KINH THỦ QUYẾT ÂM TÂM BÀO
(mỗi bên có 9 huyệt)
A. Đường đi: Bắt đầu từ trong ngực (thuộc về Tâm bào lạc xuyên cơ hoành xuống liên lạc với Thượng tiêu, Trung tiêu, Hạ tiêu)
+ Phân nhánh:
– Từ ngực ra cạnh sườn đến dưới nếp nách 3 tấc, vòng lên nách rồi theo mặt trước cánh tay đi giữa Thái âm Phế và Thiếu âm Tâm, vào giữa khuỷu tay, xuống cẳng tay đi giữa hai gân vào gan tay, đi dọc giữa ngón giữa đến đầu ngón tay.
– Từ gan tay đi dọc bờ (phía ngón út) của ngón đeo nhẫn đến đầu ngón nối với kinh Thiếu dương Tam tiêu ở tay.
B. Biểu hiện bệnh lý:
* Kinh bị bệnh: Mặt đỏ, nách sưng, cánh tay, khuỷu tay co quắp, gan tay nóng.
* Tạng bị bệnh: Đau vùng tim, bồn chồn, tức ngực sườn, tim đập thình thịch, cuồng, nói lảm nhảm, hôn mê.
C. Tri các chứng bệnh: Ở ngực, tim, dạ dày, bệnh tâm thần, sốt.
THIÊN TRÌ
( Hội của kinh Quyết âm ở tay, chân và Thiếu dương ở chân)
Vị trí: – Ở sau vú 1 tấc, dưới nách 3 tấc (Giáp ất, Đồng nhân, Phát huy, Đại thành)
– Lấy ở trên bờ trên xương sườn 5, ngoài núm vú 1 tấc. Chính giữa huyệt Thiên khê và huyệt Nhũ trung.
Giải phẫu: Dưới da là cơ ngực to, cơ ngực bé, cơ răng cưa to, cơ chéo to của bụng, các cơ gian sườn, phổi. Thần kinh vận động cơ là các nhánh của đám rối thần kinh nách và dây thần kinh gian sườn 4. Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đoạn thần kinh D4.
Tác dụng:
– Tại chỗ và theo kinh: Tức ngực, bồn chồn, đau sườn, nách sưng đau, tràng nhạc.
Cách châm cứu: Châm 0,2-0,3 tấc. Cứu 5-7 phút.
Chú ý: Không châm sâu và không kích thích mạnh vì có thể gây tổn thương phổi.
THIÊN TUYỀN
Vị trí:- Ở dưới đầu nếp nách trước 2 tấc ( Đồng nhân, Đại thành)
– Lấy ở trong khe phần ngắn và phần dài cơ hai đầu cánh tay, dưới đầu nếp nách trước 2 tấc (hơi co khủyu tay để dễ sờ xác định 2 phần của cơ hai đầu cánh tay)
Giải phẫu: Ở dưới da là khe giữa phần dài và phần ngắn của cơ hai đầu cánh tay, chỗ bám của cơ cánh tay trước mặt trước xương cánh tay. Thần kinh vận động cơ là các nhánh của dây thần kinh cơ-da. Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đoạn thần kinh D2.
Tác dụng:
– Tại chỗ: Đau mặt trong cánh tay.
– Theo kinh: Đau vùng trước tim.
– Toàn thân: Đau ngực.
Cách châm cứu: Châm 0,3-0,7 tấc. Cứu 5-7 phút.
KHÚC TRẠCH
( Huyệt Hợp thuộc Thủy)
Vị trí: – Ở chỗ lõm phía trong khủyu tay, trên nếp gấp khủyu tay, phía trong gân cơ lớn, chỗ có mạch đập (Đại thành, Tuần kinh)
– Lấy ở trên nếp gấp khớp khuỷu tay, sát bờ trong gân cơ hai đầu cánh tay (hơi co khuỷu tay cho rõ gân)
Giải phẫu: Dưới da là bờ trong gân cơ hai đầu cánh tay, cơ cánh tay trước, bờ trên cơ sấp tròn, khe khớp khuỷu. Thần kinh vận động cơ là các nhánh của dây thần kinh cơ- da và dây thần kinh giữa. Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đoạn thần kinh D1 hay C6.
