La bạc tử: Vị thuốc cổ truyền từ cây Cải củ

Cây Củ cải

La bạc tử là hạt già của cây Cải củ (Raphanus sativus L.). Theo Y học cổ truyền, dược liệu này có vị cay, ngọt, tính bình, quy vào kinh Phế, Tỳ và Vị, có tác dụng trừ đàm, trị ho, hỗ trợ tiêu hóa thức ăn.

1. Đặc điểm La bạc tử

1.1. Danh pháp

  • Tên gọi khác: La bặc tử, Lai phục tử, Tử hoa tòng, Thổ tô tử, Ôn tòng, Địa khô lâu, Địa khô la, La ba tử, La điền tử, Đường thanh tử, Lai bặc tử, hạt Củ cải, rau Lú bú.
  • Tên khoa học: Semen raphani.
  • Thuộc họ: Thuộc họ Cải (Brassicaceae).

1.2. Mô tả cây 

Cải củ là cây mọc một năm hay hai năm. Lá hình mũi mác, chụm ở đất. Hoa chùm có màu hơi tím hồng hoặc trắng. Hạt có hình trứng dẹt, dài 2,5 – 4 mm, có màu nâu đỏ hoặc xám nâu. Vỏ hạt mỏng, dòn, nhìn qua kính lúp sẽ thấy các chỗ lõm hình mạng, ở một đầu có tễ. Không mùi vị, có chất dầu hơi cay. Rễ củ phình to, có màu trắng, có hình trụ tròn dài hoặc hình cầu tròn.

Cây Củ cải
Cây Củ cải

1.3. Đặc điểm sinh trưởng

Cây Cải củ được trồng khá nhiều ở nước ta để làm thực phẩm và bào chế để làm thuốc.

1.4. Bộ phận dùng

Dùng phần hạt già của cây Cải củ để làm vị thuốc La bạc tử.

1.5. Bào chế

Đến mùa quả chín, thời điểm tốt nhất để thu hoạch là mùa hè và mùa thu. Hái cả cây, phơi khô, đập lấy phần hạt già, đem rửa sạch để loại bỏ tạp chất, sau đó đem phơi hoặc sấy khô để dùng. Hoặc sao cho hơi vàng có mùi thơm khi dùng.

1.6. Bảo quản

Bảo quản thuốc ở nơi khô ráo, thoáng gió. Cần đóng kín bao bì sau mỗi lần sử dụng để tránh ẩm mốc.

2. Hoạt chất trong cây

2.1. Thành phần hóa học

Erucic acid, oleic acid, linolenic acid, linoleic acid, glycerol sinapate, sinapine, raphanin, tinh dầu.

Dược liệu La bạc tử
Dược liệu La bạc tử

2.2. Tác dụng dược lý

  • Giảm tiêu chảy và lỵ, tăng co bóp cơ trơn tiêu hóa. 
  • Kháng viêm, chống oxy hóa. 
  • Hạ huyết áp từ từ, chậm nhịp tim.
  • Gây ức chế nhiều loại nấm gây bệnh. Chất raphanin có khả năng ức chế sự phát triển của staphylococci và Escherichia coli.
  • Chất erucic acid, thành phần acid béo chính trong La bạc tử cho thấy làm tăng độc tính của thuốc doxorubicin.
  • Thành phần oleic acid có trong cây có hiệu quả kháng ung thư thông qua tác động trên ức chế telomerase. Linolenic acid, linoleic acid có hiệu quả trong xơ vữa động mạch, kiểm soát mỡ máu trên nhân rối loạn lipid máu.

2.3. Độc tính

Liều độc LD50 khi tiêm dịch chiết La bạc tử vào bụng chuột là 127.4 ± 3.7 g/kg.

Khi cho chuột uống dịch chiết mỗi ngày với liều 100 g/kg, 200 g/kg, 400 g/kg liên tục trong 3 tuần, không ghi nhận sự thay đổi về máu, chức năng gan thận và các cơ quan khác.

3. Công dụng La bạc tử

3.1. Tính vị

Cay, ngọt; tính bình.

3.2. Quy kinh

Quy kinh Tỳ, Vị, Phế.

3.3. Công hiệu

Tiêu thực trừ đầy trướng, đưa khí đi xuống, hóa đàm.

3.4. Chủ trị

Điều trị thực tích ứ trệ gây ra đầy bụng, ợ hơi, ợ chua thường dùng với sơn tra, thần khúc, trần bì như bài bảo hoà hoàn. Điều trị thực tích ỉa lỏng, lý cấp hậu trọng thường dùng với mộc hương, chỉ thực, đại hoàng.

Điều trị ho xuyễn nhiều đàm, căng tức ngực, thường dùng với bạch giới tử, tô tử như bài tam tử dưỡng tân thang.

3.5. Liều dùng

6 – 9 g.

3.6. Lưu ý

La bạc tử làm hao khí, vì vậy người vốn khí bị hư, không có thực tích, đàm trệ không nên dùng.

4. Một số bài thuốc

4.1. Trị lỵ

La bạc tử 15 g, Bạch thược dược 9 g, Đại hoàng 3 g, Mộc hương 1,5 g. Sắc uống.

4.2. Trị ho đàm

Hạnh nhân (bỏ vỏ, phần nhọn), La bạc tử mỗi loại 15 g. Tán nhỏ, uống với cháo.

4.3. Người già ho lâu không khỏi

La bạc tử (sao) 10 g, Tô tử (sao) 10 g, Bạch giới tử (sao) 3 g. Tất cả cho vào túi vải, thêm 500 ml nước. Sắc còn 200 ml, chia làm 3 lần uống trong ngày.

4.4. Thức ăn tích trệ, không tiêu

Sơn tra 60 g, Bạch linh 30 g, Thần khúc 20 g, Liên kiều 40 g, Bán hạ 30 g, Trần bì 10 g, La bạc tử 10 g. Tất cả tán bột mịn, làm thành viên. Mỗi lần uống 1 – 2 viên, ngày uống 2 lần.

4.5. Trị chấn thương, ứ huyết đau nhức

La bạc tử 60 g, nghiền nát, thêm rượu nóng đắp lên.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*