Hoàng nàn: Thảo dược giảm đau quý nhưng có độc

Hoàng nàn là một cây thuốc quý

Có lẽ ít ai biết rằng, Hoàng nàn là một vị thuốc giúp giảm đau, sát trùng rất hiệu quả. Tuy nhiên, thảo dược còn xa lạ này có tính độc rất mạnh, cần bào chế và sử dụng đúng cách để không gây hại cho sức khỏe. 

1. Giới thiệu về Hoàng nàn

  • Tên thường gọi: Hoàng nàn, Vỏ dãn, Vỏ doãn, Mã tiền quế..
  • Tên khoa học: Cotex Strychni wallichianae.
  • Họ khoa học: thuộc họ Mã tiền (Loganiaceae).
  • Vị thuốc là thân, vỏ của cây Hoàng nàn.

1.1. Đặc điểm sinh trưởng và thu hái

Cây mọc hoang, có khả năng phát triển tốt ở cả những vùng núi có đá sỏi lẫn núi đất trong các rừng rậm và rừng phục hồi thuộc các tỉnh Tuyên Quang, Vĩnh Phú, Sơn La, Hoà Bình… Thu hái vỏ thân, cành quanh năm, phơi hoặc sấy khô. Khi dùng phải chế để khử bớt độc.

Ngoài Việt Nam, Trung Quốc cũng là đất nước cây Hoàng nàn phát triển.

Mùa hoa tháng 6 – 8, quả tháng 9 – 11.

Hoàng nàn là một cây thuốc quý
Hoàng nàn là một cây thuốc quý

1.2. Mô tả toàn cây

Hoàng nàn là một loại thảo dược mọc leo, cành gầy, nhẵn, có những móc mọc đối ở đầu những cành non. Thân có vỏ xám với những đám màu vàng đỏ. Cây có thể mọc đơn độc hoặc phân cành mảnh. Bề mặt thân nhẵn. 

Lá mọc đối, nhẵn, dai, hơi bầu dục, phía cuống nhọn hay hơi tròn, đầu tù hay nhọn, dài 6 – 12cm, rộng 3 – 6cm, cuống ngắn. Có 3 gân nổi rõ ở mặt dưới, có hình dạng thay đổi.

Hoa không cuống, mọc thành chùy, phủ lông màu hung nâu.

Quả hình cầu, đường kính 4 – 5cm, vỏ ngoài cứng, dày 4mm, trong chứa nhiều hạt hình khuy áo, đường kính 22mm hay hơn, dày 18mm, có lông mượt vàng ánh bạc.

1.3. Bộ phận làm thuốc 

Vỏ thân và cành cây Hoàng nàn được thu hái quanh năm. Các bộ phận này được đem phơi nắng hoặc sấy ở nhiệt độ vừa cho đến khi khô.

Vị thuốc là mảnh vỏ to nhỏ không đều nhau, cuộn tròn hay cong lòng máng. Chúng có kích thước không đều nhau, trung bình khoảng 5 – 12cm (chiều dài) x 2 – 4cm (chiều ngang), dày khoảng 0,1 – 0,2cm. Mặt ngoài dược liệu có nhiều nốt sần sùi màu nâu hay đỏ nâu, bên trong màu đen. Vỏ giòn, dễ bẻ gãy, vết bẻ không phẳng, vị rất đắng.

1.4. Cách bào chế

Hoàng nàn là vị thuốc có độc tính mạnh, do đó cần phải chế biến trước khi dùng nhằm giảm độc tính của thuốc do strychnin gây ra.

Phương pháp chế biến Hoàng nàn (theo Dược điển Việt Nam):

  • Chế biến sơ bộ: Sau khi thu hoạch vỏ cây, vỏ cành to, phơi khô hay sấy nhẹ tới khô.
  • Ngâm vị thuốc trong nước 12 – 24 giờ, cạo bỏ vỏ ngoài. Ngâm tiếp trong nước vo gạo 3 ngày đêm, mỗi ngày thay nước một lần, vớt ra, rửa sạch.
  • Phơi hay sấy nhẹ đến khi khô.
  • Tẩm với dầu lạc hoặc dầu vừng rồi sao qua hoặc sao vàng, tán thành bột mịn.
  • Tiêu chuẩn thành phẩm: vị đắng rõ rệt, màu vàng đậm.
Dược liệu có độc tính cao, tuy nhiên sau khi chế biến thì độc tính giảm rõ rệt
Dược liệu có độc tính cao, tuy nhiên sau khi chế biến thì độc tính giảm rõ rệt

1.5. Bảo quản

Bảo quản thảo dược theo quy chế thuốc độc: Hoàng nàn sống độc Bảng A, Hoàng nàn chế độc bảng B. Nghĩa là dươc liệu có thể gây nguy hiểm trực tiếp đến sức khỏe cũng như tính mạng người sử dụng.

