Chu sa: Loại khoáng vật có tác dụng an thần

Chu sa thường ở dạng bột đỏ

Chu sa là một vị thuốc quen thuộc trong Y học cổ truyền với tác dụng an thần. Tuy nhiên chắc hẳn nhiều người chưa hiểu hết về vị thuốc này. 

1. Giới thiệu về Chu sa, Thần sa

Chu sa, hay Thần sa, Đan sa, Xích đan, Cống sa. Đây là các tên gọi dành cho loại khoáng vật cinnabarit của thủy ngân sẵn có trong tự nhiên, có màu đỏ. Thành phần chính của nó là sulfua thủy ngân (II) (HgS).

Chu sa và Thần sa là cùng 1 loại thuốc có thành phần hóa học giống nhau. Nhưng loại có nguồn gốc tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc (xưa kia vùng này có tên là châu Thần) được gọi là Thần sa, và được xem là tốt hơn. Sự đánh giá này đã được xác nhận, và tìm được cơ sở khoa học của nó.

Chu sa thường ở dạng bột đỏ
Chu sa thường ở dạng bột đỏ

“Chu” là đỏ, “sa” là đá. Chúng thường ở thể bột đỏ, còn thần sa thường ở thể cục thành khối óng ánh. Thần sa to nhỏ không đồng nhất, màu đỏ tối hay đỏ tươi, chất nặng nhưng dễ vỡ vụn, không mùi, vị nhạt. Khi nghiền bằng tay, tay không bị bắt màu đỏ là loại tốt.

2. Nguồn gốc và khai thác

Chu sa có thể được hình thành liên quan đến hoạt động phun trào núi lửa. Nó được tìm thấy trong mọi khu vực có chứa thủy ngân, đáng chú ý như là Almadén (Tây Ban Nha), New Almaden (California, tại khu vực chân núi Apuan Alps (Tuscany); dãy núi Avala (Serbia); Huancavelica (Peru), Terlingua (Texas) và tỉnh Quý Châu ở Trung Quốc …

Thần sa thường ở thể cục thành khối óng ánh
Thần sa thường ở thể cục thành khối óng ánh

Tại châu Âu, chúng được khai thác từ thời đế quốc La Mã để làm chất màu hay để sản xuất thủy ngân và nó là quặng chính cung cấp thủy ngân trong nhiều thế kỷ. Một vài mỏ cho đến nay vẫn còn tiếp tục hoạt động.

Để sản xuất thủy ngân lỏng, quặng tán vụn được nung trong các lò quay. Thủy ngân tinh khiết tách ra khỏi lưu huỳnh theo quy trình này và dễ dàng bay hơi. Các cột ngưng tụ được sử dụng để thu thập thủy ngân lỏng, và nó được chuyên chở trong các bình bằng thép.

3. Thành phần hóa học và tác dụng dược lý

Thành phần chủ yếu của Chu sa là sulfua thủy ngân thiên nhiên. Nguyên chất có thủy ngân 86,2%, sulfua 13,8%. Thường lẫn một số tạp chất khác như chất hữu cơ.

Năm 1962, Ngô Ứng Long thí nghiệm dịch chiết của Chu sa, dù không có vết thủy ngân nhưng có tác dụng tương tự.

Năm 1964, Hoàng Tích Tuyền thí nghiệm các muối selenua natri, kali, muối selenit và muối selenua thủy ngân trong Chu sa, đi đến kết luận:

  • Các muối selenua natri, kali, … rất độc, không làm thuốc được.
  • Muối HgSe dưới dạng keo có có ít độc với tính chất an thần rất mạnh, chống co giật mạnh hơn hẳn các chất an thần thường dùng như bromua. Nó còn làm kéo dài giấc ngủ gây ra bởi các thuốc ngủ khác.

Theo các tài liệu, một số hợp chất selen được dùng với công dụng gần như chu sa. Qua đó, GS. Đỗ Tất Lợi cho rằng các tác dụng của chúng có thể là nhờ muối selen, một tạp chất có tỷ lệ rất thấp trong chu sa. Trong Thần sa tỷ lệ chất này cao hơn Chu sa, có thể do vậy mà tác dụng tốt hơn.

Người ta còn thấy chúng ức chế hưng phấn của trung khu thần kinh ở đại não. Do đó có tác dụng trấn kinh, gây ngủ, chống cho giật, kéo dài giấc ngủ của thuốc ngủ.

