Thổ phục linh: Vị thuốc trừ phong thấp, mạnh gân xương

Hình ảnh mô phỏng cấu tạo của thổ phục linh

Từ xa xưa, thiên nhiên đã ưu ái ban tặng cho con người nhiều thảo mộc đa dạng, quý báu. Từ đó, bằng kinh nghiệm cũng như kiến thức của mình, dân gian đã sử dụng chúng thành những vị thuốc, có tác dụng trị bệnh cao. Trong đó, thổ phục linh được xem như dược liệu đa năng, vừa hỗ trợ trừ phong thấp, vừa làm mạnh gân cốt cơ thể… 

Thổ phục linh là gì?

  • Tên gọi khác: khúc khắc, kim cang, mọt hoi đòi, tơ pớt…
  • Tên gọi khoa học: Smilax glabra Roxb.
  • Bộ phận dùng: Thân rễ phơi hay sấy khô-Rhizoma Smilacis.
Hình ảnh mô phỏng cấu tạo của thổ phục linh
Hình ảnh mô phỏng cấu tạo của thổ phục linh

Đặc điểm sinh trưởng và thu hái thổ phục linh

Đặc điểm sinh trưởng

Theo các tài liệu, thổ phục linh phân bố ở các khu vực địa lý có khí hậu nhiệt đới và cận nhiệt đới trên trái đất. Đặc biệt ở châu Á, loài xuất hiện ở Ấn Độ, Trung Quốc, các quốc gia Đông Nam Á… Riêng tại Việt Nam, cây được trồng rải rác ở nương rẫy, đồi cây thuộc cả 3 miền như Nghệ An, Lạng Sơn, Ninh Bình, Khánh Hòa, Lâm Đồng,…

Thu hoạch

Người ta có thể thu hoạch phần thân rễ của cây thổ phục linh quanh năm. Đặc biệt, thời điểm tốt nhất là vào mùa hè, thu. Sau đó, đem phần thân rễ tươi này rửa sạch, loại bỏ rễ con và tạp chất. Có thể dùng nguyên củ hay ngâm nước trước, sau đó thái lát mỏng và đem đi phơi khô. Ngoài ra, dân gian còn sử dụng cách đem dược liệu đi ủ cho mềm khoảng 3 ngày, rồi thái lát mỏng và phơi khô.

Hoa của loài thường nở vào giữa năm, khoảng tháng 5-6. Bên cạnh đó, mùa quả sẽ vào mùa lúc tháng 7-10, hằng năm.

Mô tả cây thổ phục linh

Thuộc loài thực vật sống lâu năm, thân leo mềm hoặc bò trên mặt đất. Thân có thể dài đến 10 m, gồm nhiều tua cuốn và các nhánh không gai.

Phần thân rễ cứng cáp, hình trụ dẹt, kích thước đa dạng, không đều. Bề mặt bên ngoài có sắc nâu vàng, lồi lõm, gồm rễ và chồi con mọc ra. Ngoài ra, vỏ rễ còn có các vẩy còn sót lại và vân nứt không đều.

Lá mọc so le, kích thước khoảng 5-10 cm, sắc xanh và có 3 gân chính. Phiến lá có thể dạng trứng, bầu dục,…với cuống hình trái tim, đầu nhọn, kèm theo tua cuống do 2 lá kèm biến đổi. Mặt lá phía dưới xanh nhạt còn mặt trên xanh sáng bóng hơn.

Phần hoa mọc thành cụm hay tán nhỏ, 20-30 hoa nhỏ tụ lại, thường sắc lục nhạt. Gồm cả đực và cái đều mọc ở kẽ lá, nối vào thân bởi cuống hoa dài. Ngoài ra, còn có bầu hoa hình cầu, nhị không cuống và bao phấn thuôn.

Phần quả nhỏ tròn, mọng, mọc thành chùm, đường kính trung bình 10 mm. Quả non có màu xanh, theo thời gian chúng chín dần, sẽ chuyển sang tím, đỏ, và cuối cùng là đen. Bên trong quả sẽ chứa khoảng 3-4 hạt, hình trứng.

