Củ đậu: Loại củ giải khát và làm thuốc

 Các bộ phận của Củ đậu

Củ đậu là một thứ thực phẩm đã quá quen thuộc trong đời sống hàng ngày của nhân dân ta. Người ta có thể dễ dàng mua chúng từ bất kỳ một sạp rau hay trái cây nào. Thứ củ bình dân mà xuất hiện trong các món ăn lại ngon ngọt lạ lùng. Và tất nhiên, với một số trường hợp bệnh tật, nó lại mang vai trò là một vị thuốc từ thiên nhiên. 

1. Mô tả đặc điểm thực vật

Củ đậu có tên khoa học Pachyrhizus erosus (L) urb, thuộc họ Đậu (Fabaceae). Nó còn có tên thường gọi khác là củ sắn. Nhưng cần chú ý phân biệt với củ Khoai mì, cũng có tên gọi khác là sắn. Hai loại cây này hoàn toàn khác nhau.

Củ đậu là loại cây leo, nếu làm giàn cây có thể dài tới 4 – 5m. Lá loại lá kép gồm 3 chét hình tam giác mỏng, trải rộng. Hoa màu tím nhạt, khá lớn, mọc thành chùm hoa kép từ nách lá. Hoa không nở đồng đều trên trục hoa mà nở từ dưới lên trên. Có khi lại nở từ giữa trước rồi phát triển về 2 phía đều nhau. Mùa hoa thường vào tháng 4 – 5.

Quả cây củ đậu được hình thành từ bầu nhụy sau khi thụ tinh và lớn lên thành quả. Bầu nhụy cái trên hoa cây củ đậu sau khi thụ tinh vươn dài ra. Vòi nhụy héo và teo dần đi nhường lại cho bầu nhụy phát triển thành quả. Nhưng không phải hoa nào sau khi thụ tinh cũng đều phát triển thành quả. Quả không có cuống, dài 12 cm, được ngăn vách nhiều rãnh ngang, thường chứa từ 4-9 hạt.

 Các bộ phận của Củ đậu
Các bộ phận của Củ đậu

Rễ chính của cây phình to lên thành củ mà chúng ta thường hay ăn.  Rễ này được tích luỹ dinh dưỡng từ lá đưa xuống các nhu mô mềm dự trữ làm cho rễ củ đậu lớn nhanh về chiều ngang mà thành củ đậu. Củ của cây củ đậu thuộc dạng củ trần có lớp vỏ rất mỏng ở ngoài và lớp xơ – cellulose bao xung quanh phần thịt củ trắng chứa đường tinh bột và nước bên trong.

2. Phân bố

Củ đậu được cho rằng có nguồn gốc từ Mexico và Trung Mỹ, cũng có tài liệu củ đậu được thấy lần đầu tiên ở Brazil. Sau đó du nhập vào Đông Nam Á và các tỉnh phía nam Trung Quốc. Ngày nay, cây củ đậu được trồng phổ biến ở khắp các vùng nhiệt đới cũng như ôn đới ấm áp và phát triển mạnh ở các vùng có biên độ nhiệt độ và ánh sáng thay đổi.

Tại Việt Nam, củ đậu được trồng rộng khắp từ các tỉnh miền núi phía bắc đến các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Nhưng tập trung chủ yếu ở vùng trung du Bắc bộ và Bắc Trung bộ. Phân bố rộng lớn ở các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, Quảng Ninh, Hòa Bình, Sơn La, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Bình. Người ta trồng lấy củ để ăn, làm thuốc và lấy hạt để làm thuốc trừ rệp trên một số loại cây rau, cây bông và cây thuốc lá.

3. Bộ phận dùng

Củ của cây chính là bộ phận được dùng. Củ tươi sau khi thu hái về đem giũ sạch đất cát, cất ở nơi khô ráo. Nhiệt độ tốt nhất để cất giữ ở khoảng 12°C tới 16°C, thấp hơn sẽ làm hư củ. Củ đậu tươi nếu được cất giữ ở nhiệt độ thích hợp có thể để lâu một hoặc hai tháng.

 Phần rễ phình thành củ chính là bộ phận thường được dùng làm món ăn - vị thuốc
Phần rễ phình thành củ chính là bộ phận thường được dùng làm món ăn – vị thuốc

4. Thành phần hóa học trong Củ đậu

Củ tươi có 90% nước, 2,4% tinh bột, 4,5% ose (biểu thị bằng glucose), 1,46% protein, 0,39% chất vô cơ, các men peroxydase, amylase và phosphatase.

Hạt củ đậu chứa lipid, protein, tinh bột, đường, tephrosin, các chất pachyrhizin, pachyrhizon, và pachyrhizomen. Ngoài ra còn có rotenon. Tỉ lệ rotenon khoảng 0,56-1%. Trong lá cũng có các chất như trong hạt nhưng hàm lượng ít. Rotenon là một chất độc, có thể diệt côn trùng và thuốc cá, diệt rệp rau và rệp thuốc lá. Do đó tuyệt đối không được ăn hạt và lá của cây củ đậu.

5. Tác dụng dược lý

Một số nghiên cứu về Củ đậu cho thấy:

Củ đậu có tiềm năng điều trị loãng xương: Nghiên cứu trên chuột cho thấy chiết xuất etyl acetate của rễ củ đậu giúp tăng mật độ xương, làm mạnh xương và giảm nguy cơ gãy xương. Hợp chất phytoestrogen được xem là liệu pháp thay thế tiềm năng trong điều trị loãng xương ở phụ nữ sau mãn kinh. (theo “Tạp chí quốc tế về tế bào thực vật “)

Tiềm năng giảm đường huyết: Chiết xuất từ củ đậu có thể giảm mức đường huyết sau khi ăn ở chuột thí nghiệm thông qua cơ chế ức chế α – glucosidase. (Theo “Tạp chí khoa học thực phẩm và dinh dưỡng dự phòng”).

6. Công dụng của Củ đậu

Củ đậu vị ngọt nhạt, tính mát. Nếu ăn sống thì giúp giải khát, nấu chín lên thì bổ ích tràng vị.

Ngoài công dụng chính là giải khát, củ đậu tươi thái lát đem xoa hoặc ép nước bôi mặt giúp cấp nước cho da mặt, làm sáng mịn da, khỏi nứt nẻ.

Củ đậu khô tán bột dùng làm phấn bôi mặt, xoa hết rôm sảy.

Hạt và lá của nó giã nhỏ nấu với dầu mè để nguội bôi giúp chữa ghẻ. Có thể phối hợp với quả Bồ hòn và hạt máu chó. Nhưng lưu ý hạt và lá chỉ dùng chữa bệnh ngoài da, tuyệt đối không được ăn.

Củ đậu đã quá thân quen trong đời sống hàng ngày. Nó cũng rất dễ sử dụng. Tuy nhiên cần lưu ý không ăn quá nhiều củ đậu, đặc biệt không nên giảm cân bằng cách chỉ ăn Củ đậu. Vì nó làm cho mau no, nhưng không cung cấp đủ các dưỡng chất cần thiết. Điều đó sẽ làm cho cơ thể mệt mỏi, uể oải, không đủ năng lượng để hoạt động.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*