Cỏ nhọ nồi (Cỏ mực): Cây cỏ dại có tác dụng cầm máu

Cỏ nhọ nồi

Cỏ nhọ nồi hay còn được gọi là cỏ mực, hàn liên thảo. Cây có tên khoa học là Eclipta alba (L.) Hassk, thuộc họ Cúc (Asteraceae). Trong dân gian, cỏ nhọ nồi được nhắc đến là thảo dược hữu ích trong điều trị rất nhiều căn bệnh. Tuy là loài cây mọc dại nhưng lại chứa nhiều hoạt chất có tác dụng cầm máu, chữa các bệnh liên quan đến chảy máu. 

1. Cỏ nhọ nồi – Đặc điểm cần nhớ

1.1. Cách nhận diện Cỏ nhọ nồi 

Cỏ nhọ nồi thuộc loại thân thảo, cao 30 – 40cm, cây mọc thẳng, đôi khi bò lan rồi vươn thẳng. Thân màu lục hoặc đỏ tía, phình lên ở những mấu, có lông cứng. Lá mọc đối hình mác, mép có khía răng rất nhỏ, có lông ở 2 mặt. Cụm hoa màu trắng mọc ở kẽ lá hoặc đầu cành.

Sở dĩ cỏ nhọ nồi còn được gọi là cỏ mực, là bởi vì khi dùng tay vò nát, người ta thấy từ cây chảy ra loại nước có màu đen giống như mực.

Cỏ nhọ nồi
Cỏ nhọ nồi

1.2. Bộ phận dùng và hoạt chất sinh học

Có thể dùng toàn bộ phần trên mặt đất của cây. Có thể dùng tươi hoặc phơi khô dùng dần đều được. Trong cỏ nhọ nồi có chứa các chất như: tinh dầu, chất đắng, tanincaroten và ankaloid. Ngoài ra còn có hoạt chất wedelolacton, đã được chứng minh là có tác dụng chống viêm.

Cỏ nhọ nồi
Cỏ nhọ nồi phơi khô

2. Tác dụng dược lý của Cỏ nhọ nồi

Mặc dù nhọ nồi chỉ là loài cây nhỏ bé mọc hoang, nhưng lại có rất nhiều tác dụng tốt. Chính vì vậy dã có rất nhiều nghiên cứu được thực hiện, phát hiện ra các hoạt tính sinh học bất ngờ của loại cây này. 

2.1. Tác dụng cầm máu

Trong dân gian, nhọ nồi thường được sử dụng như loại thuốc bổ máu, chữa ho ra máu, chảy máu cam… Cỏ nhọ nồi có tác dụng cầm máu vì khả năng làm tăng tổng lượng prothrombin (yếu tố giúp đông máu), có cơ chế giống với vitamin K (là thành phần quan trọng giúp tổng hợp ra các yếu tố đông máu). Hoạt tính cầm máu của 1g bột nhọ nồi khô tương đương với 1,33 mg vitamin K.

2.2. Tác dụng kháng khuẩn

Thảo dược này được nghiên cứu có tác dụng ức chế các chủng vi khuẩn: liên cầu, tụ cầu khuẩn vàng, trực khuẩn bạch hầu, Bacillus anthracis, Bacillus subtilis.

Nghiên cứu về tác dụng chiết suất cỏ nhọ nồi, được thực hiện trên nhóm chuột bị gây nhiễm trùng bằng đường tiêm. Kết quả cho thấy  cỏ nhọ nồi có thể cải thiện được quá trình điều trị chuột nhiễm trùng nặng và choáng nhiễm khuẩn tại nồng độ 20mg/ml.

2.3. Tác dụng kháng viêm

Viêm là các phản ứng sinh học xảy ra trong cơ thể, có tác dụng bảo vệ khi cơ thể bị tấn công bởi các yếu tố gây hại. Viêm được coi là phản ứng tốt cho cơ thể trong những trường hợp bình thường. Tuy nhiên khi các tế bào miễn dịch hoạt động quá mức, thì tình trạng viêm lại gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực. 

Nghiên cứu đã chỉ ra rằng, hoạt chất Wedelolactone trong cỏ nhọ nồi có tác dụng ức chế quá trình sinh các yếu tố tiền viêm như cytokine TNF, IL-6, IL12p40. Từ đó làm giảm quá trình gây viêm.

2.4. Và các tác dụng khác

Nhọ nồi có tác dụng làm tăng trương lực của tử cung cô lập. Trường hợp chảy máu tử cung, nếu dùng nhọ nồi thì ngoài tác dụng làm tăng prothrombin. Còn có thể làm co thành tử cung, góp phần thúc đẩy việc chống chảy máu. Vì tác dụng ấy nên cỏ nhọ nồi khi sử dụng trên thỏ có thai có thể gây sẩy thai.