Hình ảnh quả thổ phục linh đỏ, tròn và mọng
Hình ảnh quả thổ phục linh đỏ, tròn và mọng

Mô tả vị thuốc thổ phục linh

Vị thuốc sau khi được thái lát có dạng hình tròn dài, không đều, cạnh lồi lõm, không bằng phẳng. Bề mặt vị thuốc có thể màu nâu đỏ nhạt, dai và khó bẻ gãy. Hơn nữa, ta có thể thấy nhiều điểm sáng nhỏ hay các bó mạch điểm.

Khi sờ cảm giác có chất bột, đặc biệt khi bẻ có thể thấy ít bột rơi ra. Ngoài ra, khi dược liệu bị dính nước sẽ tạo cảm giác dính và hơi trơn.

Theo y học cổ truyền, thổ phục linh có vị ngọt và hầu như không mùi.

Thành phần hóa học của vị thuốc thổ phục linh

Theo nhiều tài liệu, thổ phục linh có thành phần hóa học khá phong phú và đa dạng, với nhiều hợp chất hữu cơ mang giá trị cao như:

  • Saponin, tannin, β – sitosterol, stigmasterol…
  • Dẫn xuất flavonoid như astilbin, neoastilbin, isoastilbin, engeletin, isoengeletin,…
  • Ngoài ra, vị thuốc còn chứa chất nhựa, tinh bột, tinh dầu, cùng nhiều acid hữu cơ khác…
  • Các nhà khoa học còn tìm thấy ở các bộ phận lá và ngọn non có chứa nước, protein, glucid, chất xơ, chất tro, vitamin C, caroten…

Công dụng của vị thuốc thổ phục linh

Công dụng y học hiện đại

Chống viêm, nâng cao hệ thống miễn dịch

Theo nghiên cứu thực nghiệm mô hình phù bàn chân chuột cống trắng, ở giai đoạn viêm mạn và cấp tính ghi nhận vị thuốc có công dụng dược lý cao. Tại các giai đoạn này, thổ phục linh vừa có tác dụng kháng viêm rõ rệt, đồng thời tăng khả năng miễn dịch, nâng cao tỷ lệ sống sót của chuột qua cơn phản vệ.

Một số tài liệu cũng cho thấy, thổ phục linh có tính chất như các hoạt chất chống viêm steroid. Nổi bật là hoạt chất astilbin đóng vai trò quan trọng ngăn chặn acid urid tích tụ và các tế bào xâm nhập màng hoạt dịch khớp, dẫn đến viêm trong bệnh gout.

Hỗ trợ triệu chứng dị ứng, kháng histamin

Bên cạnh đó, trong thí nghiệm tiêm mẫn cảm chuột lang bằng kháng nguyên cũng ghi nhận khả năng giảm nhẹ cơn dị ứng, co giật, khó thở, đặc biệt rõ rệt ở đường hô hấp của dược liệu. Ngoài ra, dân gian còn dùng thổ phục linh hỗ trợ trị vẩy nến, giun sán (Clonorchis sinensis)…

Hỗ trợ điều trị đái tháo đường

Bước đầu, các nhà khoa học đã ghi nhận tác dụng hạ đường huyết trên chuột nhắt trắng, bằng cách làm tăng độ nhạy cảm của các thụ thể đối với insulin.

Hỗ trợ giảm đau nhức cơ xương, đau mỏi cơ

Một số nghiên cứu đã ghi nhận nhiều kết quả khả quan khi dùng cao lỏng chứa thổ phục linh cùng các vị thuốc khác như ngưu tất, cà dây leo hoặc hy thiêm, trong điều trị thấp khớp. Đặc biệt hỗn hợp này còn có tác dụng tốt đối với chứng đau nhức, mỏi cơ…

Công dụng Y học cổ truyền

Tính vị: ngọt, đạm, bình. Quy kinh can, vị.

Tác dụng: giải độc trừ thấp, thông lợi quan tiết.

