Các huyệt đạo chính trên Kinh Thủ Thái dương Tiểu trường

KINH THỦ THÁI DƯƠNG TIỂU TRƯỜNG

( mỗi bên có 19 huyệt)

A. Đường đi: Từ trong góc trong móng ngón út (phía ngón út) dọc đường nối da gan tay và da mu tay lên cổ tay đi qua mỏm châm xương trụ, dọc bờ phía ngón út xương trụ đến mỏm khuỷu và lồi cầu trong xương cánh tay. Tiếp tục, đi ở bờ trong mặt sau cánh tay lên mặt sau khớp vai đi ngoằn nghèo ở trên và dưới gai xương bả vai gặp kinh Thái dương ở chân ( Phụ phân, Đại trữ) và mạch Đốc (Đại chùy) đi vào hố trên đòn (Khuyết bồn) xuống liên lạc với Tâm, dọc theo thực quản qua cơ hoành đến Vị thuộc về Tiểu trường.

Phân nhánh: Từ Khuyết bồn dọc cổ lên má, đến đuôi mắt rồi vào trong tai.

Từ má vào đến bờ dươí hố mắt, đến hốc mũi, gần mắt để nối với kinh Thái dương Bàng quang ở chân (Tinh minh) rồi xuống gò má.

B. Biểu hiện bệnh lý:

  • Kinh bị bệnh: Điếc, mắt vàng, hàm sưng, họng đau, vai và bờ trong mặt sau cánh tay đau, cổ gáy cứng.
  • Phủ bị bệnh: Bụng dưới đau trướng, đau lan ra thắt lưng, đau dẫn xuống tinh hoàn, ỉa lỏng hoặc đau bụng, ỉa táo, ỉa khó.

C. Trị các chứng bệnh: Ở đầu, gáy, mắt, má, mũi, họng, não, sốt.

 

THIẾU TRẠCH

( Huyệt Tỉnh thuộc Kim)

Vị trí: – Ở đầu ngón út, mé ngoài chỗ lõm cách góc móng tay 1 phân (Phát huy, Đại thành)

– Lấy ở trong góc trong móng tay út độ 0,2 tấc trên đường tiếp giáp da gan tay – mu tay ở bờ trong ngón tay út.

Giải phẫu: Dưới da là giữa chỗ bám gân ngón út của cơ gấp chung sâu các ngón tay và gân ngón út của cơ duỗi chung các ngón tay, bờ trong của đốt 3 xương ngón tay út. Thần kinh vận động cơ là nhánh của dây thần kinh trụ và dây thần kinh quay. Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đoạn thần kinh D1.

Tác dụng:
– Theo kinh: Cứng gáy, cứng lưỡi, đau họng, đau mắt, đau đầu, chảy máu mũi.

     – Toàn thân: Cấp cứu ngất, hôn mê, sốt cao không ra mồ hôi, sốt rét, viêm tuyến vú, thúc sữa.

Cách châm cứu: Châm 0,1 tấc. Khi cấp cứu châm xong nặn ra 1 giọt máu. Cứu 3-5 phút.

 
 

TIỀN CỐC

( Huyệt Huỳnh thuộc Thủy)

Vị trí: – Ở trong chỗ lõm trước đốt gốc ngón tay út, phía ngoài (Giáp ất, Đồng nhân, Phát huy, Đại thành)

– Lấy ở trên đường tiếp giáp da gan tay – mu tay ở bờ trong ngón tay út, ngay đầu nếp gấp khớp bàn tay, ngón tay.

Giải phẫu: Dưới da là chỗ bám của cơ dạng ngón út và cơ gấp ngắn ngón út, bờ trong đầu dưới xương bàn tay số 5. Thần kinh vận động cơ là các nhánh của dây thần kinh trụ. Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đoạn thần kinh D1.

Tác dụng:
– Tại chỗ: Ngón tay đau co duỗi khó khăn.

     – Theo kinh: Đau cứng gáy, đau đầu, chảy máu mũi, đau mắt, ù tai, điếc tai.

     – Toàn thân: Sốt rét, động kinh, đái đỏ.

Cách châm cứu: Châm 0,3-0,5 tấc. Cứu 5-15 phút.

Chú ý: Kết hợp với Đại chùy, Đào đạo, Giản sử chữa sốt rét.

 
 

HẬU KHÊ

( Huyệt du thuộc Mộc, huyệt Giao hội với mạch Đốc)

Vị trí:- Ở trong chỗ lõm sau đốt gốc ngón tay út, phía ngoài (Giáp ất, Đồng nhân, Phát huy, Đại thành)

– Lấy ở trên đường tiếp giáp da gan tay-mu tay ở bờ trong bàn tay, ngang với đầu trong đường văn tim ở bàn tay.

