Bán biên liên có tên khoa học là Lobelia chinensis Lour, còn được gọi là cây Lô biên, Lỗ bình tàu. Cây thuộc họ Lô biên (Lobeliaceae). Theo Đông y, Bán biên liên có vị cay, tính bình, tác dụng thanh nhiệt giải độc.
1. Giới thiệu về Bán biên liên
1.1. Mô tả
Đây là cây thảo nhỏ, sống hằng năm. Thân có cành, mọc đứng, đôi khi mọc bò. Lá mọc so le, gần như không cuống, hình trứng hoặc bầu dục, gốc tròn, mép khía răng, cuống lá rất ngắn.
Hoa mọc đơn độc ở kẽ lá, cuống mảnh hình sợi, màu tím, lam hay trắng.
Quả nang, hình trứng, hạt nhiều có 3 cạnh, bóng.
1.2. Phân bố
Thảo dược phân bố chủ yếu ở châu Á. Từ Nhật Bản, Trung Quốc đến Sri Lanka, về phía Nam từ Lào, Việt Nam đến Malaysia, Philippines. Ở Việt Nam, Bán biên liên phân bố rải rác ở hầu hết các tỉnh miền núi và trung du, từ Lạng Sơn, Cao bằng đến các tỉnh miền Trung.
Đây là cây ưa ẩm và ưa sáng, thường mọc lẫn với các loại cỏ thấp ở ruộng hoang, ven rừng hoặc gần nguồn nước. Cây sinh trưởng và phát triển nhanh trong mùa xuân hè. Đến mùa thu sau khi quả đã già, toàn cây tàn lụi. Bán biên liên tái sinh chủ yếu từ hạt.
1.3. Bộ phận dùng
Toàn cây, thu hái vào mùa xuân hè, rửa sạch dùng tươi hay phơi sấy, khô.
1.4. Thành phần hóa học
Các nghiên cứu tìm ra trong thảo dược này có chứa các thành phần như: lobelin, lobelanin, lobelinin, isolobelanin. Ngoài ra còn có các saponin, acid amin và các flavonoid.
2. Tác dụng theo y học hiện đại
2.1. Tác dụng lợi tiểu
Dạng cao lỏng Bán biên liên được thí nghiệm trên chó gây mê. Liều tiêm tĩnh mạch 0,1g/kg và dạng alcaloid với liều 6,6mg/kg đều có tác dụng lợi tiểu rõ rệt và kéo dài.
Trên người bình thường, bột từ thảo dược này dùng đường uống với liều 10 – 20g. Thể hiện tác dụng lợi tiểu, đồng thời lượng chlorid bài tiết qua nước tiểu cũng tăng. Dùng dài ngày thì tác dụng lợi tiểu giảm dần.
Thời điểm thu hái Bán biên liên cũng ảnh hưởng đến tác dụng lợi tiểu. Thu hái vào thời điểm sau khi ra hoa có tác dụng mạnh hơn so với các thời điểm khác. Đem Bán biên liên đun sôi không ảnh hưởng đến tác dụng lợi tiểu nhưng nếu sấy khô ở nhiệt độ 150°C trong 24 giờ thì tác dụng này mất hoàn toàn.
2.2. Tác dụng đối với hệ thần kinh
Hoạt chất lobelin có tác dụng đối với hệ thần kinh giống như chất nicotin nhưng cường độ yếu hơn. Có tác dụng trên các hạch thần kinh, phần tủy thượng thận, trung khu nôn mửa, các khớp thần kinh cơ, bộ phận cảm nhận hóa học ở động mạch cổ và động mạch chủ. Giai đoạn đầu là kích thích, tiếp theo là ức chế.
2.3. Tác dụng kích thích hô hấp
Nước sắc và alcaloid từ Bán biên liên thí nghiệm trên chó gây mê tiêm tĩnh mạch với liều 90 mg/kg có tác dụng kích thích hô hấp rõ rệt. Tác dụng này có liên quan mật thiết đến liều lượng, khi dùng liều quá lớn thì hô hấp bị tê liệt và gây tử vong.
Cơ chế của tác dụng kích thích hô hấp là do kích thích bộ phận cảm nhận hóa học ở động mạch cổ, phản xạ lại làm hưng phấn trung khu hô hấp. Lobelin là hoạt chất có tác dụng kích thích hô hấp. Đối với hô hấp bị ức chế do morphin, Bán biên liên có tác dụng đối kháng tốt, nhưng đối với ức chế do urbethan và do chloral hydrat thì tác dụng đối kháng của nó lại kém.
