Hoa bách hợp: Vị thuốc an thần, bổ phổi từ một loài hoa kiêu sa

 Hoa Bách hợp có rất nhiều loại

Bách hợp là một loài hoa dáng hình lộng lẫy, kiêu sa và mùi hương thơm dễ chịu, thanh tao. Bách hợp mang trên mình ý nghĩa tượng trưng cho vẻ đẹp thuần khiết, sự hòa thuận tốt lành. Nhưng không chỉ có vậy, chúng còn là một vị thuốc giúp an thần, bổ tim phổi, chữa ho. 

1. Mô tả về hoa bách hợp

Hoa bách hợp thuộc chi Lilium, họ Hành tỏi (Liliaceae). Nó còn có những tên khác như: Huệ tây, Loa kèn, Lily, Tỏi rừng,… Cây hoa là dạng cây thân thảo thấp, chiều cao trung bình chỉ khoảng 60 – 90 cm. Trục thân do mầm dinh dưỡng co ngắn lại tạo thành. Cây sống lâu năm. Thân cây hoa bách hợp thường có màu trắng đục có khi phớt hồng và thường rất dễ gãy.

Lá bách hợp có chiều rộng từ 1,8 – 2,8 cm, chiều dài 9 – 12 cm. Lá mềm, bóng có màu xanh nhạt. Phiến lá thẳng, đầu lá hơi nhọn, không có cuống hoặc cuống ngắn. Số lượng lá khá nhiều, khoảng từ 50 – 150 lá.

Quả loa kèn thuộc loại quả nẻ, hình tròn dài. Chiều dài 8 – 10 cm, đường kính hạt 15 – 22 mm. Mỗi quả có 3 ngăn, hạt dẹt tròn xung quanh, có khoảng trên 600 hạt. Trong điều kiện khô lạnh, hạt có thể giữ được 3 năm.

Củ bách hợp ở gần thân rễ. Chu vi củ từ 3 – 6 cm, số lượng 1 – 3 củ trên 1 cây. Đây là phần để lấy ra vảy làm thành vị thuốc Bách hợp hay sử dụng.

Hoa Bách hợp thường mọc hơi nghiêng, tạo thành 3 góc so với mặt phẳng nằm ngang khoảng 45 – 60o. Hoa có hình như loa kèn. Cánh hoa có nhiều màu trắng, hồng, vàng, cam, hoặc loại có đốm tía mặt trong gọi là Tiger Lily.

Mỗi màu hoa như vậy lại mang một ý nghĩa riêng. Chiều rộng cánh hoa từ 5 –7 cm, dài từ 14 – 18 cm, đường kính hoa từ 10 – 12 cm, cánh hoa hơi cong. Bao hoa 6 mảnh dạng cánh có 6 nhị. Bao phấn vàng dài, bầu hoa hình trụ, đầu nhụy chia 3 thùy. Vòi hoa ngắn hơn trục. Trục hoa nhỏ đầu phình to có 3 khía tử phòng ở trên. Hoa có hương thơm đậm đà, hoa cắt có độ bền khoảng 6-10 ngày.

 Hoa Bách hợp có rất nhiều loại
Hoa Bách hợp có rất nhiều loại

2. Phân bố

Hoa Bách hợp ưa nhiệt độ lạnh, khắc nghiệt, ít nắng. Ở điều kiện khí hậu này, cây phát triển cao lớn hơn.

Bách hợp có nguồn gốc từ Nhật Bản, châu Âu. Từ xưa biểu tượng Fleur-de-lis cách điệu từ bông hoa Bách hợp đã thể hiện cho sự xa hoa hào nhoáng của hoàng cung. Hiện nay hoa được phổ biến hầu hết trên thế giới và có giá trị thương mại cao. Cây phát triển tự nhiên tốt ở Đông Nam Á, Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan,… nói chung là các nước có mùa đông rất lạnh.

Tại Việt Nam, cây được trồng lần đầu tiên ở Đà Lạt vào năm 1945. Sau này cây cũng được trồng làm thuốc hoặc mọc hoang ở các vùng núi cao 1300 – 2000 m, lạnh nhiều như Sapa (Lào Cai), Mù Cang Chải (Yên Bái), Xìn Hồ, Phong Thổ (Lai Châu), Quản Bạ, Đồng Văn (Hà Giang), Đèo Gió (Cao Bằng).