Giải phẫu: Dưới da là cơ dạng ngón út, bờ trong cơ gấp ngắn ngón tay, cơ đôi ngón út, bờ trong đầu dưới xương bàn tay số 5. Thần kinh vận động cơ là các nhánh của dây thần kinh trụ. Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đoạn thần kinh D1.

Tác dụng:
 Tại chỗ: Ngón tay đau co duỗi khó khăn.

     – Theo kinh: Đau cứng gáy, đau đầu, chảy máu mũi, đau mắt, ù tai, điếc tai.

     – Toàn thân: Sốt rét, động kinh, đái đỏ.

Cách châm cứu: Châm 0,3-0,5 tấc. Cứu 5-15 phút.

Chú ý: Kết hợp với Đại chùy, Đào đạo, Giản sử để chữa sốt rét.

 
 

UYỂN CỐT

( Huyệt Nguyên)

Vị trí: -Ở phía ngoài tay, giữa chỗ lõm dưới xương cao trước cổ tay(Giáp ất, Đồng nhân, Đaị thành)

– Lấy ở đường tiếp giáp da gan tay- mu tay ở bờ trong bàn tay, ngang chỗ lõm giữa xương bàn tay 5 và xương móc.

Giải phẫu: Dưới da là cơ gan tay, cơ dạng ngón út, chỗ lõm giữa đầu trên xương bàn tay 5 và xương tháp, đáy chỗ lõm là xương móc.Thần kinh vận động cơ là các nhánh của dây thần kinh trụ.Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đoạn thần kinh D1.

Tác dụng: -Tại chỗ: Đau bàn tay, ngón tay đau, bàn tay co quắp.

– Theo kinh: Đau đầu, cứng gáy, ù tai, mờ mắt.

– Toàn thân: Hoàng đản, sốt không ra mồ hôi.

Cách châm cứu: Châm 0,3-0,5 tấc. Cứu 5-15 phút.

 
 

DƯƠNG CỐC

( Huyệt Huỳnh thuộc Hỏa)

Vị trí: – Ở giữa cổ tay chỗ lõm ở đầu xương trụ, phía ngoài bàn tay (Giáp ất, Đồng nhân, Phát huy, Đại thành)

– Lấy ở chỗ lõm sát đầu mỏm trâm xương trụ.

Giải phẫu: Dưới da là khe giữa gân cơ trụ trước và gân cơ trụ sau, mỏm trâm xương trụ, khe giữa xương tháp và đầu dưới xương trụ. Thần kinh vận động cơ là các nhánh của dây thần kinh quay và dây thần kinh trụ. Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đoạn thần kinh D1.

Tác dụng:
– Tại chỗ: Đau cổ tay.

     – Theo kinh: Đau phía sau trong cánh tay, đau cổ gáy, ù tai, điếc tai.

     – Toàn thân: Sốt không ra mồ hôi, điên cuồng, trẻ em bại liệt, cứng lưỡi không bú được.

Cách châm cứu: Châm 0,2-0,3 tấc. Cứu 5-15 phút.

 
 

DƯỠNG LÃO

( Huyệt Khích)

Vị trí: – Ở chỗ lõm trên mắt cá tay sau cổ tay 1 tấc (Giáp ất, Đồng nhân, Phát huy)

– Bàn tay để ngửa, lấy ở khe lõm trên cổ tay 1 tấc, chỗ tiếp xúc của đầu xương quay với mỏm châm xương trụ.

Giải phẫu: Dưới da là bờ trong của gân cơ trụ sau, phía trong mặt sau của đầu dưới xương trụ. Thần kinh vận động cơ là nhánh của dây thần kinh quay. Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đoạn thần kinh D1.

Tác dụng:
     – Tại chỗ: Sưng đau phía sau trong cẳng tay.

     – Theo kinh: Đau nhức cánh tay và vai, mắt mờ.

Cách châm cứu: Châm luồn kim dưới da và gân, áp kim trên mặt xương trụ sâu 0,1-0,5 tấc.Cứu 5-10 phút.

 
 

CHI CHÍNH

( Huyệt Lạc nối với kinh Tâm)

Vị trí: – Ở sau cổ tay 5 tấc (Đại thành, Đồng nhân, Phát huy, Tuần kinh)

– Lấy ở trên đường nối huyệt Dương cốc với huyệt Tiểu hải cách Dương cốc 5 tấc, sát bờ trong xương trụ.