4. Vị thuốc Chu sa trong Y học cổ truyền

Y học hiện đại gần như không dùng muối sulfua thủy ngân làm thuốc. Trước kia có dùng trong giang mai nhưng thường chỉ dùng dưới dạng mỡ bôi, không uống.

Chu sa - Thần sa có tác dụng An thần
Chu sa có tác dụng an thần

Trái lại, Y học cổ truyền coi chúng là một vị thuốc thông thường, có tác dụng trấn tĩnh, an thần. Theo dược lý Đông y, Chu sa có vị ngọt, tính hơi hàn, có độc. Thuốc quy vào kinh Tâm.

4.1. Công năng, chủ trị

Trấn tâm, an thần, dùng khi tinh thần bất an, tâm thần bất thường, biểu hiện tim đập loạn, hồi hộp, mất ngủ, động kinh, điên giản.

Có thể dùng riêng hoặc phối hợp Thạch xương bồ, Băng phiến, Thiềm tô, Xạ hương,… Khi uống có thể lấy dịch thuốc sắc của các vị thuốc khác rồi hòa với bột chu sa, quấy đều.

Giải độc: dùng khi tâm hỏa, miệng lưỡi lở, phồng dộp, dùng ngoài trị mụn nhọt, phù thũng.

4.2. Liều dùng và cách dùng

Liều dùng 0,4-2g mỗi ngày dưới dạng bột hay thuốc viên.

Cách bào chế: Mài chúng trong cối đá hay bát sứ, thêm ít nước mưa hay nước cất. Dùng đá nam châm hút hết mùn sắt, rồi thêm nước khuấy cho đều. Để lắng, bỏ phần màng bên trên, lấy nước trong. Làm đến khi nước trong, không còn màng là được. Cặn còn lại mang đi phơi nắng, đến khi khô thì dùng được.

5. Một số bài thuốc cổ phương có Chu sa

Trong các bài thuốc cổ phương, chúng thường được dùng để áo bên ngoài viên thuốc.

5.1. Thiên vương bổ tâm đan

Thành phần: Đan sâm, Huyền sâmĐương qui, Viễn chí, Toan táo nhân sao, Đảng sâmBá tử nhân, Bạch linh, Cát cánhNgũ vị tửMạch môn, Chu sa.

Bài thuốc trên tán nhỏ, hòa với mật ong làm thành viên hoàn lớn. Bên ngoài có lớp ao bọc bằng bột mịn. Mỗi ngày uống 10gam, chia 2 lần, uống trước khi ngủ với nước ấm.

Tác dụng: Tư âm dưỡng huyết, bổ tâm an thần. Chủ trị: Âm huyết bât túc, hồi hộp, hay quên, tâm phiền mất ngủ, ngủ hay mê, táo bón.

5.2. Chu sa an thần hoàn

Thành phần: Hoàng liên, Sinh địa, Chích Cam thảo, Xuyên quy, Chu sa.

Các vị tán bột làm thành viên hoàn. Chu sa làm áo bên ngoài. Mỗi ngày uống 4-12g, uống trước khi ngủ.

Tác dụng: trấn tâm an thần. Trị nóng bức không ngủ được, hồi hộp, đánh trống ngực.

6. Một số đơn thuốc kinh nghiệm dùng Chu sa

6.1. Giải đậu độc lúc sắp mọc hay mới mọc

Chu sa 1g (3 phần), tán nhỏ, hòa với mật mà uống

6.2. Chữa di tinh

Chu sa đã chế (như mô tả ở trên), cho vào quả tim lợn. Lấy chỉ buộc quả tim lợn lại, nấu chín mà ăn.

7. Lưu ý

Trong các sách cổ đề nói chu sathần sa phải dùng sống tuyệt đối, không được dùng lửa. Theo hóa học, ta có thể thấy khi dùng lửa, sức nóng sẽ biến muối thủy ngân thành thủy ngân, có thể bay hơi, gây độc. Không được dùng lâu, dùng nhiều có thể làm người thành “si ngốc” (rối loạn tâm thần, không tỉnh táo).

Những người có chức năng gan, thận kém cần thận trọng khi dùng vì thuốc có thể làm bệnh nặng thêm.

Chu sa hay Thần sa có thành phần chính là sulfua thủy ngân. Nó được khai thác trong thiên nhiên. Y học cổ truyền dùng nó với tính chất an thần, trấn kinh. Tuy nhiên đây là vị thuốc có độc tính cao, nên không được tự ý sử dụng.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*