Nam sâm (ngũ gia bì chân chim): Vị thuốc của núi rừng

Cụm hoa màu trắng

Nam sâm hay còn có tên gọi khác là Ngũ gia bì chân chim, là một loại cây đặc hữu của núi rừng Đông Dương. Từ lâu trong dân gian, loài cây này đã được biết đến như một vị thuốc có tác dụng trị cảm sốt, trị đau nhức xương khớp, hay còn trị cả ngứa lở ngoài da.

1. Mô tả

Nam sâm còn có tên gọi khác là Ngũ gia bì chân chim, Cây chân chim, Cây lằng. Tên khoa học là Schefflera octophylla (Lour.) Harms, thuộc họ Ngũ gia bì (Araliaceae).

1.1. Cây Nam sâm

Cây nhỡ hay cây to cao tới 15m, có ruột xốp. Lá mọc so le, kép chân vịt, thường có 8 lá chét, mép nguyên, dài 7 – 17cm, rộng 3 – 6cm.

Hoa nhỏ màu trắng, tụ hợp thành chùm tán ở đầu cành. Trên cuống phụ của cụm hoa, đôi khi có những bông hoa đứng riêng lẻ. Hoa mẫu 5, bầu dưới. 

Cụm hoa màu trắng
Hoa của cây

Quả mọng hình cầu, đường kính 3 – 4mm, khi chín màu tím đen, chứa 6 – 8 hạt. Toàn cây có mùi thơm đặc biệt. Ra hoa tháng 9 – 10.

Quả chín của cây Nam sâm
Quả chín của cây Nam sâm

Cây Nam sâm là loài đặc hữu của Đông Dương, mọc hoang, thường gặp ở ven rừng, chân núi, sườn đồi.

1.2. Bộ phận dùng

Cây Nam sâm dùng được vỏ thân, vỏ rễ, rễ và lá để làm thuốc. Nam sâm có vị đắng, tính mát.

2. Thu hái và bào chế

Thu hái vỏ thân, vỏ rễ vào mùa xuân, mùa thu. Cạo sạch lớp vỏ bần bên ngoài, phơi hay sắy khô.

Lá thu hái quanh năm, rửa sạch, thái nhỏ, phơi khô.

3. Thành phần hoá học

Vỏ thân có khoảng 0,9 – 1% tinh dầu.

Axit asiatic, asiaticoside và glycoside triterpene đã được phân lập từ lá và vỏ của cây Nam sâm.

4. Tác dụng dược lý

Một nghiên cứu được công bố năm 2015 đã chứng minh các hoạt động chống ung thư, chống viêm và chống viêm khớp dạng thấp của Nam sâm. Triterpenoids thu được từ phân đoạn CHCl3 của Nam sâm có thể chịu trách nhiệm cho các hoạt động đó. Những kết quả này có thể chứng minh thực tế rằng Nam sâm được sử dụng theo truyền thống để chữa các bệnh viêm và đau.

5. Công dụng và liều dùng

5.1. Công dụng

Theo kinh nghiệm dân gian, dược liệu có thể dùng vỏ thân và rễ chữa:

  • Sổ mũi, cảm cúm phát sốt, đau họng.
  • Phong thấp đau nhức xương, té ngã tụ máu sưng đau, tê liệt hoặc gân xương co quắp.
  • Viêm hạch bạch huyết cấp, viêm tinh hoàn, đàn ông liệt dương, đàn bà ngứa âm hộ. 
  • Phù thũng.
  • Giải độc lá Ngón hay say Sắn.
Dược liệu có thể trị sổ mũi
Dược liệu có thể trị sổ mũi

Ngoài ra, lá dùng ngoài trị viêm da dị ứng, eczema, bỏng.

5.2. Liều dùng

Dùng vỏ thân, vỏ rễ 15 – 30g, dạng thuốc sắc. Lá đun sôi lấy nước rửa, tắm.

Phụ nữ có thai không dùng được.

6. Đơn thuốc kinh nghiệm

6.1. Sổ mũi, sốt, đau họng

Rễ Nam sâm 15g, Cúc hoa vàng toàn cây 35g, sắc nước uống.

6.2. Phong thấp đau nhức xương

Vỏ rễ cây Nam sâm 180g ngâm trong 500ml rượu. Hằng ngày uống 2 lần, mỗi lần 15g.

6.3. Giải độc lá Ngón, say Sắn

Vỏ giã nát, sắc nước uống.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*