Củ Chóc (Bán hạ nam): Vị thuốc trị nôn cho phụ nữ có thai

Cây Bán hạ nam hay cây Chóc

Củ Chóc hay còn gọi là Bán hạ nam, Bán hạ ba thuỳ, Chóc chuột. Loài cây này mọc hoang ở nhiều nơi trên nước ta. Từ lâu, củ Chóc được dùng như một vị thuốc chống nôn mửa cho phụ nữ có thai, hen suyễn nhiều đờm, tiêu hoá kém mà ngực bụng đầy trướng. 

1. Mô tả

Củ Chóc còn có tên gọi khác là Bán hạ nam, Bán hạ ba thuỳ, Chóc chuột, Phiắc héo (Tày). Tên khoa học là Typhonium trilobatum (L.) Schott – Arum trilobatum L., thuộc họ: Ráy (Araceae).

1.1. Cây chóc

Cây thảo, sống hằng năm, cao 20 – 30cm. Thân củ hình cầu, có những khía ngang. Lá mọc từ củ, có cuống dài pha màu đỏ tím nhạt, phần gốc loe ra thành bẹ. Phiến lá chia 3 thùy, thùy giữa to hình thoi, hai thùy bên hẹp hơn, xòe ngang. Gốc hình tim, đầu nhọn, mép uốn lượn, gân mặt dưới lá đôi khi cũng có màu đỏ tím.

Loài Typhonyum divaricatum (L.) Decne (củ Chóc ri, Bán hạ dại) có dáng nhỏ hơn, lá hình mũi tên. Hai thùy bên ngắn hẹp, phần thùy của mo kéo dài thành mũi nhọn cong, màu đỏ thẫm.

Cây Bán hạ nam hay cây Chóc
Cây Bán hạ nam hay cây Chóc

1.2. Bán hạ nam

Bán hạ nam là phần thân rễ già được chế biến thành phiến khô của cây Chóc. Phiến có hình tròn, đường kính thường là 0,5 – 3cm, ít khi đến 4cm; dày 0,1 – 0,3cm; màu trắng đục, trắng ngà hay vàng nhạt. Xung quanh phiến còn ít vỏ mỏng và vết tích sẹo của rễ con. Thể chất chắc, khô cứng. Vị nhạt, gây tê lưỡi, ngứa.

Bán hạ nam phiến
Bán hạ nam phiến

2. Thu hái và bào chế

2.1. Thu hái

Cây trồng được trên nhiều loại đất khác nhau ở trung du và đồng bằng, nhưng cần chọn chỗ ẩm ướt, có bóng râm. Cây trồng ngoài sáng hoặc bị che bóng toàn phần thường còi cọc. Củ Chóc thu hoạch hằng năm vào thời kỳ cây tàn lụi.

Thân củ thu hái vào khoảng tháng 7 – 12, rửa sạch đất cát, cắt bỏ rễ con, đem đồ vừa chín. Củ con để nguyên, củ to thái phiến sau đó phơi hoặc sấy khô.

2.2. Bào chế

Có nhiều phương pháp chế biến khác nhau, nhưng tất cả đều nhằm giảm bớt độ độc, tức là loại trừ tác dụng gây ngứa (tẩm Cam thảo, Phèn chua, nước vo gạo, nước vôi) hoặc làm tăng tác dụng trị ho (tẩm Gừng, nước Bồ kết).

Dược điển Việt Nam I tập 2 quy định ngâm củ Chóc vào nước vo gạo 1 – 2 ngày, rồi vớt ra, rửa sạch, ngâm với Phèn chua trong 2 ngày. Khi nhấm không còn thấy tê cay thì vớt ra, rửa sạch, để ráo nước, giã hơi giập, phơi qua, phân loại củ to nhỏ. Tầm nước Gừng, ủ 2 – 3 giờ rồi đem sao cháy cạnh.

Củ Chóc chuột được chế thành vị Nam tinh, còn củ Chóc ri được dùng làm Bán hạ.

3. Thành phần hoá học

Củ Chóc Việt Nam chứa alcaloid và stigmasterol.

4. Tác dụng dược lý

Kết quả nghiên cứu năm 2012 cho thấy rằng chiết xuất củ Chóc sở hữu các hoạt động giảm đau, chống viêm và chống tiêu chảy đáng kể.

Ngoài ra, chưa thấy nghiên cứu nào khác về loài cây này. Các nghiên cứu chủ yếu là về cây Bán hạ bắc Pinellia ternata (Thunb).

Củ Chóc có khá nhiều công dụng
Củ Chóc có khá nhiều công dụng

5. Công dụng và liều dùng

5.1. Công dụng

Củ Chóc được dùng trong y học cổ truyền với tác dụng chống nôn mửa ở phụ nữ có thai, nôn mửa trong trường hợp đau dạ dày mạn tính. Chữa ho có đờm, ho lâu ngày, hen suyễn, đau bụng nôn ói tiêu chảy, đầy trướng do rối loạn tiêu hoá.

Dùng ngoài: lấy củ Chóc tươi giã nát đắp tại chỗ chữa mụn nhọt sưng đau.

5.2. Liều dùng

Mỗi ngày 3 – 10g, phối hợp trong các vị thuốc.

6. Bài thuốc kinh nghiệm

6.1. Chữa ho gió, ho có đờm lâu ngày, nôn mửa

  • Củ Chóc, vỏ Quýt khô, rễ Dâu, mỗi thứ 150g. Cát cánh, Ô mai, lá Chanh, lá Táo, Cam thảo dây, mỗi thứ 100g, đường 200g. Củ Chóc, vỏ Quýt, rễ Dâu, Cát cánh phơi sấy đến khô giòn, tán bột. Ô mai bóc lấy cùi giã nhuyễn. Lá Chanh, lá Táo, Cam thảo dây sắc với 400ml nước còn khoảng 100ml. Đường nấu thành siro. Tất cả trộn đều làm viên 0,5g. Người lớn dùng 15 – 20 viên/ngày. Trẻ em tùy tuổi 5 – 15 viên. Ngậm làm nhiều lần.
  • Hoặc củ Chóc 15g, vỏ Quýt 15g, hạt Cải củ 15g, hạt Cải bẹ 10g. Sắc nước uống.
Đây là vị thuốc chữa ho dai dẳng khá hiệu quả
Đây là vị thuốc chữa ho dai dẳng khá hiệu quả

6.2. Chữa nôn ói, tiêu chảy, bụng đầy trướng

Củ Chóc (chế với Gừng), Quế, mỗi vị có lượng bằng nhau, tán bột uống với nước sắc lá Lấu và Xương bồ.

Hoặc Bán hạ chế 10g, Can khương 5g, Hoàng cầm 10g, Hoàng liên 3g, Đảng sâm 10g, Chích thảo 3g, Đại táo 3 quả sắc uống.

6.3. Trị nôn thai nghén

Dùng bột Sơn dược uống và Thanh bán hạ mỗi thứ 30g, dùng lửa nhỏ (văn hỏa). Sắc Bán hạ 45 phút, bỏ xác cho bột Sơn dược vào đun sôi 3 – 4 lần rồi cho đường đủ ngọt. Ngày uống 1 thang, sau đó tùy tình trạng mà điều chỉnh lượng thuốc.

Tóm lại, củ Chóc hay Bán hạ nam là vị thuốc cầm nôn, dùng chữa nôn nghén ở phụ nữ mang thai, nôn mửa do đau dạ dày mãn tính. Nó còn được dùng trong bệnh ho lâu ngày, ho có đờm, rối loạn tiêu hoá, nôn ói, tiêu chảy, đầy bụng. 

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*