Ngô công: Vị thuốc chống co giật từ con Rết

Con Rết

Con rết là loài động vật sống hoang khắp nơi ở nước ta. Rết thường được tìm thấy nhiều ở dưới các khúc gỗ mục, hòn đá, mái nhà mục nát. Bị Rết cắn là nỗi sợ của mọi người, vì trong vết cắn của loài này có chất độc có thể gây ngứa, bỏng da, thậm chí nặng có thể gây tử vong. Tuy nhiên, phần thân phơi khô của con Rết được dùng trong Đông Y như một vị thuốc có tên gọi là Ngô công. Theo Y học cổ truyền, Ngô công có công dụng trị co giật, giải độc rắn cắn, trị đau đầu, đau nhức gân xương do phong thấp. 

1. Mô tả

Ngô công là cơ thể phơi khô của con Rết, tên khoa học là Scolopendra morsitans Linnaeus, thuộc họ Rết (Scolopendridae).

1.1 Loài Rết

Cơ thể rết thường nhỏ dài 7 cm đến 13 cm. Thân dẹt bao gồm khoảng 20 đốt. các dốt thân gần giống nhau, mỗi đốt mang một đôi chân. Rết có một đôi râu ngắn. Đầu ngắn do 6 đến 7 đốt hợp lại. Hai bên đầu có nhiều mắt đơn. Miệng nằm giữa 2 hàm trên. Đôi chân thứ nhất biến đổi thành chân hàm có móc chứa nọc độc, hướng thẳng về phía trước. Tuyến độc nằm trong góc háng hay sâu hơn nữa. Hai đốt cuối thường không có chân. Đôi chân cuổi cùng thường dài và duỗi về phía sau.

Con Rết
Con Rết

1.2. Vị thuốc Ngô công

Là con Rết phơi khô, bỏ đầu và chân. Kết cấu mỏng manh dễ gãy theo đường nứt. Mùi hơi khó chịu đậc trưng. nếm thấy có vị hăng cay, hơi mặn.

Vị thuốc Ngô công
Vị thuốc Ngô công

2. Thu bắt và bào chế

2.1. Thu bắt

Giữa tháng 4 – 6 bắt, sau khi bắt được, dùng miếng tre 2 đầu vót nhọn, cắm vào 2 phần đầu đuôi, buột chặt thẳng phơi khô. Hoặc dùng nước sôi hâm qua trước, sau đó phơi khô hoặc sấy khô.

Có một số vùng vào mùa đông chôn xuống chỗ ẩm thấp những thứ như lông gà, xương gà, để thu hút rết sinh sôi đẻ trứng ở chỗ đó, đến mùa xuân tới bắt.

2.2. Bào chế

  • Ngô công: Lau sạch, bỏ đầu đầu chân, cắt ngắn dùng.
  • Ngô công nướng rượu: Lấy Ngô công bỏ đi chân, cắt ngắn, sau khi thấm rượu, lửa nhỏ sấy khô.

3. Thành phần hoá học

Toàn con Rết có 2 loại nọc độc như nọc độc ong tức giống histamin và chất protid tán huyết. Ngoài ra còn có delta-hydroxylysine taurin, acid amin, lipid. 12 chất bao gồm L-Homotyrosine, 8-Acetoxy-4-acoren-3-one, N-Undecylbenzenesulfonic acid, 2-Dodecylbenzenesulfonic acid, 3H-1,2-Dithiole-3-thione, Acetylenedicarboxylate, Albuterol, Tetradecylamine, Curcumenol, 3-Butylidene-7-hydroxyphthalide, Oleoyl Ethanolamide and Docosanedioic acid cũng được tìm thấy trong Ngô công.

4. Tác dụng dược lý

  • Chiết xuất nước của Ngô công làm giảm đáng kể tử vong tế bào và cải thiện động kinh do Trimethyltin (một chất gây độc tế bào thần kinh) gây ra một cách đáng kể.
  • Ngô công cải thiện bệnh thấp khớp bằng cách ảnh hưởng đến tỷ lệ tương đối của các tế bào của hệ miễn dịch.
  • Hoạt động kháng khuẩn của các hợp chất được xác định từ Ngô công đã được báo cáo chống lại vi khuẩn Gram dương và Gram âm, nấm, vi rút và ký sinh trùng, có thể giải thích cho sự sống sót trong môi trường khắc nghiệt và ô nhiễm của loài Rết.
  • Ngô công ngăn chặn việc sản xuất các yếu tố gây viêm và đẩy nhanh quá trình phục hồi hình thái và chức năng của hệ thần kinh ngoại biên. Do đó, Ngô công có thể là một ứng cử viên trị liệu hữu ích để điều trị các bệnh đau thần kinh.

5. Công dụng theo YHCT

Tính vị: cay, ôn. Có độc. Quy kinh can.

Tác dụng: tức phong chỉ kinh, công độc tán kết, thông lạc chỉ thống.

Chỉ định: giống như toàn yết, điều trị phần lớn các nguyên nhân gây ra co quắp như bài chính kinh tán.

Điều trị mụn nhọt, loa lịch kết hạch thường dùng với hùng hoàng, mật lợn nấu thành cao bôi chỗ tổn thương như bài bất nhị tán. Điều trị rắn cắn thường dùng với hoàng liên, đại hoàng, sinh cam thảo.

Điều trị phong thấp tý chứng thường dùng với phòng phong, độc hoạt, uy linh tiên.

Điều trị chứng đau đầu lâu ngày thường dùng với thiên ma, xuyên khung, bạch cương tàm.

Liều dùng: 1-3g.

Chú ý: cấm dùng khi phụ nữ có thai. Thuốc có độc, không nên dùng liều cao.

6. Đơn thuốc kinh nghiệm

6.1. Trẻ em co giật

Dùng Ngô công, Toàn yết, Chu sa lượng bằng nhau tán bột mịn, mỗi lần uống 0,5 – 1,5 g với nước ấm. 

6.2. Mụn nhọt

Dầu rết: Rết sống 8 phần, muối ăn 2 phần, ngâm vào dầu vừng (mè) trong 2 tuần, lấy dầu bôi mụn lở, trị trẻ em chốc đầu, bôi trị rắn cắn.

7. Kiêng kỵ

Vị thuốc có độc tính do đó trẻ em thiếu máu, người bị kinh giật do huyết hư, phụ nữ có thai và người yếu mệt háo khát cấm dùng.

Tóm lại, Ngô công là vị thuốc có công dụng trị co giật, tiêu độc, giảm đau gân xương. 

Những thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Tốt nhất, bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng các vị thuốc!

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*