Tác dụng:
– Tại chỗ: Đau sưng khuỷu tay.
– Theo kinh: Đau cẳng tay, cánh tay, đau vùng tim.
– Toàn thân: Mồm khô, phiền táo, chỉ ra mồ hôi ở đầu, nôn do cảm hàn hay thai nghén, thổ tả.
Cách châm cứu: Châm 0,3-0,7 tấc. Cứu 5-10 phút.
KHÍCH MÔN
( Huyệt Khích)
Vị trí: – Ở sau bàn tay, từ cổ tay đi lên 5 tấc (Đồng nhân, Phát huy, Đại thành)
– Lấy ở trong khe 2 cơ gan tay lớn và gan tay bé, trên khớp cổ tay 5 tấc (gấp bàn tay vào cẳng tay và nghiêng bàn tay vào trong cho nổi rõ khe cơ)
Giải phẫu: Dưới da là khe giữa cơ gan tay lớn và cơ gan tay bé, cơ gấp dài ngón tay cái, cơ gấp chung ngón tay nông và sâu, khe giữa xương quay và xương trụ. Thần kinh vận động cơ là các nhánh của dây thần kinh giữa và dây thần kinh trụ. Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đoạn thần kinh D1 hay C6.
Tác dụng:
– Theo kinh: Đau vùng trước tim có nôn mữa, tim đập hồi hộp.
– Toàn thân: Ngũ tâm phiền nhiệt, tinh thần uể oải.
Cách châm cứu: Châm 0,5-0,8 tấc. Cứu 5-10 phút.
GIẢN SỬ
( Huyệt Kinh thuộc Kim)
Vị trí: – Ở trên cổ tay 3 tấc, chỗ lõm giữa 2 đường gân ( Giáp ất, Đồng nhân, Phát huy, Đại thành)
– Lấy ở trong khe 2 cơ gan tay lớn và gan tay bé, trên nếp gấp khớp cổ tay 3 tấc (gấp bàn tay vào cẳng tay và nghiêng bàn tay vào trong cho nổi rõ khe cơ)
Giải phẫu: Dưới da là khe giữa cơ gan tay lớn và cơ gan tay bé, cơ gấp dài ngón tay cái, cơ gấp chung ngón tay nông và sâu, bờ trên cơ sấp vuông, màng gian cốt. Thần kinh vận động cơ là các nhánh của dây thần kinh giữa và dây thần kinh trụ. Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đoạn thần kinh D1 hay C6.
Tác dụng:
– Tại chỗ và theo kinh: Đau cánh tay, nóng gan bàn tay, bệnh nhiệt có tâm phiền, tim đập hồi hộp, đau vùng tim.
– Toàn thân: Trúng phong đờm rãi nhiều, nôn, khan tiếng, điên cuồng, sốt rét.
Cách châm cứu: Châm 0,3-0,5 tấc. Cứu 5-10 phút.
NỘI QUAN
(Huyệt Lạc nối với kinh Thiếu dương Tam tiêu, huyệt Giao hội của kinh Quyết âm ở tay với mạch Âm duy)
Vị trí: – Ở phía sau bàn tay, từ cổ tay đi lên 2 tấc, giữa hai đường gân (Đại thành, Tuần kinh)
– Lấy ở trong khe của gân 2 cơ gan tay lớn và gan tay bé trên nếp gấp khớp cổ tay 2 tấc (gấp bàn tay như Giản sử)
Giải phẫu: Dưới da là khe giữa gân cơ gan tay lớn và gan tay bé, gân cơ gấp dài ngón tay cái, gân cơ gấp chung ngón tay nông và sâu, cơ sấp vuông, màng gian cốt quay và trụ. Thần kinh vận động cơ là các nhánh của dây thần giữa và dây thần kinh trụ. Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đoạn thần kinh D1 hay C6.
Tác dụng:
-Tại chỗ: Đau cẳng tay.
– Theo kinh: Đau vùng tim, đau sườn ngực, tâm phiền, hồi hộp.