Giải phẫu: Dưới da là khe giữa cơ trụ trước và cơ trụ sau chỗ bám vào xương của cơ duỗi riêng ngón tay trỏ và cơ gấp chung sâu các ngón tay, xương trụ. Thần kinh vận động cơ là các nhánh của dây thần kinh trụ và dây thần kinh quay. Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đoạn D1.

Tác dụng:
-Theo kinh: Tay co, ngón tay không nắm được, cổ gáy sưng đau, đau hàm, hoa mắt.

     – Toàn thân: Sốt không ra mồ hôi, điên, kinh sợ.

Cách châm cứu: Châm 0,3-0,5 tấc. Cứu 5-10 phút.

 

TIỂU HẢI

( Huyệt Hợp thuộc Thổ)

Vị trí: – Ở phía ngoài khuỷu tay ngoài xương to cách đầu khuỷu tay 3 phân, giữa chỗ lõm (Giáp ất, Đồng nhân, Phát huy, Đại thành)

– Lấy ở trong rãnh ròng rọc- khuỷu, giữa mỏm khuỷu và mỏm trên ròng rọc của đầu dưới xương cánh tay.

Giải phẫu: Dưới da là cân cơ ba đầu cánh tay, rãnh ròng rọc-khuỷu của mặt sau đầu dưới xương cánh tay (ở trong là mỏm trên ròng rọc của xương cánh tay, có gân cơ trụ trước và gân cơ gấp chung sâu các ngón tay bám gần nhất, ở ngoài là mỏm khuỷu của xương trụ có gân cơ ba đầu bám). Thần kinh vận động cơ là các nhánh của dây thần kinh trụ và dây thần kinh quay. Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đoạn thần kinh D1.

Tác dụng:
– Tại chỗ: Đau, sưng khuỷu tay.

     – Theo kinh: Đau vai, đau cổ, đau hàm, đau răng, điếc.

     -Toàn thân: Điên.

Cách châm cứu: Châm 0,5- 1 tấc. Cứu 10-15 phút.

 

KIÊN TRINH

Vị trí: – Ở giữa chỗ lõm cong ở xương bả vai, khoảng giữa hai xương rời ra, sau huyệt Kiên ngung (Giáp ất, Đồng nhân, Phát huy, Đại thành)

– Lấy ở gần bờ sau – dưới của cơ delta, trên đầu nếp nách sau thẳng lên 1 tấc.

Giải phẫu: Dưới da là cơ delta (gần bờ dưới) khe giữa cơ tròn to và cơ tròn bé, phần dài cơ ba đầu cánh tay, cơ dưới vai. Thần kinh vận động cơ là dây thần kinh mũ, các nhánh dây thần kinh trên vai, nhánh của dây thần kinh quay. Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đoạn thần kinh D2.

Tác dụng:
– Tại chỗ: Đau vai.

     – Theo kinh: Cánh tay, bàn tay đau và cử động khó khăn.

Cách châm cứu: Châm 0,5-1 tấc. Cứu 5-10 phút.

Chú ý: Kết hợp với Kiên ngung, Kiên liêu chữa đau khớp vai.

 

NHU DU

(Huyệt Hội của kinh Thái dương ở tay với mạch Dương duy và Dương kiểu)

Vị trí: – Ở phía sau huyệt Kiên liêu chỗ lõm dưới xương to, mé trong xương bả vai (Đồng nhân, Phát huy, Tuần kinh)

– Kéo dài đườg nếp nách sau, huyệt ở chỗ đường này gặp chỗ lõm dưới gai sống vai.
Giải phẫu: Dưới da là cơ delta, cơ dưới gai và cơ trên gai, bờ dưới gai sống vai. Thần kinh vận động cơ là các nhánh dây thần kinh mũ và dây thần kinh trên vai. Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đoạn thần kinh D2.

Cách châm cứu: Châm 0,5- 1 tấc. Cưú 5-10 phút.

Chú ý: Kết hợp với Kiên ngung, Kiên trinh, Cự cốt để chữa đau vai, yếu cử động khó khăn.

 

THIÊN TÔNG

Vị trí: – Ở phía sau huyệt Bỉnh phong, chỗ lõm dưới xương to (Giáp ất, Đồng nhân, Phát huy, Đại thành)

– Kẻ đường thẳng ngang qua chỗ dầy nhất của gai sống vai và kẻ đường ngang qua mỏm gai đốt sống lưng 4, huyệt ở chỗ 2 đường này gặp nhau, giữa hố dưới gai.

Giải phẫu: Dưới da là cơ dưới gai, xương bã vai. Thần kinh vận động cơ là nhánh của dây thần kinh trên vai. Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đoạn thần kinh D3.

