cơ thể mệt mỏi, đoản khí, chân tay rã rời. Dùng thuốc bổ dương khi dương hư: chân lạnh, đau lưng, mỏi gối , liệt dương, di tinh…Hoặc thuốc bổ âm khi âm huyết suy kiệt, người khô héo, mắt khô sáp, quầng mắt, hoa mắt, chóng mặt. Ngày nay do các phương pháp chữa bệnh phong phú người ta không chỉ giới hạn trong bát pháp mà chia các phương hpáp nói trên ra thành nhiều phương pháp khác. Ví dụ: phương pháp giải biểu, lý khí (hành khí, giáng khí, điều hòa khí cơ), lý huyết (hoạt huyết), phương pháp khứ thấp, ôn lý, phương pháp hóa đờm, chỉ ho, bình suyễn, phương pháp tắt phong.

     9. Các phương pháp trị bên ngoài

– Phương pháp xông

Xông là phương pháp độc đáo của y học cổ truyền Việt Nam, đơn giản song cho hiệu quả cao với các bệnh ngoại cảm (phong hàn, phong nhiệt, phong thấp).

Thường dùng các dược liệu có tinh dầu thơm như sả, hương nhu, bạc hà, v.v… hoặc các lá có tác dụng giải nhiệt như lá tre, ruối, khoai lang, v.v… Dược liệu được cho vào nồi sạch, thêm nước vừa đủ, đun sôi trong 5 – 10 phút.

Có nhiều cách xông, tuỳ theo từng bệnh và từng vị trí bệnh:

+ Xông toàn bộ: tiến hành xông bằng cách đặt nồi lá xông trước chỗ bệnh nhân ngồi, trùm chăn kín, mở nắp nồi xông. Thời gian xông kéo dài khoảng 10 – 20 phút, thỉnh thoảng đảo lá xông. Hơi nước cùng với hơi tinh dầu bão hòa kích thích khai mở tấu lý, phát hãn, giải biểu.

Sau khi xông cần lau hết mồ hôi, đồng thời uống khoảng 50 – 100 ml nước lá xông để tăng áp lực thẩm thấu, tăng khả năng giải biểu, phát hãn và lợi niệu để giải nhiệt và bài xuất tà độc ra khỏi cơ thể. Các thành phần nhựa trong dược liệu làm tăng nhu nhuận đại tràng, góp phần giải nhiệt theo đường tiêu hóa. Như vậy, phương pháp xông sẽ giải nhiệt theo 3 đường: da (tấu lý), tiểu và đại tiện.

+ Ngoài ra, còn có các phương pháp xông cục bộ như: xông đau đầu, xông đau khớp, xông trĩ, xông tai, xông đau răng, v.v…

– Phương pháp đánh gió (đánh cảm, bắt gió)

Khi bị cảm nhiệt, cảm nắng có thể đánh gió bằng nhiều cách như chà sát nhẹ lên da toàn thân một số dược liệu như: lá trầu không tươi giã nát, bọc trong miếng gạc có thấm rượu nóng. Hoặc dùng củ gừng tươi, giã nát, sào nóng, thêm một ít rượu, bọc vào gạc mềm rồi làm như trên. Có khi dùng tóc rối với dầu hỏa, hoặc dùng lòng trắng trứng đã luộc với đồng tiền bằng bạc, cũng có khi dùng dầu cù là xoa trên da, rồi dùng đồng xu, đồng bạc cào nhẹ trên da, v.v…

– Phương pháp cứu

Có thể cứu trực tiếp bằng điếu ngải (chế từ bột lá ngải cứu) hoặc cứu gián tiếp vào các huyệt hoặc các vùng bị đau.

– Phương pháp tắm rửa

Dùng một số loại lá tươi như lá đào, lá hòe, v.v… giã nát, pha thêm nước lã sạch hoặc nước lã đun sôi để nguội, tắm cho trẻ vào mùa hè để tránh rôm sảy, mụm nhọt. Hoặc tắm lá và cành hoa mùi vào mùa đông. Hoặc tắm nước lá xà cừ, ba chạc khi bị ngứa, ghẻ v.v…

– Phương pháp bó  

Thường dùng phương pháp này khi bị chấn thương, đau cơ, đau xương. Dược liệu có thể dùng dạng lá tươi giã nát rồi bó đắp như lá bưởi bung, vỏ cây gạo trộm với giấm, bóp lá náng nóng v.v… Cũng có thể dùng các bột khô tán mịn của các dược liệu như quế, hồi, đinh hương v.v…

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*