Hoàng nàn dạng thô hay đã tán nhuyễn thành bột đều cần được bảo quản ở nơi khô ráo để không bị ẩm mốc. Chú ý tránh xa tầm tay với của trẻ em và thú nuôi trong nhà. Tích trữ bột thuốc trong một cái hũ sạch có nắp đậy kín hoặc đóng gói để dùng chữa bệnh.

2. Thành phần hóa học

Trước khi chế biến, vỏ thân Hoàng nàn chứa:

  • 6,28% alcaloid.
  • 2,34% – 2,93% strychnin.
  • 2,8% brucin.

Sau khi chế biến, hàm lượng alcaloid giảm xuống còn 2,73%.

3. Công dụng

3.1. Y học hiện đại

Do trong dược liệu chứa strychnin nên ở liều rất thấp, Hoàng nàn có tác dụng kích thích thần kinh trung ương và ngoại vi nhưng dễ gây ra co giật, nôn mửa, sợ ánh sáng.

Strychnin: tác dụng chọn lọc và đối kháng cạnh tranh với glycin trên receptor glycin ở tuỷ sống.
  • Kích thích phản xạ tuỷ, tăng dẫn truyền thần kinh cơ, tăng dinh dưỡng và hoạt động cơ. Thường dùng điều trị các trường hợp đau thần kinh ngoại biên, đau khớp cơ, tê liệt, suy nhược, đái dầm, liệt dương. 
  • Gây kích thích tiêu hoá, tăng tiết dịch vị, tăng nhu động ruột, giúp ăn ngon, dễ tiêu. 
  • Làm tăng nhạy cảm của các cơ quan cảm giác: do kích thích vào trung tâm nghe, nhìn, ngửi.
  • Liều cao, kích thích mạnh tuỷ sống làm tăng phản xạ và gây cơn co giật giống như co giật uốn ván.

3.2. Y học cổ truyền

Vị đắng, tính lạnh nhưng mãnh liệt, rất độc.

Quy kinh Can, Tỳ.

Công dụng: trừ phong hàn, thông kinh lạc, giảm đau.

3.3. Cách dùng và liều dùng

Hoàng nàn chế có thể dùng trong, tuy nhiên chỉ được dùng với liều lượng cho phép. Bột Hoàng nàn chế chỉ dùng dưới dạng thuốc viên phối hợp với các vị thuốc khác. Không được dùng thảo dược này dưới dạng thuốc sắc hay bột. Hoàng nàn sống chỉ dùng ngoài.

Những trường hợp dùng Hoàng nàn có hiệu quả: đau thần kinh ngoại biên, đau khớp cơ, tê liệt, suy nhược, đái dầm, liệt dương, ngứa, ăn kém ngon, vết loét, mụn ghẻ…

Vì thảo dược có độc (alcaloid và strychnin), do đó khi dùng cần thận trọng:

  • Mỗi lần dùng 0,1g. Liều tối đa trong ngày không được vượt quá 0,4g.
  • Phụ nữ có thai không dùng.
Hoàng nàn chế dùng trong đau thần kinh ngoại biên, đau cơ, đau khớp xương
Hoàng nàn chế dùng trong đau thần kinh ngoại biên, đau cơ, đau khớp xương

4. Một số bài thuốc kinh nghiệm

4.1. Chữa mụn ghẻ, vết loét

Dùng ngoài tán bột ngâm rượu, dùng với lá Trầu không bôi các vết loét, mụn ghẻ.

4.2. Chữa tê thấp, nhức xương

  • Chuẩn bị 600g Hoàng nàn, 20g Thảo quả, Hương phụ tử chế 160g, Đại hồi 20g.
  • Đại hồi bỏ hạt, Thảo quả bỏ vỏ lấy hạt.
  • Tất cả các vị trên tán bột, trộn đều với nhau.
  • Sau ăn nửa giờ, uống 2 – 3 g thuốc này, chiêu bằng nước hoặc bằng rượu.

Bài thuốc có hàm lượng alcaloid mỗi lần uống 100mg, cần thận trọng khi sử dụng, chỉ nên mang tính tham khảo (Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam – Đỗ Tất Lợi).

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*