Dầu đậu nành: dầu thực vật thân thiện cho sức khỏe

Đậu nành là nguyên liệu thực phẩm quen thuộc.

Ngày nay, dầu đậu nành là loại dầu thực vật phổ biến và quen thuộc trong phương pháp chế biến thực phẩm hằng ngày. Chúng được nhiều gia đình lựa chọn nhờ những lợi ích đa dạng cho sức khỏe con người. Có thể kể đến như lợi tim mạch, chống oxy hóa, cung cấp acid béo thiết yếu có lợi… 

Tổng quan về đậu nành

  •       Tên gọi khác: đậu tương, đỗ tương, hoàng đậu miêu…;
  •       Tên khoa học: Glycine max;
  •       Thuộc họ: Đậu (Fabaceae);

Theo sách “Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam”, hầu hết đậu nành trồng ở nước ta hay các nước ở Đông Á, Nam Á… đều có nguồn gốc từ Đông Bắc Á, mà nổi tiếng là Trung Quốc. Nhờ sự phát triển của ngành nông nghiệp, ngày nay, loài thực vật này trở nên phổ biến rộng khắp. Chúng xuất hiện từ vùng ôn đới ấm đến vùng nhiệt đới ở cả Nam và Bắc bán cầu.

Các sản phẩm từ đậu nành luôn nhận được yêu thích và ưa chuộng của đông đảo người tiêu dùng. Chúng xuất hiện như là nguyên liệu thực phẩm quan trọng trong những chế độ ăn uống khác nhau. Chẳng hạn như: bột đậu nành, protein đậu nành, đậu phụ, sữa đậu nành, nước tương, dầu đậu nành…

Đậu nành là nguyên liệu thực phẩm quen thuộc.
Đậu nành là nguyên liệu thực phẩm quen thuộc.

Đôi nét về dầu đậu nành

Thông tin chung

Dầu đậu nành được chiết xuất từ hạt của cây đậu nành, có hương vị nhẹ nhàng, dễ chịu. Cho đến nay, dầu đậu nành nhận được nhiều đánh giá tích cực về những lợi ích mà chúng đem đến cho sức khỏe con người. Điều này cũng góp phần khiến chúng trở thành một trong những loại dầu ăn phổ biến hiện có.

Điểm bốc khói là nhiệt độ mà tại đó chất béo sẽ bắt đầu bị oxy hóa và phân hủy. Điều này có thể dẫn đến việc hình thành các hợp chất có hại đến cơ thể con người. Theo đó, dầu đậu nành có điểm bốc khỏi tương đối cao khoảng 450oF (230oC)… cao hơn dầu hạt cải và dầu ô liu nguyên chất chưa qua tinh chế. Như vậy, dầu thực vật này là một lựa chọn tốt cho các phương pháp nấu ăn ở nhiệt độ cao như rang, nướng, chiên, áp chảo,…

Thành phần hóa học

Theo cơ sở dữ liệu dinh dưỡng quốc gia Hoa Kỳ (USDA), 100g dầu đậu nành chứa:

  • Năng lượng: 884 kcal;
  • Chất béo: chủ yếu gồm các acid béo không bão hòa đa, lượng omega-6 chiếm tỷ lệ lớn hơn omega-3;
  • Không chứa carbohydrate, protein, cholesterol, chất xơ;
  •  Vitamin E (8.18g), vitamin K (183.9 μg), phytosterols (172mg), Zinc (0.01mg)…

Bảo quản

  •   Dầu đậu nành nên được cất trữ ở nơi thông thoáng, tránh ánh sáng trực tiếp từ mặt trời.
  •   Nên loại bỏ nếu sản phẩm có hiện tượng biến chất, mùi lạ, ôi thiu trong quá trình sử dụng.

Dầu đậu nành mang lại lợi ích gì đối với sức khỏe

Chứa axit béo nhóm omega

Dầu đậu nành chứa một lượng acid béo omega-3 và omega-6 trong mỗi khẩu phần ăn. Trong đó, các ưu điểm của các acid béo thiết yếu này không thể phủ nhận:

  • Là thành phần quan trọng của màng tế bào, vỏ bọc myelin của tế bào thần kinh… Do đó, chúng mang đến nhiều lợi ích cho sức khỏe chúng ta. Chẳng hạn như sức khỏe tim mạch5, sự phát triển của thai nhi, chức năng não, khả năng miễn dịch…
  • Tăng lượng acid béo omega-3 của bạn cũng có thể giúp giảm quá trình viêm. Điều này được cho là có liên quan đến sự phát triển của các bệnh mãn tính như bệnh tim mạch, ung thư và tiểu đường.
Dầu đậu nành cung cấp acid béo thiết yếu như omega-3, omega-6… có lợi sức khỏe tim mạch, hệ thần kinh…

Chống oxy hóa

Dầu đậu nành là nguồn cung cấp các chất chống oxy hóa được đánh giá cao. Trong đó nổi bật là vitamin E – một chất chống oxy hóa hòa tan mạnh mẽ trong lipid. Đây là chất cần thiết để duy trì tính toàn vẹn của màng tế bào niêm mạc và da bằng cách bảo vệ khỏi các gốc oxy tự do có hại. Hơn thế, chúng còn có thể làm giảm các dấu hiệu của stress oxy hóa và cải thiện khả năng hệ miễn dịch trước tác động của các gốc tự do gây hại và nguy cơ bệnh lý tiềm ẩn.

