Lá Khôi: Vị thuốc chuyên trị bệnh viêm dạ dày

cây Lá Khôi

Thời xa xưa, cụ Tuệ Tĩnh đã có câu “Nam dược trị Nam nhân”. Thói quen dùng những cây cỏ gần gũi, quen thuộc quanh nhà làm thuốc chữa bệnh lâu dần trở thành truyền thống quý báu trong nền y học dân tộc. Mỗi loại cỏ cây hoa lá đều có những công dụng riêng của mình. Trong đó, có một loại cây đặc biệt hiệu quả khi dùng điều trị bệnh viêm dạ dày. Đó chính là cây lá Khôi. 

Đặc điểm cây Lá Khôi

Mô tả

Cây Khôi (Folium Ardisiae) là loại thực vật nhỏ, cao khoảng 1,5 – 2m. Thân cây có màu xanh, mọc thẳng đứng. Bên trong thân rỗng xốp, thân không phân nhánh hoặc phân nhánh rất ít. Đây là loại cây ưa bóng, thường mọc trong bóng râm, dưới tán các cây khác hoặc trong rừng rậm.

Lá Khôi mọc so le, tập trung nhiều về phía ngọn. Lá khá lớn, rộng 6 – 10cm, dài 25 – 40cm. Mép lá nguyên. Mặt trên lá có gân nổi rõ. Phiến lá có màu xanh lục/tía.

Cây Khôi có 2 loại: Khôi trắng và Khôi tía (hay Khôi nhung). Cả 2 đều có tác dụng trong điều trị bệnh viêm loét dạ dày. Lá Khôi tía mặt trên màu xanh, mặt dưới màu tím có lông nhỏ mịn. Lá Khôi trắng cả 2 mặt đều màu xanh và không có lông mịn.

Hoa mọc thành chùm, kích thước nhỏ, chùm hoa dài khoảng 10 – 15cm. Quả của cây Khôi là loại quả mọng, khi chín có màu đỏ. Mùa hoa vào tháng 5 – 7 và quả mọc vào tháng 7 – 9.

cây Lá Khôi
Cây lá khôi phân bổ ở nhiều nơi ở Việt Nam

Phân bố

Cây mọc hoang nhiều tại rừng rậm miền thượng du các tỉnh: Lào Cai, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng…

Bộ phận dùng, thu hái, chế biến, bảo quản

Bộ phận dùng

Người ta dùng lá Khôi làm thuốc.

Thu hái

Người ta thu hái lá Khôi vào khoảng tháng 8 – tháng 9, khi đã ra quả. Khi thu hoạch sẽ chọn những lá to, khỏe, không bị sâu úa.

Chế biến

Sau khi thu hái, đem lá Khôi rửa sạch, phơi nắng cho mềm rồi ủ trong râm. Cũng có thể sao lên để dùng.

Bảo quản

Khi lá đã khô, bảo quản nơi khô ráo, thoáng mát.

Dược liệu lá khôi sau khi phơi khô
Dược liệu sau khi phơi khô

Thành phần hóa học

Thành phần chính trong lá Khôi là Tanin và Glycosid.

Tác dụng dược lý

Theo y học cổ truyền, lá Khôi có tác dụng trong điều trị bệnh đau dạ dày, kiểm soát các triệu chứng khó chịu do bệnh gây ra như ợ hơi, ợ chua, nóng rát thượng vị, đầy bụng, khó tiêu, chướng bụng…

Theo y học hiện đại, những nghiên cứu cho thấy chính Tanin và Glycosid có tác dụng chống viêm, làm lành các vết loét trong dạ dày, đồng thời hạn chế tình trạng tăng tiết acid trong dạ dày. Do đó, chúng giúp cải thiện tình trạng bệnh.

Nước ép lá Khôi còn giúp tiêu diệt vi khuẩn HP gây phá hủy niêm mạc dạ dày.

