Trong y học cổ truyền, chứng tiết tả (tiêu chảy) chủ yếu thuộc về tỳ vị và đại tiểu tràng, được chia thành nhiều thể bệnh khác nhau. Tùy từng trường hợp mà lựa chọn món ăn bài thuốc phù hợp.
1. Món ăn, bài thuốc điều trị tiêu chảy
1.1 Thể tỳ vị hư yếu
Biểu hiện: Đại tiện lúc lỏng, lúc són, ăn uống kém, khó tiêu, người mệt mỏi.
Phép trị: kiện tỳ, hóa thấp, chỉ tả.
Dùng bài:
– Cháo cà rốt: Cà rốt 100g, gạo tẻ 200g, gừng, tiêu mắm muối vừa đủ nấu cháo ăn.
– Cháo bao tử heo: Bao tử heo 100g làm sạch, gạo nếp 100g thêm gừng, hành, tiêu gia vị vừa đủ nấu cháo ăn.
Ngoài ra, nên ăn các món khác như: Khoai mài, hạt sen, ý dĩ, đậu ván, đậu đỏ, củ từ, khoai mỡ…; trái cây (na, dâu); gia vị (tiêu, gừng, các loại rau thơm). Uống nước gừng, hoặc vỏ quýt, hoắc hương, nước gạo rang đều có tác dụng hỗ trợ điều trị.
1.2 Thể thận dương hư
Biểu hiện: Thường bị đau bụng, lạnh bụng đi tả gần sáng sớm, chân không ấm.
Phép trị: Ôn thận, kiện tỳ, sáp trường.
Dùng bài:
– Khoai tây nấu súp: Khoai tây 100g, cà rốt 50g, thêm xương heo gia vị gừng mắm muối vừa đủ nấu ăn.
– Chim bồ câu hầm: Thịt chim bồ câu 100g, khiếm thực 50g, ý dĩ 40g, hạt sen 20g, gừng nướng 1 củ, hành, tiêu, rau ngò, gia vị vừa đủ tiềm ăn.
Chim bồ câu: Bổ ngũ tạng, ích khí, lợi tiêu hóa.
Khiếm thực: Bổ tỳ, thận, trừ thấp. Hạt sen kiện tỳ vị.
Gừng nướng, hành, tiêu rau ngò, ôn tỳ, thận cầm tả.
Ngoài ra, nên ăn các món khác như: Hẹ, kiệu, lá lốt, mùi tàu, rau mùi, ngải cứu, sả, nghệ, hành.
1.3 Thể can mộc khắc tỳ thổ
Biểu hiện: Tinh thần căng thẳng ngực sườn đầy tức, ợ hơi, đi tả.
Phép trị: Kiện tỳ, bình can.
Dùng bài:
– Chè hạt sen: Hạt sen 50g, đậu ván ngâm bỏ vỏ 50g, đậu xanh 40g thêm đường, nấu chè ăn…
– Cải canh cá lóc: Cải canh 100g, cá lóc nướng lấy thịt 100g, gừng nướng 12g, thêm hành, tiêu gia vị nấu canh ăn.
Ngoài ra nên ăn các món như: Cà rốt, bắp cải, cải canh, cải cúc, cải xoong, trái cây (ổi chín, măng cụt, na, nho, dâu); uống nước gừng, vối, vỏ quýt.
1.4 Thể tỳ hàn thấp
Biểu hiện: Thường đi tiêu phân loãng, ăn uống đồ sống lạnh bệnh tăng.
Phép trị: Khử hàn, trừ thấp, cầm tả.
Dùng bài:
– Cháo gừng: Can khương, hồ tiêu lượng bằng nhau sao vàng tán nhỏ, ăn cháo muối.
– Cháo gà ngải cứu: Thịt gà 40g, lá ngải cứu 40g, hạt sen, gạo tẻ, hành ngò vừa đủ nấu cháo ăn.
Ngoài ra, nên ăn các món: Cà rốt, gừng, kiệu, lá lốt, rau mùi, kinh giới, tía tô các loại rau thơm, uống nước gừng hoặc quế, sa nhân, trần bì mỗi vị 12g tán nhỏ pha nước uống ẩm.
1.5 Thể thấp thử nhiệt.
Biểu hiện: Đau bụng đi tả, có khi đi tả như xối nước, hậu môn nóng rát.
Phép trị: Thanh nhiệt lợi thấp, cầm tả.
Dùng bài:
– Cháo giá đậu: Giá đậu xanh 100g xay ép lấy nước nấu sôi, cho bột 2 muỗng bột sắn dây, thêm ít đường muối ăn ngày 2 lần.
– Chè đậu ván: Đậu ván ngâm bóc vỏ 100g, bột sắn dây 2 muỗng, cho thêm đường, gừng gia vị nấu chè ăn.
Ngoài ra nên ăn: Lá lốt, rau má, đinh lăng, mã đề, lá mơ, rau răm, tía tô, đậu xanh; uống nước búp ổi, trà búp hoặc nhân trần, hoắc hương, lá vối.
1.6 Thể thương thực
Biểu hiện: Thường đau bụng tiêu chảy sau khi ăn nhiều thịt cá, bụng đầy đi cầu nôn ói xong bụng bớt đau.
Phép trị: Tiêu thực hòa vị trừ thấp.
Dùng bài:
– Cháo hạt mùi: Hạt mùi 200g, nấu lấy nước, cho gạo vào nấu cháo, thêm gừng hành tiêu ăn.
– Canh củ cải: Củ cải 50g, cà rốt 50g, hành củ 50g, vỏ quýt 20g, gia vị mắm muối hầm ăn.
Ngoài ra nên ăn lá mơ, rau răm, tía tô, thì là, húng quế, mùi tàu, quýt, bưởi, các loại rau thơm; uống nước sa nhân, nhục đậu khấu, trần bì mỗi vị 10g tán nhỏ pha nước uống ấm.
2. Phòng bệnh như thế nào?
Biện pháp phòng bệnh chủ yếu là thực hiện ăn chín, uống sôi; đảm bảo vệ sinh môi trường và đảm bảo nguồn nước sạch.
Khi chế biến thực phẩm, thịt gia súc, gia cầm… cần nấu chín kỹ để cho tất cả các mầm bệnh và ký sinh trùng gây bệnh bị tiêu diệt.
Mùa mưa lũ để giảm khả năng nhiễm ký sinh trùng gây bệnh cần sử dụng nước sạch để nấu ăn và tắm rửa…
Để lại một phản hồi