Giàu chất béo có lợi cho tim

Theo báo cáo, dầu đậu nành có các acid béo không bão hòa đa chiếm chủ yếu. Đây là một loại chất béo có lợi cho sức khỏe đặc biệt là các vấn đề của tim mạch.

  • Một kết luận lớn của 8 nghiên cứu khoa học cho thấy rằng, khi các tình nguyện viện thay thế 5% tổng lượng calo hàng ngày của họ từ chất béo bão hòa thành loại không bão hòa đa, nguy cơ mắc bệnh tim sẽ giảm 10%.
  • Ngoài ra, chất béo không bão hòa đa cũng có thể làm giảm mức cholesterol LDL (xấu). Đây cũng là một trong những yếu tố nguy cơ chính của bệnh tim mạch.

Có thể hỗ trợ sức khỏe của xương

Các tác động ích lợi đối với sức khỏe xương khớp của dầu đậu nành như:

  • Trong thực tế, chỉ với 1 muỗng canh (15 ml) dầu đậu nành có thể chứa 25 μg vitamin K. Đây là loại vitamin đóng góp vai trò quan trọng trong quá trình đông máu. Ngoài ra, vitamin K còn có tác dụng trong sự điều chỉnh trao đổi chất của xương. Theo đó, các nghiên cứu nhận xét rằng, vitamin K cần thiết cho sự tổng hợp của protein quan trọng để duy trì khối lượng xương, chẳng hạn như osteocalcin.
  • Bên cạnh đó, chế độ ăn giàu chất béo không bão hòa đa cũng giúp bảo vệ và hạn chế sự mất xương do tuổi tác.

Tuy nhiên, cần có thêm các nghiên cứu lớn, chất lượng cao để đánh giá tác động của dầu đậu nành đối với sức khỏe xương ở người.

Tăng cường sức khỏe làn da

Chiết xuất từ dầu đậu nành thường có thể được tìm thấy trong danh sách thành phần của sản phẩm chăm sóc da, cơ thể như serum, gel và kem dưỡng da. Điều này được giải thích là do:

  • Các nghiên cứu ghi nhận, chúng có thể giúp tăng cường hàng rào tự nhiên của da và dưỡng ẩm;
  • Vitamin E trong dầu đậu nành còn giúp hạn chế tình trạng tổn thương da. Ví dụ, tổn thương do bức xạ của tia cực tím, viêm da dị ứng, mụn trứng cá…

Dù vậy, nghiên cứu hiện còn hạn chế và cần đa dạng nghiên cứu lâm sàng hơn nữa để tìm hiểu thêm về lợi ích tiềm năng này.

Cách dùng dầu đậu nành hiệu quả

Tùy mục đích sử dụng mà bạn hoàn toàn có thể dùng dầu đậu nành theo các cách thức sau:

  • Có thể linh hoạt sử dụng dầu trong đa dạng các phương pháp nấu ăn khác nhau. Bao gồm xào, nướng, chiên, trộn salad… Nhằm nâng cao hiệu quả bổ sung acid béo omega-3, các chuyên gia khuyến nghị nên sử dụng dầu đậu nành với một số thực phẩm như: cá hồi, hạt lanh, quả óc chó…
  • Ngoài ra, một số người còn dùng chúng như loại dầu vận chuyển để pha loãng tinh dầu khác trước khi thoa lên da, tóc…
Dầu đậu nành có thể được sử dụng an toàn trong chế biến thực phẩm như chiên, xào, trộn salad...
Dầu đậu nành được sử dụng an toàn trong chế biến thực phẩm như chiên, xào, trộn salad…

Sử dụng dầu đậu nành cần lưu ý điều gì?

Mặc dù dầu đậu nành có liên quan đến một số lợi ích sức khỏe, nhưng việc lạm dụng thường xuyên có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tổng thể. Do đó, hãy sử dụng chúng một cách cân đối theo từng khẩu phần ăn. Ngoài ra, nên đa dạng thực phẩm, không nên chỉ chọn dầu đậu nành làm nguồn chất béo duy nhất.

Dầu đậu nành được cho là an toàn đối với hầu hết các đối tượng, kể cả phụ nữ mang thai và cho con bú. Thế nhưng, trường hợp từng có tiền sử dị ứng với các thực vật thuộc họ Đậu, hay các chế phẩm từ đậu nành thì có khả năng bị kích ứng với dầu đậu nành.14

Dù có điểm bốc khói cao, nhưng tốt nhất không nên dùng dầu đã qua chế biến nhiều lần hay để qua đêm.

Quả thực, lợi ích mà dầu đậu nành mang đến cho sức khỏe con người là không thể phủ nhận. Hi vọng trong tương lai sẽ có đa dạng nghiên cứu và phát hiện khoa học mới nhằm khai thác và phát huy tiềm năng giá trị của loại dầu thực vật này, ứng dụng rộng rãi trong cuộc sống.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*