– Toàn thân: Nôn, đầy chướng bụng, tiêu hóa kém, điên cuồng.
Cách châm cứu: Châm 0,3-0,5 tấc. Cứu 5-10 phút.
Chú ý: Không nên kích thích lối mổ cò, có thể làm tổn thương thần kinh giữa.
ĐẠI LĂNG
( Huyệt Nguyên, huyệt Du thuộc Thổ)
Vị trí: – Ở chỗ lõm giữa hai đường gân sau bàn tay (Giáp ất, Đồng nhân, Phát huy, Đại thành)
– Lấy ở trên nếp gấp khớp cổ tay, giữa hai gân cơ gan tay lớn và gan tay bé (gấp bàn tay như huyệt Giản sử)
Giải phẫu: Dưới da là khe giữa gân cơ gan tay lớn và gan tay bé, ở sâu là khe giữa gân cơ gấp dài ngón tay cái, gân cơ gấp chung ngón tay nông và sâu, khe khớp cổ tay. Thần kinh vận động cơ là các nhánh của dây thần giữa và dây thần kinh trụ. Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đoạn thần kinh C7 hay C8.
Tác dụng:
-Tại chỗ: Đau cổ tay, lòng bàn tay nóng.
-Theo kinh: Khuỷu tay co, đau vùng tim, đau sườn ngực, tâm phiền,
– Toàn thân: Nôn, đầy chướng bụng, tiêu hóa kém, điên cuồng, cười mãi không hết, dễ sợ hãi, bệnh nhiệt.
Cách châm cứu: Châm 0,3-0,5 tấc. Cứu 5-10 phút.
Chú ý: Kết hợp với Nhân trung, Hợp cốc chữa Hysterie.
LAO CUNG
(Huyệt Huỳnh thuộc Hỏa)
Vị trí: – Ở giữa lòng bàn tay, trên động mạch, gấp ngón vô danh vào mà lấy huyệt (Đồng nhân, Phát huy)
– Nắm chặt các ngón tay, lấy huyệt ở trên đường văn tim của gan tay, chỗ khe ngón tay vô danh và ngón giữa chấm vào đường văn này.
Giải phẫu: Dưới da là cân gan tay giữa, cơ gian cốt gan tay và cơ gian cốt mu tay, bờ trong đầu dưới xương bàn tay 3. Thần kinh vận động cơ là nhánh của dây thần kinh giữa và dây thần kinh trụ. Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đoạn thần kinh C7 hay C8.
Tác dụng:
– Tại chỗ: Run bàn tay, ra mồ hôi lòng bàn tay.
– Theo kinh: Đau vùng tim, tâm phiền, khát, tim đập hồi hộp.
– Toàn thân: Cười mãi không thôi, lóet miệng, nôn, sốt về đêm.
Cách châm cứu: Châm 0,2-0,5 tấc. Cứu 5-10 phút.
TRUNG XUNG
( Huyệt Tỉnh thuộc Mộc)
Vị trí: – Ở đầu ngón tay giữa, cách móng tay bằng lá hẹ (Giáp ất, Đồng nhân, Phát huy, Đại thành)
– Lấy ở giữa đầu ngón giữa, chỗ cao nhất của đầu ngón tay cách móng tay độ 0,2 tấc.
Giải phẫu: Dưới da là chỗ bám của gân ngón giữa ,cơ gấp chung ngón tay sâu, đầu đốt 3 xương ngón tay giữa. Thần kinh vận động cơ là nhánh của dây thần kinh giữa. Da vùng huyệt chi phối bởi tíết đoạn thần kinh C7 hay C8.
Tác dụng:
– Tại chỗ: Lòng bàn tay nóng.
– Theo kinh: Cứng lưỡi, đau vùng tim, tâm phiền.
– Toàn thân: Trúng phong bất tỉnh,hôn mê, sốt không ra mồ hôi.
Cách châm cứu: Châm 0,1 tấc. Chữa bệnh cấp nặn ra một chút máu. Cứu 3 phút.
Nguồn tin: Châm cứu học tập 1 ( Viện Đông y) – Tổng hợp từ Internet
Để lại một phản hồi