Cỏ đuôi lươn: Loài cỏ chữa sản hậu ở phụ nữ

 Hoa của cỏ đuôi lươn

Nếu có lần đi ngang những ruộng lúa. Bạn dễ dàng bắt gặp những bụi cỏ cao tầm nửa thân người, lá nhọn hình gươm, có hoa vàng. Hỏi người dân địa phương thì được biết rằng, đó là cỏ đuôi lươn. Khi về tìm hiểu thì lại biết thêm loại cỏ hoang dại ấy cũng là một vị thuốc trong dân gian. 

1. Mô tả cây cỏ đuôi lươn

Cỏ đuôi lươn có tên khoa học Philydrum lanuginosum Banks., Thuộc họ Cỏ đuôi lươn (Philydraceae). Sở dĩ nó có cái tên như vậy vì ngọn và cụm hoa của nó trông như hình đuôi con lươn. Nó còn có những tên khác thường được gọi như: Cỏ đũa bếp, Điền thông, Đuôi chuột,…

Cỏ đuôi lươn là cây thân thảo, mọc đứng, cây trưởng thành cao từ 0,35 – 1m. Thân cây bao phủ nhiều lông tơ màu trắng, nhiều nhất ở ngay phía dưới cụm hoa, trông giống như len. Từ thân có thể phát triển thêm nhiều nhánh nhỏ.

Lá của cỏ hình gươm, đầu thuôn nhọn, mọc so le. Các lá to nhỏ không đều, chiều rộng dao động từ 4 – 10mm, còn chiều dài có những lá nhỏ chỉ tầm 10cm, nhưng có những lá có thể dài tới 60 – 70cm. Phía trên lá có vạch dọc, mặt dưới có nhiều lông tơ trắng như trên thân. Dưới gốc thân có 4 – 5 lá dài hẹp mọc xếp lớp, các lá bao lấy thân. Các lá dưới gốc thường lớn hơn các lá trên ngọn, đầu cành.

Hoa cỏ đuôi lươn mọc thành cụm, nhìn như những bông dài 2 – 5cm. Hoa màu vàng, khá bắt mắt, mọc so le. Hoa này không có cuống, đài 2, tràng 2, nhị 1. bầu 3 ngăn không rõ. Lá bắc tồn tại như lá nhưng nhỏ có lông hoặc không có lông. Quả nang có lông mịn, được lá bấc bao bọc.

 Hoa của cỏ đuôi lươn
Hoa của cỏ đuôi lươn

2. Phân bố

Không rõ cây có nguồn gốc từ đâu, nhưng trên thế giới cây có mọc ở Trung Quốc và Ấn Độ, Lào, Campuchia,…

Tại Việt Nam, cây phân bố khắp từ Bắc, Trung, Nam. Từ các tỉnh miền Bắc như Bắc Giang, Bắc Ninh,… tới Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, các tỉnh Nam Bộ. Loại cây này ưa đất phèn, hay mọc hoang ở các vùng đầm lầy, bờ ruộng ẩm ướt.

3. Bộ phận dùng, thu hái, chế biến, bảo quản

Cỏ đuôi lươn sử dụng toàn bộ phần trên mặt đất bỏ rễ để làm thuốc. Dược liệu được thu hái khi cây đã trưởng thành, đem về giũ sạch đất cát rồi rửa sạch. Có thể dùng tươi. Nếu phơi khô nên chọn ngày nắng to phơi cho kiệt nước trong thuốc.

Cất giữ thuốc nơi khô ráo, thoáng mát. Tránh nơi ẩm thấp, ướt át có thể làm giảm chất lượng thuốc.

4. Thành phần hóa học và tác dụng dược lý của dược liệu

Hiện vẫn chưa có tài liệu nghiên cứu về vấn đề này. Mong rằng sau này sẽ có những đề tài nghiên cứu vị thuốc này.

 Toàn bộ phần trên mặt đất của Cỏ đuôi lươn được sử dụng để làm thuốc
Toàn bộ phần trên mặt đất của Cỏ đuôi lươn được sử dụng để làm thuốc

5. Công dụng của Cỏ đuôi lươn

Cỏ đuôi lươn là vị thuốc của dân gian, người ta thường dùng vị thuốc này cho phụ nữ sau sinh bị sản hậu uống. Liều dùng tham khảo là 10 – 15gr dược liệu khô, sắc nước uống.

Bên Trung Quốc cũng sử dụng cây thuốc này với cái tên Điền thông, nó được cho rằng có những công dụng sau:

  • Thanh nhiệt, hóa thấp.
  • Giải các loại độc.
  • Điều trị thủy thũng.
  • Điều trị nấm chân (nấm kẽ chân)

Do đó một số bệnh ngoài da như hắc lào, vảy nến hay bị nấm kẽ chân, các vết thương lở loét, sưng đau, người ta sử dụng Cỏ đuôi lươn ép lấy nước rửa ngoài da chỗ vết thương. Hoặc có thể nấu nước tắm từ Cỏ đuôi lươn để tắm rửa toàn thân. Cùng với đó là kết hợp uống bên trong với liều 10 – 15gr/1 ngày để tăng hiệu quả.

6. Phân biệt Cỏ đuôi lươn với một số cây cỏ dễ gây lầm lẫn

Cần chú ý không nhầm cỏ đuôi lươn với những thực vật sau:

  • Cây đuôi lươn (hay cô tòng đuôi lươn): có tên khoa học Codiaeum variegatum, thuộc họ Thầu dầu (Euphorbiaceae)
  • Chè đuôi lươn: là cây thân gỗ, trong khi cỏ đuôi lươn thân thảo. tên khoa học của chè đuôi lươn là Adinandra integerrima, thuộc họ Chè (Theaceae)
  • Cây mào gà trắng: cũng có tên khác là “Đuôi lươn”,cũng là cây thân thảo, nhưng thuộc họ Dền (Amanthaceae), tên khoa học Celosia ardentea.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*