2.4. Tác dụng đối với hệ tim mạch
Dạng cao lỏng Bán biên liên thí nghiệm trên chuột trắng gây mê trên tĩnh mạch có tác dụng hạ huyết áp kéo dài. Nhưng nếu cho thuốc trực tiếp vào hoành tá tràng thì cần một liều lớn gấp 10 – 20 lần liều tiêm tĩnh mạch mới có tác dụng hạ huyết áp. Điều này chứng tỏ thành phần hạ huyết áp khó hấp thu qua đường tiêu hóa. Dạng alcaloid của loài thực vật này tuy có tác dụng lợi tiểu nhưng không ảnh hưởng đến huyết áp.
Cơ chế hạ huyết áp của Bán biên liên có thể do ức chế trung khu vận mạch và phong bế các hạch thần kinh. Đối với tim cô lập của thỏ và ếch, dạng alcaloid có tác dụng kích thích, tăng cường sức co bóp cơ tim. Dùng với nồng độ cao ban đầu xuất hiện tác dụng kích thích tạm thời, sau đó là ức chế, gây block dẫn truyền và cuối cùng tim ngừng đập.
2.5. Tác dụng lợi mật
Thí nghiệm trên chó tiêm tĩnh mạch dạng chiết bằng cồn từ Bán biên liên với liều 1g dược liệu/kg thì lưu lượng mật tăng gấp 2 lần so với trước lúc dùng thuốc. Sau 50 phút tác dụng đạt mức tối đa, nhưng nồng độ các thành phần của muối mật và bilirubin đều giảm.
2.6. Tác dụng gây nôn
Lobelin thí nghiệm trên chó và mèo, tiêm tĩnh mạch có tác dụng gây nôn. Atropin và chlorpromaozin không ngăn cản được phản ứng gây nôn của lobelin.
2.7. Các tác dụng khác
Nước sắc Bán biên liên dùng bằng đường uống có tác dụng gây tẩy nhẹ. Lobelin trên tiêu bản ruột thỏ cô lập, với liều thấp có tác dụng tăng cường trương lực và nhu động ruột, liều cao lại gây liệt ruột. Lobelin dùng bằng đường uống còn có tác dụng gây chán ăn. Với nồng độ 15mcg/ml, Lobelin có tác dụng ức chế tế bào ung thư u báng chuột nhắt trắng hấp thu oxy. Thí nghiệm trên ống kính, nước sắc cây có tác dụng ức chế một số nấm thông thường gây bệnh ngoài da.
3. Tác dụng theo y học cổ truyền
Tính vị: ngọt, đạm, lạnh. Qui kinh phế, tâm, tiểu trường.
Tác dụng: thanh nhiệt giải độc, lợi niệu tiêu thũng.
Chỉ định:
Điều trị mụn nhọt sưng đau, sưng đau tuyến vú, rắn cắn dùng ngoài đắp hoặc sắc uống.
Chứng bụng chướng thủy thũng, thường dùng cùng kim tiền thảo, phục linh, đại hoàng, chỉ thực. Điều trị vàng da thường dùng cùng nhân trần, bạch mao căn.
Liều dùng: 10 – 15g.
Chú ý: cấm dùng khi hư chứng thủy thũng.
4. Bài thuốc có Bán biên liên
- Chữa hoàng đản, phù thũng, tiểu tiện khó
Bán biên liên 30g, tầng tổ ong, Dình lịch tử, mỗi vị 9g, Qua lâu 30g. Phục linh, Xa tiền thảo, Hạ khô thảo mỗi vị 30g. Sắc nước 2 lần, chia làm nhiều lần uống trong ngày.
- Chữa cổ trướng
Bán biên liên, Kim tiền thảo mỗi vị 9g. Đại hoàng 12g, Chỉ thực 18g. Sắc nước uống, ngày 1 thang. Uống 5 ngày liền. Sau đó tăng liều 2 vị Bán biên liên và Kim tiền thảo, bỏ vị Đại hoàng mà thêm Thần khúc, Mạch nha.
- Chữa rắn độc, bò cạp cắn
Mỗi ngày dùng 30 – 48g Bán biên liên, sắc nửa giờ với lửa nhỏ. Chia làm 3 lần uống trong ngày. Đồng thời, dùng loại tươi giã nát đắp vào vết cắn, ngày thay 2 lần.
- Chữa mụn nhọt, đầu đinh
Bán biên liên lượng vừa đủ, thêm một ít muối ăn, giã nát đắp vào chỗ chảy nước vàng.
Để lại một phản hồi