Cao lỏng lá nhọ nồi đã được áp để điều trị 70 bệnh nhân bị viêm âm đạo (23 người do tạp khuẩn, 26 do nấm và 21 do Trichomonas). Tẩm cao lỏng lá nhọ nồi vào bấc, bôi khắp diện âm đạo. Sau 6 – 8 giờ, bệnh nhân rút bấc ra. Kết quả cho thấy, tỷ lệ bệnh nhân khỏi và đỡ đối với viêm âm đạo do tạp khuẩn: 86.3%, đối với nấm: 73%, đối với Trichomonas là 61.9%. 

Nghiên cứu trên chuột bị gây tổn thương gan bằng paracetamol, cỏ nhọ nồi với liều 4g/kg có tác dụng bảo vệ gan biểu hiện qua hoạt độ của AST, ALT, hạn chế được một phần tổn thương trên giải phẫu vi thể gan.

Cỏ nhọ nồi
Cỏ nhọ nồi

3. Cỏ nhọ nồi trị được bệnh gì?

Theo Đông y, Nhọ nồi có vị ngọt, chua, tính mát có tác dụng bổ thận, mạnh xương, đen tóc, mát huyết, cầm máu, giải độc.

Ngoài tác dụng cầm máu, nhọ nồi còn được sử dụng để chữa các bệnh như: sởi, ho, viêm họng, lao phổi, bỏng, bệnh nấm ở da, di mộng tinh. Dân gian còn dùng nước ép lá nhọ nồi đun nóng với dầu dừa hoặc dầu vừng giúp làm mọc tóc.

Liều dùng:

  • Mỗi ngày dùng 20g cây khô, dưới dạng thuốc sắc uống.
  • Dùng tươi từ 30 – 50g, giã vắt lấy nước uống, còn bã đắp vết thương.

4. Bài thuốc chứa Cỏ nhọ nồi 

4.1. Thuốc cầm máu

12g nhọ nồi khô hoặc 30 – 50g tươi, sắc uống. Dùng riêng hoặc phối hợp với ngó sen, lá trắc bá, bách hợp.

Viên cỏ mực –  cóc kèn: cao lỏng cỏ mực một phần, bột mịn lá cóc kèn 2 phần, tá dược vừa đủ làm viên nén 200mg. Ngày uống 3 lần, mỗi lần 5g.

4.2. Chữa sốt xuất huyết

Nhọ nồi 30g, rau má tươi (hoặc mần trầu) 30g, bông mã đề tươi (hoặc cối xay, rễ cỏ tranh) 20g. Vắt lấy nước uống hoặc sắc uống điều trị sốt xuất huyết.

4.3. Chữa các chứng đau sưng ở trẻ em và người lớn

Nhọ nồi, rau diếp cá, lá xương sông, lá huyết dụ, lá khế, lá dưa chuột, lá nhài, lá cải trời. Giã nát, thêm nước, vắt lấy nước uống, bã dùng đắp vào chỗ sưng. 

4.4. Chữa thấp khớp

Nhọ nồi 16g, rễ cỏ xước 16g, hy thiêm 16g, thổ phục linh 20g, ngải cứu 12g, thương nhĩ tử 12g. Sao vàng, sắc đặc, ngày uống một thang, trong 7 – 10 ngày liền. 

Nhọ nồi 100g, vòi voi 300g, củ bồ bồ 150g, rễ nhàu 100g. Các vị tán nhỏ làm hoàn to bằng hạt tiêu. Liều uống 20 viên hoàn, ngày 3 lần. 

4.5. Chữa tưa lưỡi ở trẻ em

Nhọ nồi tươi 4g, hẹ 2g. Hai vị rửa sạch, giã nhỏ, vắt lấy nước cốt. Hòa mật ong, trộn đều chấm thuốc vào lưỡi, cách 2 giờ một lần. 

4.6. Chữa ho do viêm họng hoặc viêm amidan cấp

Nhọ nồi tươi 50g, sắc uống mỗi ngày 1 thang, trong 3 ngày. 

4.7. Chữa lỵ

Nhọ nồi tươi 100g, lá mơ lông 100g. Sắc đặc chia nhiều lần uống trong ngày. 

Nhọ nồi 1 nắm, mã đề tươi 1 – 2 nắm, rau má 1 nắm. Sắc đặc chia nhiều lần uống trong ngày.

4.8. Chữa rối loạn kinh nguyệt

Nhọ nồi tươi 30g, rau má tươi 30g, sinh địa 16g, ích mẫu 16g, củ gấu 12g, quả dành dành (sao cháy) 12g, ngưu tất 12g. Sắc uống ngày một thang. 

4.9. Chữa rong huyết

Nhọ nồi 16g, đảng sâm, thục địa, cỏ nến, mỗi vị 12g, hương phụ, bạch truật, xuyên khung, mỗi vị 8g, chỉ xác 6g. Sắc uống ngày một thang. 

4.10. Chữa di mộng tinh

Nhọ nồi sấy khô tán nhỏ, uống mỗi lần 8g với nước cơm, hay sắc 30g uống. 

5. Lưu ý

  • Người bị viêm đại tràng mạn tính, đại tiện lỏng, sôi bụng không nên dùng.
  • Cỏ nhọ nồi không gây giãn mạch, không hạ huyết áp, nhưng có thể gây sẩy thai. Do đó, phụ nữ có thai không được dùng.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*