Tác dụng:
– Tại chỗ và theo kinh: Đau nhức vai, mặt sau cánh tay đau nhức.

Cách châm cứu: Châm 0,2-0,5 tấc. Cứu 5-15 phút.

Chú ý: Kết hợp với Kiên tỉnh, Kiên ngung, Kiên liêu, Dương lăng tuyền chữa đau quanh khớp vai.

 

BNH PHONG

( Huyệt Hội của kinh Thái dương, Dương minh ở tay và kinh Thiếu dương ở tay và chân)

Vị trí: – Ở phía ngoài huyệt Thiên liêu trên vai, sau chỗ mỏm con, giơ tay lên có chỗ trống (Đồng nhân, Phát huy, Đại thành, Tuần kinh)

– Bảo người bệnh giơ tay lên, lấy huyệt ở chỗ lõm trong hố trên gai, thẳng với chỗ dày nhất của gai sống xương bả vai. Giữa huyệt Cự cốt và Khúc viên.

Giải phẫu: Dưới da là cơ thang, cơ trên gai, xương bả vai. Thần kinh vận động cơ là nhánh của dây thần kinh sọ não XI, nhánh của đám rối cổ sâu và nhánh của dây thần kinh trên vai. Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đoạn thần kinh C6.

Tác dụng:
– Tại chỗ và theo kinh: Vai đau nhức, không giơ tay lên được.

Cách châm cứu: Châm 0,3-0,5 tấc. Cứu 5-15 phút.

Chú ý: Châm đắc khí thấy căng, tức tại chỗ hoặc lan rộng ra xung quanh.

 

KHÚC VIÊN

Vị trí: – Ở gần chỗ lõm trên gai sống vai, khoảng giữa vai (Giáp ất, Đồng nhân, Phát huy, Đại thành)

– Kẻ đường thẳng qua huyệt Kiên tỉnh, huyệt ở trên đường này và trong hố trên gai.

Giải phẫu: Dưới da là cơ thang, cơ trên gai, chỗ bám của cơ góc, góc trên trong của xương bả vai. Thần kinh vận động cơ là các nhánh của dây thần kinh sọ não XI, nhánh đám rối cổ sâu, nhánh dây thần kinh trên vai, nhánh của dây thần kinh chẩm lớn. Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đoạn thần kinh C6.

Tác dụng:
– Tại chỗ: Vai đau nhức, khớp vai cử động khó khăn.

Cách châm cứu: Châm 0,3-0,5 tấc. Cứu 5-15 phút.

Chú ý: Châm đắc khí thấy căng, tức tại chỗ, hoặc lan ra xung quanh.

 

KIÊN NGOẠI DU

Vị trí: – Ở chỗ lõm phía trên bả vai, cách xương sống 3 tấc (Giáp ất, Đồng nhân, Phát huy, Đại thành)

– Lấy ở ngang huyệt Đào đạo và ngoài huyệt Đào đạo 3 tấc. Huyệt ở giữa Khúc viên và Kiên trung du.

Giải phẫu: Dưới da là cơ thang, cơ góc, cơ răng bé sau trên. Thần kinh vận động cơ là nhánh của dây thần kinh chẩm lớn, nhánh của dây thần kinh sọ não số XI, nhánh của đám rối cổ sâu, nhánh dây trên vai và dây thần kinh gian sườn 1. Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đoạn thần kinh C7.

Tác dụng:
-Tại chỗ và theo kinh: Đau vai, đau cứng cổ gáy.

Cách châm cứu: Châm 0,3-0,7 tấc. Cứu 5-10 phút.

Chú ý: Châm đắc khí thấy căng tức tại chỗ  hoặc lan rộng ra xung quanh.

 

KIÊN TRUNG DU

Vị trí: – Ở chỗ lõm mé trong bả vai, cách cột sống 2 tấc (Giáp ất, Đồng nhân, Phát huy, Đại thành)

– Nối huyệt Đại chùy với huyệt Kiên tỉnh, lấy huyệt ở trên đường này cách mạch Đốc 2 tấc.

Giải phẫu: Dưới da là cơ thang, cơ góc, cơ răng bé sau trên, cơ chậu sườn đoạn lưng cổ, cơ ngang sườn, cơ gian mỏm ngang. Thần kinh vận động cơ là nhánh của dây thần kinh sọ não số XI, nhánh đám rối cổ sâu, nhánh dây chẩm lớn, nhánh dây sống cổ và nhánh dây thần kinh gian sườn số 1. Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đoạn thần kinh C6.