3. Bộ phận dùng, thu hái, chế biến

Vảy của củ (thân hành) là phần chính để làm thuốc. Nhưng bản thân hoa của nó cũng có công dụng của mình. Và bài viết ngày hôm nay, chúng ta sẽ để hoa làm nhân vật chính nhé!

Hiện nay, với công nghệ phát triển, hầu như cả năm lúc nào cũng có thể thấy được hoa Bách hợp. Nhưng nếu dùng để làm thuốc, vẫn là nên thu hái theo đúng mùa của nó. Mùa hoa Bách hợp tầm tháng 4 – 5, là tháng giao giữa mùa xuân và hạ. Và nếu có thể dùng những bông hoa Bách hợp dại sẽ tốt hơn hoa được trồng.

Hoa Bách hợp hái về có thể dùng tươi cắm vào bình, vì bản thân mùi hương của nó cũng đã có công dụng an thần, giúp thư thái tâm hồn rồi. Hoặc dùng hoa tươi làm nên những món ăn tốt cho sức khỏe. Bên cạnh đó, còn có trà hoa Bách hợp, hay chiết xuất các loại tinh dầu, nước hoa cũng thật là những món có lợi cho chúng ta.

 Tháng 4 - mùa hoa Bách hợp
Tháng 4 – mùa hoa Bách hợp

4. Thành phần hóa học

Trong Bách hợp chứa: 30% là tinh bột 4% protit, 0,1% chất béo và vitamin C còn lại là chất xơ.

Ngoài ra nó còn có các hoạt chất 1-0-feruloyl-3-0-p-coumaroyl-glycerol, Adenosin, Methyl-a-D manopyranosid, Regalosid A,D, Tenuifolfosid A,B,   Acid 2,3-dihydroxy-3-0-p-coumaryl-1-2  propanedicarboxylic, Lilinosid  A,B,  Regalosid D,E,F.

5. Công dụng của Hoa bách hợp

Hoa Bách hợp có vị ngọt hơi đắng, trung tính, hợp với kinh mạch tim, phổi. Nó giúp:

  • Bổ phổi, trị ho
  • Dưỡng tâm an thần
  • Đặc trị lao phổi
  • Chữa ho lâu ngày, ho ra đờm, máu
  • Chữa sốt
  • Trị yếu bóng vía, tâm trí hoảng loạn
  • Trị phù chân
  Trà hoa Bách hợp giúp an thần, chữa ho
Trà hoa Bách hợp giúp an thần, chữa ho

6. Một số món ăn – bài thuốc từ món hoa Bách hợp

6.1. Bài thuốc chữa mất ngủ

Bài 1: Lấy 3 bông hoa bách hợp sạch đun với 600 ml nước đến khi cạn còn 400 ml. Có thể cho thêm mật ong. Người già, phụ nữ, trẻ em bị tức ngực khó thở, hoa mày chóng mặt, mệt mỏi, bực bội, bất an, không ngon giấc đều có thể uống.

Bài 2: Lấy 20 gr hoa bách hợp và 500 ml rượu vàng sắc cách thủy, uống ấm 1 lần vào buổi tối. Bài này uống khi mất ngủ kèm cảm giác nóng bàn tay chân, ngực bụng bồn chồn rạo rực không yên, táo bón, đổ mồ hôi trộm,…

6.2. Món canh hoa bách hợp – cá diếc

25 g hoa bách hợp tươi, 2 con cá diếc khoảng 500 g, dầu thực vật, gừng tươi, rượu vàng, gia vị vừa đủ.

Cách làm: Hoa bách hợp tỉa lấy cánh rửa sạch. Cá diếc làm sạch, bỏ nội tạng. Cho dầu thực vật vào chảo đun nóng già, cho cá diếc vào chiên sơ qua. Sau đó chế nước vừa đủ, thêm hoa và gia vị vào. Đun nhỏ lửa đến khi chín, ăn nóng.

7. Kiêng kỵ

  • Cần lưu ý, với những vị thuốc từ Bách hợp, những người mới bị ho không được dùng ngay.
  • Người bị phong hàn, ho đờm, trúng gió cũng không được dùng.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*