Các kết quả nghiên cứu lâm sàng cho thấy, có khoảng 80% bệnh nhân sử dụng nước uống lá Khôi có thể kiểm soát được những triệu chứng ợ hơi, buồn nôn, chướng bụng, tức ngực… do bệnh dạ dày gây ra. Sau khi áp dụng trong khoảng 1 tháng, bệnh nhân sẽ giảm nhanh các biểu hiện của bệnh dạ dày và hạn chế được tình trạng trào ngược acid lên thực quản.

Một số nghiên cứu trên thỏ, chuột bạch và khỉ cho thấy: Lá Khôi làm giảm độ acid của dịch dạ dày khỉ, làm giảm nhu động ruột cô lập của thỏ, làm yếu sự co bóp của tim, có tác dụng giảm hoạt động tự nhiên của chuột thí nghiệm.

Công dụng của vị thuốc

Công dụng chính mà người ta hay sử dụng nhất trên lá Khôi là làm giảm các triệu chứng trong bệnh viêm loét dạ dày.

Ngoài ra, lá Khôi còn một số công dụng khác:

  • Kháng khuẩn mạnh và chống dị ứng.
  • Viêm họng.
  • Nổi mề đay, mẩn ngứa, ghẻ lở.
  • Thấp khớp.

Liều lượng

Ngày dùng 40 – 80g. Có thể dùng độc vị hoặc phối hợp với các vị thuốc khác, dùng sắc uống hoặc dùng ngoài.

Một số bài thuốc sử dụng lá Khôi

Bài thuốc chữa đau dạ dày với các triệu chứng ợ hơi, ợ chua, bụng đầy trướng

Lá Khôi 20g, Khổ sâm 16g, Uất kim 8g, Hương phụ 8g, Hậu phác 8g, Bồ công anh 20g, Cam thảo nam 16g. Sắc uống ngày 1 thang.

Lá Khôi là vị thuốc giúp điều trị các triệu chứng của viêm dạ dày
Lá Khôi là vị thuốc giúp điều trị các triệu chứng của viêm dạ dày

Bài thuốc chữa đau dạ dày cả khi đói hay khi no

Lá Khôi 25g, Thảo quyết minh 20g, Mẫu lệ 20g, Ô tặc cốt 15g.

Đem các vị sao vàng hạ thổ, sau đó tán thành bột mịn. Mỗi lần dùng 1 muỗng cà phê, ngày dùng 3 – 4 lần.

Bài thuốc trị mẩn ngứa, mề đay, dị ứng

Lá Khôi 15g, Đơn nem 10g, Đơn lá đỏ 15g, Đơn kim 15g. Sắc uống ngày 1 thang.

Bài thuốc trị bệnh thấp khớp

Lá Khôi 12g, Kim ngân 10g, lá Thông 8g, Ké đầu ngựa 16g, rễ Gối hạc 16g, lá Đơn mặt trời 12g, lá Bạc thau (sao) 12g.

Sắc uống. Nên dùng trước khi ăn và trước khi đi ngủ.

Bài thuốc trị ghẻ lở

Dùng một nắm lá Khôi, đun sôi với 5 lít nước. Lấy nước đó tắm, phần xác lá đem chà vào các nốt ghẻ. Ngày tắm 1 lần. Sau vài ngày sẽ bớt ngứa và các nốt mụn ghẻ khô dần.

Lưu ý, kiêng kỵ

Theo nhận định của Viện Y học Cổ truyền, khi áp dụng chữa bệnh cho một số trường hợp đau dạ dày, người ta thấy rằng: Với liều 100g lá Khôi trở xuống uống hằng ngày thì có thể từ đỡ đau đến hết đau, bệnh nhân ăn ngủ tốt. Nhưng nếu sử dụng tăng liều 250g/ngày thì lại khiến cho bệnh nhân mệt mỏi, người uể oải, da tái xanh.

Do đó, cần có liều lượng và cách thức sử dụng thích hợp.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*