Tác dụng:
– Tại chỗ: Đau nhức vai, ho suyễn.

Cách châm cứu: Châm 0,3-0,7 tấc. Cứu 5-10 phút.

Chú ý: Châm đắc khí thấy căng, tức tại chỗ hoặc lan rộng ra xung quanh.

 

THIÊN SONG

Vị trí: – Ở chỗ trước gân to của cổ, dưới góc xương quai hàm, sau huyệt Phù đột (Giáp ất, Phát huy, Đại thành, Tuần kinh)

– Lấy ở bờ sau cơ ức-đòn-chũm, ngang bờ trên sụn giáp, sau huyệt Phù đột 0,5 tấc.

Giải phẫu: Dưới da là bờ sau cơ ức-đòn- chũm, cơ nâng vai và các cơ bậc thang. Thần kinh vận động cơ là nhánh của dây thần kinh sọ não số XI, các nhánh của đám rối cổ. Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đoạn thần kinh C3.

Tác dụng:
– Tại chỗ và theo kinh: Đau cứng cổ gáy, ù tai, điếc tai, đau họng, đau hàm.

Cách châm cứu: Châm 0,5- 1 tấc. Cứu 5-10 phút.

 

THIÊN DUNG

Vị trí: – Ở dưới tai, sau góc xương quai hàm (Đồng nhân, Đại thành, Tuần kinh, Kim giám)

– Lấy ở bờ trước cơ ức-đòn-chũm ngang mỏm nhọn của góc xương hàm dưới.

Giải phẫu: Dưới da là bờ trước cơ ức-đòn-chũm, bờ sau của góc xương hàm dưới, phía dưới cơ hai thân. Thần kinh vận đọng cơ là nhánh của dây thần kinh sọ não số XI, nhánh đám rối cổ sâu, nhánh dây thần kinh sọ não số XII. Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đoạn thần kinh C2 hay C3.

Tác dụng: – Tại chỗ và theo kinh: Ù tai, điếc tai, họng sưng đau, đau cổ không quay được.

Cách châm cứu: Châm 0,5- 1 tấc. Cứu 5-10 phút.

 

QUYỀN LIÊU

( Huyệt Hội của kinh Thái dương ở tay với Thiếu dương ở tay)

Vị trí: – Ở phía dưới xương gò má, trong chỗ lõm đầu xương vòng cung ( Đồng nhân, Phát huy, Đại thành, Kim giám)

– Lấy ở chỗ lõm dưới góc trước – dưới của xương gò má ( sờ tìm chỗ thấp nhất của vòng cung xương gò má)

Giải phẫu: Dưới da là bờ trước cơ cắn chỗ bám vào xương gò má. Thần kinh vận động cơ là nhánh của dây thần kinh sọ não số V. Da vùng huyệt chi phối bởi dây thần kinh sọ não số V.

Tác dụng:
– Tại chỗ và theo kinh: Liệt dây thần kinh VII ngoại biên, giật mi mắt, đau răng, đau mắt.

Cách châm cứu: Châm 0,2-0,3 tấc. Khi cần cứu không dược gây bỏng.

Chú ý: Châm đắc khí thấy căng tức tại chỗ hoặc lan rộng ra xung quanh.

 

THÍNH CUNG

( Huyệt Hội của kinh Thái dương ở tay với kinh Thiếu dương ở tay-ở chân)

Vị trí: – Ở trước giữa bình tai to bằng hạt đậu đỏ (Đồng nhân, Phát huy, Đại thành, Tuần kinh)

– Lấy ở điểm chính giữa chân bình tai, sau lồi cầu xương hàm dưới, bảo người bệnh há miệng để sờ rõ chỗ lõm mà lấy huyệt, ấn vào huyệt trong tai có tiếng động.

Giải phẫu: Dưới da là bờ sau tuyến mang tai, bờ sau lồi cầu xương hàm dưới. Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đoạn thần kinh sọ não số V.

Tác dụng:
– Tại chỗ: ù tai, điếc tai, nặng tai, đau tai.

Cách châm cứu: Châm 0,3- 0,7 tấc. Khi cần cứu không được gây bỏng.

Chú ý: Nếu châm nông chỉ căng, tức tại chỗ. Nếu châm sâu cảm giác căng tức thấu vào trong tai. Nếu châm vào màng xương thì đau buốt và vướng kim, nên rút kim ra một chút.

Kết hợp với Ế phong, Hợp cốc chữa viêm tai giữa.

Nguồn tin: Châm cứu học tập 1 ( Viện Đông y) – Tổng hợp từ Internet

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*