Cải cúc: món rau tính ấm chữa ho hiệu quả

Cải cúc là món rau quen thuộc

Cải cúc, hay còn có cái tên thường gọi khác là rau tần ô, đó là món ăn quen thuộc thường xuất hiện trong bữa cơm hàng ngày. Vị hơi nhẫn nhẫn đặc trưng không giống bất cứ loại rau nào của cải cúc, ấy vậy mà lại khiến người ta ưa thích. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết được đó còn là một vị thuốc. Không như những loại rau cải khác, đa phần tính lạnh, vị rau cải cúc này lại tính ấm, và có tinh dầu, nên nó giải cảm, chữa ho khá hiệu quả. 

1. Mô tả vị thuốc

Cải cúc (tên khoa học Chrysanthemum coronarium L), thuộc họ Cúc Asteraceae, là loại cây thảo, sống hàng năm, cây mọc thẳng, phân nhánh nhiều. Cây cải cúc trưởng thành cao khoảng 0,4 – 0,6m, có những cây cao tới 1m. Cây non có cành mềm, giòn, dễ bẻ gãy, màu xanh lá. Cành càng già càng trở nên cứng, có xơ, đến khi thật già sẽ chuyển màu nâu nhạt.

Lá ôm vào thân, xẻ lông chim hai lần với những thuỳ hình trứng hay hình thìa không đều. Phiến lá men theo cuống, có 2 mặt nhẵn, dài đến 20cm. Lá có mùi thơm hơi hắc. Cụm hoa mọc riêng lẻ ở nách lá, các hoa ở mép màu vàng sẫm, các hoa ở giữa đầu màu vàng lục, thơm. Các lá bắc của bao chung không đều, khô xác ở mép, xếp thành 2 – 4 hàng.

Quả bế, dài 2 – 3mm. Mùa hoa quả vào tháng 1 – 3.

Cải cúc là món rau quen thuộc
Cải cúc là món rau quen thuộc

2. Nguồn gốc, phân bố

Cây có nguồn gốc từ vùng Địa Trung Hải, sau đó du nhập sang các nước ở châu Âu, châu Á, Bắc Phi.

Cây được trồng ở Việt Nam từ khá lâu, trở thành một loại rau quen thuộc không biết từ bao giờ. Hiện nay, cải cúc được trồng khá phổ biến ở các địa phương miền Bắc, còn ở trong Nam thì trồng nhiều ở Đà Lạt. Loại cây này ưa sáng và ưa ẩm, thích nghi được với nhiều loại đất, giới hạn nhiệt độ sinh trưởng rộng từ 5 – 25­0C nên khá dễ trồng, ra hoa kết quả tốt.

3. Bộ phận dùng, thu hái, chế biến, bảo quản

Thân và lá của cây được dùng làm rau ăn và làm thuốc. Có thể dùng tươi hay khô.

Cải cúc một năm thường được trồng 2 vụ:

  • Vụ đông xuân: Gieo hạt từ tháng 10 – 11, thu hoạch từ tháng 2-3
  • Vụ xuân hè: Gieo từ tháng 4 – 5, thu hoạch từ tháng 8 – 9

Cây khi thu hái về, đem rửa sạch đất cát, dùng trực tiếp hoặc phơi khô trong bóng râm để dùng dần. Chú ý bảo quản nơi khô ráo, kín đáo, tránh ẩm ướt, tránh ánh nắng mặt trời trực tiếp.

Cánh đồng hoa cải cúc
Cánh đồng hoa cải cúc

4. Thành phần hóa học trong cây cải cúc và tác dụng dược lý

4.1. Thành phần hóa học

Trong rau cải cúc chứa nhiều tinh dầu, Carbohydrate 5,57%, protid 1,85%, glucid 2,57%, lipid 0,43% và còn có nhiều vitamin B, C và một số vitamin A. Ngoài ra còn có nhiều loại acid amin (như prolin, alamin, asparagin acid glutamic, valin, leucin, prolin, acid aspartic, acid aminobutyric). Trong lá có chứa 7- glucosid của quercetin, quercetagetin và luteolin.

4.2. Tác dụng dược lý

Người ta đã thử dịch chiết ethanol của thân, lá, hoa và thấy có tác dụng kháng khuẩn trên  Bacillus subtilis và Micrococcus luteus lufe.

5. Công dụng của cây cải cúc

Cải cúc là loại cây, không những được dùng như một món ăn thông thường, mà còn thường được dân ta sử dụng chữa nhiều bệnh như:

  • Giải cảm
  • Chữa ho lâu ngày
  • Chữa đau đầu kinh niên
  • Trị đau lạnh bụng
  • Giúp giảm bớt tình trạng ăn không tiêu
  • Cải thiện việc thiếu sữa sau sinh
  • Hỗ trợ điều trị tăng huyết áp
Canh cải cúc là món ăn tính ấm có thể giải cảm
Canh cải cúc là món ăn tính ấm có thể giải cảm

6. Một số bài thuốc, món ăn chữa bệnh từ rau cải cúc

6.1. Bài thuốc chữa chứng ho dai dẳng

Cải cúc khoảng 150gr, Phổi heo 200gr. Nấu canh ăn với cơm. Ăn liền 3 – 4 ngày như vậy.

6.2. Món cháo cải cúc trừ cảm cúm

Lấy cải cúc tươi rứa sạch, cho vài vừa khoảng nửa tô, đổ cháo nóng đang sôi lên trên đó chờ cho nguội bớt rồi ăn, sẽ đỡ cảm.

6.3. Bài thuốc chữa chứng nhức đầu kinh niên

Rau cải cúc khoảng 10 – 15gr đem sắc lên lấy nước uống mỗi ngày. Cùng với đó lá cải đem hơ nóng chườm đắp lên đỉnh đầu và hai thái dương vào buổi tối trước khi đi ngủ hoặc khi lên cơn đau.

6.4. Bài thuốc chữa đau mắt

Lấy rau cải cúc 1 nắm xắt nhỏ, đem nấu với 1 con cá diếc khoảng 3 ngón tay người lớn để ăn. Bên ngoài dùng lá tươi hơ nóng chườm lên mắt (hoặc cho vào vải mỏng chườm).

6.5. Bài thuốc chữa ho ở trẻ em

Chọn khoảng 5gr cải cúc thái nhỏ, thêm ít mật ong hấp cách thủy, lấy nước cho bé uống trong ngày

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*