Thổ phục linh

Chỉ định:

Dùng trong điều trị bệnh giang mai hoặc uống các thuốc có thuỷ ngân (để điều trị giang mai) mà bị trúng độc gây ra co quắp tứ chi, thường lấy thổ phục linh 500g sắc lấy nước, pha với 30g đường để uống; hoặc dùng cùng với kim ngân hoa, bạch tiên bì, uy linh tiên, cam thảo.

Chứng lâm trọc, đới hạ thường cùng với mộc thông, bồ công anh, sa tiền tử. Điều trị thấp nhiệt gây mụn nhọt, ngứa âm hộ gây đới hạ thường dùng với thương truật, hoàng bá, khổ sâm. Điều trị vẩy nến thường dùng với sinh địa, xích thược, bạch tiên bì, nhân trần.

Gần đây dùng phối hợp với ngư tinh thảo, hạ khô thảo, hải kim sa, sa tiền tử, đại thanh diệp, thanh đại để dự phòng điều trị sốt xoắn khuẩn Leptospira.

Liều dùng: 15 – 60g.

Thổ phục linh sấy khô và được bào chế thành thuốc
Thổ phục linh sấy khô và được bào chế thành thuốc

Một số bài thuốc kinh nghiệm từ vị thuốc thổ phục linh

1. Hỗ trợ chữa vẩy nến

Theo khoa Da liễu Quân Y bệnh viện 108 có dùng bài thuốc sau đây hỗ trợ chữa bệnh vẩy nến:

Thổ phục linh 40-80g, hạ khô thảo nam (cây cải trời) 80-120g, đem sắc với 500 ml nước trong 3 tiếng với nồi hấp 150 độ C. Khi được 300 ml thì đem nước sắc chia 3-4 lần uống trong ngày, trong vòng 2-3 tháng. Bước đầu, liệu pháp này đã ghi nhận được nhiều kết quả khả quan, cải thiện triệu chứng bệnh.

2. Bài thuốc trừ phong thấp, giảm đau nhức cơ xương

Thổ phục linh 20g, ngải cứu 12g, thương nhĩ tử 12g, cỏ nhọ nồi 16g, hy thiêm 16g. Đem tất cả dược liệu sắc nước uống mỗi ngày từ 2-3 lần.

Hoặc thổ phục linh 20g, lá lốt 12g, ngưu tất 12g, hy thiêm 12g, đem tất cả dược liệu sắc uống 01 thang/ngày.

Hoặc thổ phụ linh 20g, thiên niên kiện 8g, cốt toái bổ 10g, bạch chỉ 6g, đương quy 8g, đem dược liệu sắc uống 01 thang/ngày.

3. Hỗ trợ trị mụn nhọt

Thổ phục linh 15g, sinh địa 20g, kim ngân 20g, cam thảo dây 15g, ké đầu ngựa 15g, đem dược liệu sắc uống 01 thang/ngày, trong khoảng 7 ngày.

Hoặc thổ phục linh 12g, kim ngân hoa 12g, mã đề 10g, cam thảo nam 10g, bồ công anh 12g, ké đầu ngựa 8g, kinh giới 8g, đem sắc uống 01 thang/ngày.

Liều lượng và lưu ý khi sử dụng thổ phục linh

Liều lượng

Dựa theo mục đích sử dụng và chỉ định của thầy thuốc mà sử dụng thổ phục linh dưới nhiều dạng khác nhau như dạng thuốc sắc, tán bột, cao dán… với liều thường dùng từ 15-30g/ngày. Hơn nữa, thầy thuốc thường kết hợp chúng với các dược liệu khác nhằm tăng hiệu quả điều trị bệnh.

Lưu ý

  • Người mẫn cảm hay dị ứng với bất kỳ hoạt chất có trong vị thuốc thổ phục linh.
  • Đối tượng có tỳ vị yếu, tiêu chảy không nên sử dụng thổ phục linh. Bởi vị thuốc này có thể gây kích thích dạ dày, nếu dùng với liều cao.

Do chứa nhiều tannin, nên nếu sử dụng dược liệu quá liều và lâu ngày có thể ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa, kích ứng niêm mạc ruột và dạ dày.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*